Theo tin từ
Công ty Cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report), đơn vị này vừa xuất
bản và công bố Sách trắng Kinh tế Việt Nam 2023 với chủ đề "Cộng hưởng nỗ
lực, tạo đà bứt phá."
Báo cáo tổng kết những thành quả đạt được trong năm 2023; đồng thời, đưa ra một số dự báo về triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2024.
Báo cáo
cũng có nhiều gợi ý về chính sách kinh tế, bài học kinh nghiệm và đề xuất chiến
lược kinh doanh nhằm giúp các doanh nghiệp hình thành khung đánh giá khả năng
phục hồi những nguồn lực quan trọng, qua đó, vượt qua khó khăn hiện tại và tạo
đà bứt phá trong tương lai.
Ông Vũ
Đăng Vinh, Tổng giám đốc Vietnam Report cho hay trong năm qua, mặc dù trước bối
cảnh khó khăn từ tình hình kinh tế toàn cầu cũng như trong nước đã tác động lớn
đến hoạt động của các doanh nghiệp, nhưng Việt Nam vẫn là điểm sáng với nhiều
tín hiệu tích cực như tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước, GDP cả năm ước
tăng 5,05% so với năm 2022, nhiều lĩnh vực phục hồi như xuất khẩu và sản xuất
công nghiệp.
Vietnam
Report cũng vừa thực hiện Báo cáo đánh giá và xếp hạng Top 500 doanh nghiệp lớn
nhất Việt Nam (VNR500), qua đó, ghi nhận tổng doanh thu của cả ba lĩnh vực là:
công nghiệp-xây dựng, dịch vụ và nông nghiệp-lâm nghiệp-thủy sản năm 2023 đều
có sự gia tăng so với năm 2022; trong đó, ngành công nghiệp-xây dựng là một
trong những động lực phát triển của ngành kinh tế.
Hoạt động
nông nghiệp-lâm nghiệp-thủy sản vẫn giữ được đà cải thiện đáng kể so với năm
trước.
Xét về các
tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động kinh doanh của toàn bộ doanh nghiệp trong
bảng xếp hạng năm nay, tỷ suất sinh lời trên tài sản (ROA) bình quân và tỷ suất
sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) lần lượt tăng 0,2% và 4,1% so với năm trước.
Ngược lại,
tỷ suất sinh lời trên doanh thu (ROS) bình quân ghi nhận mức giảm 0,4% xét trên
tổng thể.
Tình hình
sản xuất kinh doanh của một số doanh nghiệp lớn trong các ngành kinh tế trọng
điểm như dược, logistics, du lịch, khách sạn-resort, thức ăn chăn nuôi… cũng cải
thiện dù còn nhiều khó khăn.
Ngoại trừ
ngành logistics chịu nhiều tác động từ sự suy giảm kinh tế toàn cầu, các lĩnh vực
còn lại đều ghi nhận sự tăng trưởng khi các doanh nghiệp dược ngày càng quan
tâm đến việc cải tiến nghiên cứu, sản xuất, áp dụng công nghệ mới nhằm đáp ứng
tốt hơn nhu cầu chăm sóc sức khỏe của xã hội.
Việt Nam
cũng vừa chứng kiến một năm "bùng nổ" thị trường khách nội địa cùng
quốc tế, và nhu cầu ngày càng tăng đối với các sản phẩm thực phẩm có nguồn gốc
động vật như thịt, sữa, trứng đã thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ thức ăn chăn nuôi có
chất lượng.
Nhìn
chung, nếu vượt qua được khó khăn hiện tại, các doanh nghiệp sẽ nắm bắt được cơ
hội lớn để trở thành động lực chính cho nền kinh tế, nâng cao vị thế trong chuỗi
cung ứng trong và ngoài nước.
Có thể thấy
được những nỗ lực của Việt Nam với con đường phục hồi đang ngày càng rõ nét
hơn; trong đó, những nỗ lực thích ứng linh hoạt trong hoạt động sản xuất kinh
doanh và chiến lược quản trị của các doanh nghiệp là tiền đề cho một năm 2024
khả quan hơn khi tình hình kinh tế dần được cải thiện.
Đặc biệt,
việc xây dựng được một thương hiệu mạnh sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng,
giúp doanh nghiệp phục hồi mạnh mẽ và phát triển bền vững trong tương lai, ông
Vinh nhấn mạnh.
VNPL