Tại Phiên họp thẩm định
Quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bộ trưởng
Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, lấn biển là xu thế tất yếu cho
phát triển, nhưng Thái Bình cần làm rõ diện tích và phương án khả thi, đảm bảo
không ảnh hưởng tới môi trường.
Mở
không gian để tạo động lực dẫn dắt
Thái Bình là địa
phương “đất chật, người đông”, quy mô diện tích khá nhỏ, xếp thứ 54/63 tỉnh, thành
phố; chiếm 0,48% diện tích cả nước. Dân số Thái Bình lại xếp thứ 11/63 tỉnh,
thành phố; chiếm 1,9% dân số cả nước và có mật độ dân số gấp 4 lần trung bình cả
nước.
Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình Ngô Đông Hải phát biểu tại
Phiên họp
Thái Bình là tỉnh có
diện tích đất lúa cho năng suất cao chiếm tỷ trọng tương đối lớn, phân bố chủ yếu
các khu vực phía Tây của Tỉnh, nên diện tích để chuyển đổi cho phát triển các
hoạt động sản xuất phi nông nghiệp là tương đối hạn hẹp, đặt ra yêu cầu phải
khai thác hợp lý, bền vững, ưu tiên các hoạt động kinh tế có hiệu quả sử dụng đất
cao, tiết kiệm, chuyển dịch các hoạt động kinh tế phi nông nghiệp tập trung về
khu vực ven biển phía Đông. Rất nhiều khu dân cư nông thôn xen kẽ với đất sản
xuất nông nghiệp, gây khó khăn lớn trong giải phóng mặt bằng cho sản xuất công
nghiệp và dịch vụ.
Theo Dự thảo Quy hoạch,
đến năm 2030, Thái Bình đặt mục tiêu sẽ vươn lên nhóm phát triển khá và đến năm
2050 là tỉnh phát triển trong khu vực Đồng bằng sông Hồng (ĐBSH). Cụ thể, tốc độ
tăng trưởng kinh tế bình quân thời kỳ 2021 - 2030 đạt khoảng 13,4%; cơ cấu kinh
tế năm 2030 với ngành công nghiệp - xây dựng chiếm khoảng 62,1%; ngành nông,
lâm nghiệp và thuỷ sản chiếm khoảng 9,1%; ngành dịch vụ chiếm 28,8%.
Trong đó, công nghiệp
là động lực chủ yếu cho tăng trưởng, đưa Thái Bình trở thành một trong những
trung tâm phát triển công nghiệp của Vùng; tận dụng lợi thế vùng biển để phát
triển một số lĩnh vực có vai trò động lực như: cảng biển; năng lượng (điện khí,
điện gió); công nghiệp, đô thị lấn biển...
Theo Bí thư Tỉnh ủy
Thái Bình Ngô Đông Hải, Thái Bình đang ở mức phát triển thấp với nhiều khó
khăn, hạn chế nên việc đặt vấn đề phát triển bứt phá để trở thành tỉnh phát triển
khá đến năm 2030 và phát triển đến năm 2050 trong khu vực ĐBSH đã thể hiện khát
vọng của Tỉnh.
Ở thời điểm hiện tại,
Thái Bình có sự phát triển tương đối đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật; môi trường đầu
tư - kinh doanh có nhiều cải thiện; có sự ủng hộ của Trung ương nên Tỉnh có cơ
sở, tiềm năng để đặt mục tiêu và khát vọng phát triển như vậy, Bí thư Ngô Đông
Hải nhấn mạnh.
Ngoài ra, Thái Bình
cũng đang nhận được sự quan tâm lớn của nhiều nhà đầu tư có tiềm lực. Thái Bình
cũng đang nỗ lực theo đuổi phương án lấn biển với việc mời các chuyên gia có
kinh nghiệm của quốc tế khảo sát kỹ khu vực biển Thái Bình và đang hiện thực
hóa phương án này. Trong bối cảnh “đất chật người đông”, việc lấn biển sẽ mở ra
cho Thái Bình cơ hội phát triển, mở rộng không gian phát triển đô thị - công
nghiệp - dịch vụ… để theo kịp sự phát triển chung của Vùng và cả nước, Bí thư Tỉnh
ủy Thái Bình nêu quan điểm.
Làm
rõ luận cứ, mở rộng kết nối, liên vùng
Bộ trưởng
Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng chủ trì Phiên họp sáng ngày 17/8/2023
Phát biểu tại Phiên họp,
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chủ tịch Hội đồng Thẩm định quy hoạch tỉnh
Nguyễn Chí Dũng đánh giá, nhắc đến Thái Bình là phải nói đến sứ mệnh lớn trong
việc đảm bảo an ninh lương thực, năng lượng của cả nước, nhưng nếu chỉ dựa vào
phát triển nông nghiệp thì không thể giàu có, không thể phát triển nhanh được.
Do đó, theo Bộ trưởng
Nguyễn Chí Dũng, lấn biển là một trong những nội dung quan trọng mang tính đột
phá của Quy hoạch tỉnh Thái Bình. Ủng hộ phương án này, Bộ trưởng cho rằng, việc
lấn biển cũng là phù hợp với xu thế phát triển. Tuy nhiên, Quy hoạch Tỉnh cần
làm rõ đề xuất diện tích đất lấn biển khả thi; làm rõ hơn tiềm năng và khả năng
bồi tụ, cũng như bổ sung lộ trình, luận chứng, cơ sở khoa học đảm bảo trong việc
hình thành khu lấn biển hiệu quả, phát triển bền vững; lưu ý làm rõ mức độ ảnh
hưởng đến môi trường, địa chất trong quá trình lấn biển.
Bộ trưởng bày tỏ ủng
hộ mô hình phát triển được các chuyên gia phản biện tại Phiên họp đưa ra trong
việc Thái Bình cần định hướng phát triển dựa trên mô hình phát triển nông nghiệp,
hình thành những vùng nông thôn “đáng sống”, theo hướng hình thành các khu dân
cư nông thôn, phát triển khu đô thị nhỏ và vừa.
Bên cạnh đó, Quy hoạch
cũng cần chỉ rõ những điểm nghẽn cần phải giải quyết trong bài toán quy hoạch
như: điểm nghẽn trong kết nối phát triển với các địa phương, vùng; hạn chế
trong quỹ đất, hạ tầng kết nối có bất cập gì… Quy hoạch Tỉnh cần phải nêu bật
lên được vị trí của Thái Bình trong việc kết nối phát triển với Hà Nội, vùng Thủ
đô như thế nào; với cảng Lạch Huyện và sân bay Cát Bi (Hải Phòng); kết nối phát
triển với đường cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Hải Phòng… Việc phát triển tuyến
đường hành lang ven biển cũng phải được tận dụng tốt trong bài toán phát triển
để mở ra không gian kết nối liên thông, hình thành hành lang kinh tế ven biển
phát triển hiệu quả.
Thái Bình lựa chọn kịch
bản tăng trưởng GRDP tăng trưởng ở mức 13,4% trong thời kỳ quy hoạch là mức
tăng trưởng cao, bứt phá. Song, cần nêu rõ, chứng minh các luận cứ rõ hơn, tính
khả thi trong việc lựa chọn kịch bản này, Bộ trưởng lưu ý.
4
trụ cột tăng trưởng để hiện thực hóa tầm nhìn phát triển
Khu kinh tế ven biển Thái Bình là một hạt nhân, động
lực phát triển kinh tế chính của tỉnh Thái Bình trong thời kỳ quy hoạch
Tầm nhìn đến năm
2050, Thái Bình là tỉnh có nền kinh tế phát triển thịnh vượng, xã hội tiến bộ
và môi trường được đảm bảo. Các ngành kinh tế trụ cột có sức cạnh tranh cao,
tăng trưởng kinh tế dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Để đạt được
tầm nhìn này, Dự thảo Quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến
năm 2050 chỉ ra 4 trụ cột tăng trưởng chính. Đó là:
Xây dựng Thái Bình trở
thành trung tâm công nghiệp theo hướng hiện đại với các ngành chủ đạo: công
nghiệp hỗ trợ, công nghiệp cơ khí, chế biến, chế tạo, công nghiệp công nghệ
cao, công nghiệp điện - điện tử, công nghiệp năng lượng - hướng tới trở thành
trung tâm sản xuất năng lượng hàng đầu vùng ĐBSH. Phát triển dịch vụ hiện đại,
có yếu tố đi trước đón đầu, tạo điều kiện hỗ trợ các lĩnh vực khác phát triển;
chú trọng phát triển dịch vụ logictics, phân phối hàng hóa và du lịch...
Phát huy thế mạnh của
tỉnh có truyền thống về nông nghiệp; xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa
theo hướng hiện đại có năng suất, chất lượng, hiệu quả, bền vững; đẩy mạnh tái
cơ cấu ngành nông nghiệp, trở thành trung tâm nông nghiệp hàng đầu khu vực
ĐBSH.
Xây dựng các khu đô
thị xanh đẹp, trong lành, đáng sống cho người dân. Phát triển thành phố Thái
Bình và khu vực phụ cận có vai trò trung tâm, động lực phát triển và từng bước
trở thành đô thị lớn trong khu vực ĐBSH.
Phát triển toàn diện
Khu kinh tế ven biển Thái Bình là một hạt nhân, động lực phát triển kinh tế
chính của Tỉnh giai đoạn 2021 - 2030. Chuẩn bị toàn diện để mở rộng không gian
phát triển hướng biển.
BĐT