Sản xuất công nghiệp trong tháng Mười khởi sắc khi các biện pháp giãn cách xã hội được nới lỏng, hoạt động sản xuất kinh doanh từng bước được khôi phục trong trạng thái bình thường mới. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 10/2021 ước tính tăng 6,9% so với tháng trước và giảm 1,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó ngành khai khoáng giảm 7,2%; ngành chế biến, chế tạo giảm 1,6%; sản xuất và phân phối điện tăng 2,4%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 1,5%.
Tính chung 10 tháng năm 2021, IIP
ước tính tăng 3,3% so với cùng kỳ năm trước (cao hơn tốc độ tăng 2,6% của cùng
kỳ năm 2020). Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 4,5% (cùng kỳ năm 2020
tăng 4,1%), đóng góp 3,99 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành sản xuất và
phân phối điện tăng 4,1%, đóng góp 0,36 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, hoạt
động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 3,4%, đóng góp 0,05 điểm phần
trăm; riêng ngành khai khoáng giảm 7%, làm giảm 1,1 điểm phần trăm trong mức
tăng chung.
Chỉ số sản xuất 10 tháng năm 2021
của một số ngành trọng điểm thuộc ngành công nghiệp cấp II tăng cao so với cùng
kỳ năm trước: Sản xuất kim loại tăng 25,1%; sản xuất xe có động cơ tăng 12,5%;
sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế tăng 10,5%; dệt tăng 7,8%; sản xuất
sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 6,4%; sản xuất trang
phục và hoạt động thu gom, xử lý và tiêu hủy rác thải, tái chế phế liệu cùng
tăng 5,1%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 4,3%. Ở chiều ngược lại,
chỉ số IIP của một số ngành giảm: Sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu giảm
19,2%; khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm 13,3%; sửa chữa, bảo dưỡng và
lắp đặt máy móc, thiết bị giảm 8,7%; sản xuất đồ uống giảm 5,8%; sản xuất
phương tiện vận tải khác giảm 5,4%.
Theo địa phương, chỉ số sản xuất công nghiệp
10 tháng năm 2021 của 45 tỉnh, thành phố
trực thuộc Trung ương tăng so với cùng kỳ năm trước, trong đó có 11 địa phương
tăng cao.
Ở chiều ngược lại, một số địa
phương có chỉ số IIP 10 tháng năm 2021 so với cùng kỳ năm trước giảm mạnh do ảnh
hưởng của dịch Covid-19.
Một số sản phẩm công nghiệp chủ lực
trong 10 tháng năm 2021 tăng cao so với cùng kỳ năm trước: Linh kiện điện thoại
tăng 38,8%; thép cán tăng 37,3%; xăng dầu các loại tăng 15,5%; khí hóa lỏng LPG
tăng 14,1%; ô tô tăng 12,4%; sắt, thép thô tăng 11,4%; sữa bột tăng 9,6%; thức
ăn cho gia súc tăng 9,5%; giày, dép da tăng 8,5%. Ở chiều ngược lại, một số sản
phẩm giảm so với cùng kỳ năm trước: Tivi các loại giảm 40,4%; khí đốt thiên
nhiên dạng khí giảm 18,6%; bia các loại giảm 10%; đường kính giảm 9%; dầu mỏ
thô khai thác giảm 6,9%; xe máy giảm 6,6%; thức ăn cho thủy sản giảm 4,2%.
Số lao động đang làm việc trong
các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 01/10/2021 tăng 7,7% so với cùng thời
điểm tháng trước và giảm 7,9% so với cùng thời điểm năm trước, trong đó: Lao động
khu vực doanh nghiệp Nhà nước tăng 1,2% và giảm 3,4%; doanh nghiệp ngoài Nhà nước
tăng 7,2% và giảm 9,7%; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 9% và giảm
7,8%. Theo ngành hoạt động, số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp
ngành khai khoáng tăng 0,6% so với cùng thời điểm tháng trước và giảm 2,4% so với
cùng thời điểm năm trước; ngành chế biến, chế tạo tăng 8,3% và giảm 8,5%; ngành
sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí
tăng 0,5% và tăng 2,3%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải,
nước thải tăng 1,2% và giảm 1,9%.