Sau khi kích hoạt giai đoạn tăng trưởng mới, thị trường bất động sản Việt Nam cần phải có sự chuẩn bị để đối diện với những diễn biến có thể chưa từng xảy ra trước đây.
Tại lễ
công bố báo cáo, VARS đã tổ chức 3 phiên thảo luận với các nội dung: 10 điểm nhấn
khắc họa bức tranh toàn cảnh thị trường 6 tháng đầu năm 2025; thị trường 6
tháng đầu năm, diễn biến và dự báo các phân khúc; thị trường bất động sản các
khu vực trước và sau giờ G.
Theo kết
quả nghiên cứu của VARS, việc sáp nhập tỉnh, thành phố đã tạo nên “làn sóng”
trên thị trường, mạnh nhất tháng 3 và tháng 4.
Các địa
phương có “sóng” lớn nhất là Ninh Bình, Hải Dương, Hải Phòng và vùng ven Hà Nội.
Giá bán có
nơi tăng 40%, tập trung vào phân khúc đất nền. Tuy nhiên, "cơn sóng"
này sớm được kiểm soát và nhà đầu tư không còn hồ hởi đua theo những đợt tăng
giá. Giá và thanh khoản chững lại, dần trở về quỹ đạo ổn định từ tháng 5/2025.
Hạ tầng giao thông phát triển tạo điều kiện cho sự kết nối của các khu vực,
các đô thị.
Khi triển
khai mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, VARS xác định có 3 tác động đến thị
trường bất động sản đó là: Tinh gọn bộ máy, cắt giảm thủ tục hành chính giúp giảm
thời gian thực hiện dự án; dự án quy mô hơn, đồng bộ hơn; trạng thái cùng hưởng
lợi của các địa phương sáp nhập.
Nhiều chủ
đầu tư đã phát triển các đại đô thị. Trong khi vùng lõi áp lực cao, giá đất ở
vùng lõi đô thị đã quá cao. Bên cạnh đó, hạ tầng giao thông phát triển đã tạo
điều kiện kết nối. Mở rộng quy hoạch đô thị là cơ hội được nhìn nhận sau sáp nhập.
Theo đánh
giá của VARS, từ đầu năm 2025 đến nay, bảng giá đất tiếp tục là câu chuyện thu
hút sự quan tâm của các thành viên thị trường, đặc biệt là các chủ đầu tư bởi
giá đất chiếm một tỷ lệ lớn trong cấu thành giá sản phẩm. Việc bỏ khung giá đất,
định giá đất theo nguyên tắc thị trường theo quy định của Luật Đất đai sửa đổi
được kỳ vọng sẽ giúp thị trường minh bạch hơn, hạn chế thất thu ngân sách, đẩy
nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, thu hồi đất…
Tuy nhiên,
thị trường đã phải chứng kiến những “cú sốc” khi bảng giá đất mới của một số địa
phương đã đưa ra mức giá tăng gấp nhiều lần so với khung giá đất trước đó. Theo
đánh giá của VARS cần một lộ trình tăng giá hợp lý; nên tăng giá theo kế hoạch,
chia giai đoạn rõ ràng để tránh gây sốc cho người dân và doanh nghiệp.
Về thị trường
tiêu điểm, lượng quan tâm cũng như giao dịch, dòng tiền trên thị trường đang
cho thấy xu hướng trở lại với các tỉnh, thành phố phía nam. Tại thị trường này
đang có sự đa dạng của sản phẩm, mức giá.
Được biết,
có khoảng 60 thành viên tổ công tác nghiên cứu thị trường của Hội Môi giới Bất
động sản Việt Nam đã tham gia cung cấp số liệu, các diễn biến thực tế trên thị
trường, để xây dựng các báo cáo thị trường của VARS
BND