Ngày 17/4 Cố vấn kinh tế Nhà Trắng Jared Bernstein cho biết mức thuế cao hơn đối với các sản phẩm thép và nhôm nhập khẩu của Trung Quốc đang được chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden xem xét sẽ không ảnh hưởng đến lạm phát của Mỹ, đồng thời nhấn mạnh rằng đây là điều cần thiết cho an ninh quốc gia Mỹ.

Chia sẻ với CNBC, Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Kinh tế Nhà Trắng Jared Bernstein cho biết: “Nếu không hành động, chúng tôi sẽ đặt một trong những lĩnh vực quan trọng nhất của mình vào nguy hiểm. Lĩnh vực sản xuất thép là lĩnh vực được Tổng thống Biden gọi là ‘xương sống’ của nền kinh tế Mỹ, nền tảng của an ninh quốc gia.”

Cũng trong hôm 17/4, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã kêu gọi tăng gấp 3 lần thuế đối với thép và nhôm Trung Quốc, với lý do “cạnh tranh không công bằng”. Lời kêu gọi của ông Biden được đưa ra khi Đại diện thương mại Mỹ (USTR) thông báo họ đang tiến hành cuộc điều tra về các hoạt động thương mại của Trung Quốc trong lĩnh vực đóng tàu, hàng hải và kho vận (logistics) để đáp lại kiến nghị gần đây của 5 công đoàn Mỹ.

Mức thuế trung bình hiện nay đối với một số sản phẩm thép và nhôm nhập khẩu của Trung Quốc là 7,5% theo mục 301.

Ông Bernstein cho biết việc tăng thuế như vậy sẽ không có tác động tiêu cực đến nền kinh tế Mỹ. Ông nói: “Đây là một sự can thiệp có mục tiêu và không có nhiều tác động đến tình hình lạm phát của Mỹ.”

Nhà Trắng giải thích các chính sách và khoản trợ cấp của Trung Quốc cho ngành thép và nhôm trong nước của họ đang ảnh hưởng đến những sản phẩm chất lượng cao của Mỹ. Họ nói các các sản phẩm của Trung Quốc được sản xuất với lượng khí thải cao hơn và có giá “rẻ một cách bất thường”

Đáp trả lại lời kêu gọi của Tổng thống Joe Biden, ngay lập tức ngày 18/4 Bộ Thương mại Trung Quốc đã lên tiếng phản đối, kêu gọi Mỹ ngay lập tức dỡ bỏ thuế quan bổ sung, đồng thời tuyên bố sẽ thực hiện mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ quyền lợi.


Người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc nêu rõ bộ này kêu gọi Mỹ ngừng tăng thuế đối với các sản phẩm của Trung Quốc và ngay lập tức dỡ bỏ thuế quan bổ sung đối với nước này với lý do đây là các biện pháp mang tính bảo hộ.

Phía Trung Quốc cũng cho rằng việc Mỹ gây sức ép với các quốc gia khác để hạn chế các sản phẩm của Trung Quốc sẽ làm suy yếu an ninh và ổn định của các chuỗi cung ứng và công nghiệp toàn cầu.

Động thái mới của Bộ Thương mại Trung Quốc được đưa ra sau khi Chính phủ của Tổng thống Biden cho biết sẽ tăng thuế và cũng đang gây sức ép để Mexico cấm Trung Quốc bán các sản phẩm kim loại sang Mỹ một cách gián tiếp thông qua nước này.

Mỹ cũng đang điều tra các thông lệ thương mại của Trung Quốc trong các lĩnh vực đóng tàu, hàng hải và logistics.

Trước đó, Mỹ đã siết chặt các quy định xuất khẩu chất bán dẫn, khiến Trung Quốc gặp khó trong tiếp cận các sản phẩm chip trí tuệ nhân tạo và công cụ chế tạo chip.

Mới đây nhất, tập đoàn US Steel – 1 trong số những doanh nghiệp sản xuất thép quy mô và lâu đời nhất của Mỹ đã chấp thuận bán công ty cho Nippon Steel của Nhật bản với giá 14,9 tỷ đô. Thương vụ M&A đình đám này đang khiến một số nhà lập pháp Mỹ phản đối thỏa thuận  với lý do lo ngại an ninh quốc gia. Tổng thống Joe Biden đã nói rằng, dù thương vụ được thực hiện US Steel phải vẫn là một công ty Mỹ thuộc sở hữu của người Mỹ. Thỏa thuận cũng vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ từ liên đoàn công nhân thép Mỹ (USW), vì lo ngại khả năng mất việc làm. Nguồn tin từ Reuters cho hay, Bộ Tư pháp Mỹ sẽ mở cuộc điều tra chống độc quyền về việc tiếp quản.

Thép và nhôm là 2 trong số những mặt hàng đóng vai trò quan trọng và là nguyên liệu đầu vào cho nhiều ngành công nghiệp chủ lực của nền kinh tế như sản xuất máy bay, ô tô, bất động sản… Động thái của Mỹ được cho có thể làm châm ngòi cho một cuộc đối đầu mới giữa 2 siêu cường sau ngành hàng chíp bán dẫn.

T/h