Ưu tiên phát triển nhiều bến cảng khách tại Nha Trang, Cam Ranh
Theo quy hoạch, cảng biển Khánh Hòa gồm các khu bến:
Bắc Vân Phong; Nam Vân Phong; Nha Trang; Cam Ranh; bến cảng huyện đảo
Trường Sa, cùng khu chuyển tải và các khu neo chờ, tránh, trú bão.
Mục tiêu đến năm 2030, sản lượng hàng hóa thông qua cảng
biển từ 26,5 - 32,2 triệu tấn (trong đó hàng container từ 0,04 - 0,08 triệu
Teu, chưa bao gồm hàng container trung chuyển quốc tế). Sản lượng hành
khách thông qua cảng từ 549,9 - 612,9 nghìn lượt khách.
Khu vực có tổng số 22 bến cảng, gồm từ 47-51 cầu
cảng với tổng chiều dài từ 10.235 - 11.625m (chưa bao gồm các bến
cảng khác).
Cụ thể, khu bến Bắc Vân Phong được quy hoạch 3 bến cảng,
gồm từ 7-8 cầu cảng, đáp ứng cho lượng hàng hóa từ 5,5 - 7 triệu tấn (chưa bao
gồm lượng hàng trung chuyển container quốc tế), hành khách từ 120 - 130 nghìn
lượt khách. Khu bến có thể tiếp nhận tàu container trọng tải tới 24.000 Teu và
tàu tổng hợp, tàu hàng rời đến 250.000 tấn.
Đặc biệt, từng bước phát triển các bến tàu khách du lịch
quốc tế, bến du thuyền, phục vụ trực tiếp khách du lịch vịnh Vân Phong và khu vực
lân cận theo nhu cầu.Trong đó, bến tàu khách du lịch quốc tế Đầm Môn có 1 cầu cảng
hàng khách dài 480m, tiếp nhận tàu trọng tải đến 225.000 GT.
Quy hoạch khu bến Nam Vân Phong với 9 bến cảng, gồm 16-19
cầu cảng, đáp ứng cho lượng hàng hóa từ 15,4 - 18,5 triệu tấn.
Khu bến Nha Trang được quy hoạch 3 bến cảng, gồm 5 cầu cảng
với tổng chiều dài 1.023m, đáp ứng cho lượng hàng hóa từ 0,1 - 0,2 triệu tấn,
hành khách qua cảng từ 349,9 - 392,9 nghìn lượt khách.
Tại khu bến này có 2 bến cảng đón khách gồm bến cảng Nha
Trang với 3 cầu cảng hành khách, tiếp nhận tàu trọng tải đến 225.000 GT, đáp ứng
thông qua hành khách từ 169,9 - 202,9 nghìn lượt khách. Bến cảng công viên bến
du thuyền quốc tế có số lượng cầu cảng/chiều dài theo đề xuất của nhà đầu tư,
tiếp nhận tàu trọng tải đến 7.000 GT.
Cũng được quy hoạch để đón khách, khu bến cảng Cam Ranh
có 7 bến cảng, gồm 19 cầu cảng, đáp ứng cho lượng hàng hóa từ 5,5 - 6,5 triệu tấn
và hành khách qua cảng từ 80 - 90 nghìn lượt khách.
Trong đó, Bến cảng hành khách quốc tế Bắc bán đảo Cam
Ranh có 1 cầu cảng dài 420m, tiếp nhận tàu khách trọng tải đến 225.000 GT.
Ngoài ra, khu bến phát triển các cầu cảng du thuyền số lượng cầu cảng/chiều dài
theo đề xuất của nhà đầu tư, tiếp nhận tàu trọng tải đến 7.000GT.
Đối với Bến cảng quốc tế Cam Ranh có 7 cầu cảng hành khách
kết hợp tiếp nhận hàng container, tổng hợp, rời, tiếp nhận tàu container, tổng
hợp, rời trọng tải đến 70.000 tấn và tàu khách quốc tế đến 225.000 GT.
Các bến cảng huyện đảo Trường Sa sẽ phát triển các bến cảng
kết nối giữa đất liền và các đảo thuộc huyện đảo Trường Sa, phục vụ phát triển
kinh tế - xã hội huyện đảo kết hợp thực hiện nhiệm vụ quốc phòng - an ninh.
Tầm nhìn đến năm 2050, cảng biển Khánh Hoà đáp ứng
cho nhu cầu thông qua hàng hóa với tốc độ tăng trưởng bình quân từ
4,5 - 5,5%/năm. Giai đoạn này, tiếp tục phát triển các bến cảng mới
đáp ứng nhu cầu thông qua hàng hóa.
Cần hơn 21.300 tỷ đồng đầu tư hệ thống cảng biển
Kết cấu hạ tầng hàng hải công cộng được định hướng phát
triển đồng bộ với hạ tầng bến cảng. Lộ trình đầu tư tùy thuộc vào khả năng bố
trí, huy động nguồn lực.
Cụ thể, quy hoạch tuyến luồng vào khu bến Nam Vân Phong
cho tàu 150.000 tấn hoặc lớn hơn khi đủ điều kiện và tuyến luồng Ba Ngòi cho
tàu 50.000 tấn. Trường hợp huy động nguồn xã hội hóa, cho phép đầu tư luồng
hàng hải phù hợp với quy mô bến cảng theo quy hoạch.
Quy hoạch cũng định hướng phát triển các bến cảng khác gồm:
Bến cảng nhà máy đóng tàu Hyundai Việt Nam (quy mô 7 cầu cảng, phục vụ sửa chữa
và đóng mới cỡ tàu đến 400 tấn); bến du thuyền phục vụ du lịch tại khu bến cảng
hành khách quốc tế Bắc bán đảo Cam Ranh; bến cảng phục vụ các cơ quan quản lý
nhà nước, bến nghiên cứu, huấn luyện, đào tạo, cung cấp dịch vụ hàng hải; các bến
cảng, cầu cảng gắn liền với các khu bến chính đảm nhận vai trò hỗ trợ thu gom
và giải tỏa hàng hóa bằng đường thủy.
Tổng nhu cầu sử dụng đất theo quy hoạch đến năm 2030 khoảng
745ha (chưa bao gồm các khu vực phát triển các khu công nghiệp, logistics... gắn
liền với cảng). Tổng nhu cầu sử dụng mặt nước khoảng 88.551ha.
Dự kiến, nhu cầu vốn đầu tư hệ thống cảng biển Khánh Hoà
đến năm 2030 khoảng 21.327 tỷ đồng, gồm vốn đầu tư cho hạ tầng hàng hải công cộng
khoảng 523 tỷ đồng và nhu cầu vốn đầu tư cho bến cảng khoảng 20.804 tỷ đồng (chỉ
bao gồm các bến cảng kinh doanh dịch vụ xếp dỡ hàng hóa).
Việc xây dựng Đài thông tin duyên hải, Trung tâm tìm kiếm
cứu nạn hàng hải, Đại diện Cảng vụ Hàng hải tại Trường Sa, hệ thống đèn biển tại
Trường Sa cũng là những dự án được ưu tiên đầu tư. Cạnh đó, là các kết cấu hạ tầng
phục vụ công tác bảo đảm an toàn hàng hải như khu neo chờ tránh, trú bão, hệ thống
giám sát và điều phối giao thông hàng hải (VTS), bến công vụ, cơ sở vật chất phục
vụ nhiệm vụ quản lý Nhà nước chuyên ngành.
BXD