Trong những năm gần đây, Quảng Ninh đang vươn lên mạnh mẽ trở thành một trong những địa phương nổi bật về thu hút vốn đầu tư nước ngoài nhờ vào lợi thế vị trí địa lý, hệ thống hạ tầng hiện đại, môi trường đầu tư minh bạch và chính sách phát triển bền vững. Tỉnh này không chỉ thu hút các tập đoàn lớn mà còn là điểm đến tiềm năng cho các nhà đầu tư Hàn Quốc – một trong những đối tác quan trọng trong quan hệ hợp tác song phương.
Hiện tại, Quảng Ninh đang là
nơi đặt chân của hơn 200 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ 20
quốc gia và vùng lãnh thổ, với tổng vốn đăng ký hơn 16,77 tỷ USD. Trong đó, Hàn
Quốc hiện có 14 dự án đang hoạt động, tổng giá trị vốn đầu tư vượt mức 308 triệu
USD. Dù chưa phải là quốc gia có lượng dự án lớn nhất, song sự hiện diện của
các doanh nghiệp Hàn Quốc tại đây đang ngày càng đa dạng về lĩnh vực và quy mô,
góp phần tạo nên diện mạo công nghiệp hiện đại cho tỉnh.
Sản xuất trong KCN
Đông Mai (TX Quảng Yên tỉnh Quảng Ninh) Ảnh: Thùy Dương
Các địa phương như Hạ Long, Cẩm
Phả, Móng Cái, Quảng Yên và Đông Triều đang trở thành tâm điểm của làn sóng đầu
tư mới, trong đó nhiều dự án lớn được triển khai tại các khu công nghiệp (KCN),
khu kinh tế (KKT), góp phần thúc đẩy kinh tế vùng. Một trong những dự án nổi bật
là kho lưu trữ LPG tại KCN Bắc Tiền Phong, do Tập đoàn E1 Corporation (Hàn Quốc)
liên doanh cùng đối tác Việt Nam, với tổng vốn đầu tư hơn 200 triệu USD. Hay
nhà máy Bumjin Electronics Vina tại KCN Đông Mai cũng là ví dụ tiêu biểu cho việc
áp dụng công nghệ hiện đại trong sản xuất linh kiện điện tử.
Không chỉ dừng lại ở lĩnh vực
công nghiệp chế biến – chế tạo, các nhà đầu tư Hàn Quốc còn mở rộng sang nhiều
lĩnh vực như nông nghiệp công nghệ cao, dịch vụ, giáo dục, bất động sản, thương
mại… Đặc biệt, một số doanh nghiệp đang hướng đến phát triển công nghiệp xanh,
công nghiệp hỗ trợ và sản xuất linh kiện ô tô – những ngành mà Hàn Quốc có thế
mạnh và phù hợp với định hướng phát triển bền vững của Quảng Ninh.
Theo đại diện Công ty TNHH SAP
Vina – doanh nghiệp đang đầu tư nhà máy sản xuất dây đai an toàn ô tô tại KCN
Sông Khoai: Công ty đã rất hài lòng đối với hệ thống hạ tầng giao thông hiện đại,
năng lực hỗ trợ của chính quyền địa phương và tiềm năng kết nối vùng. Dự kiến đến
năm 2025, nhà máy sẽ hoàn tất dây chuyền sản xuất tự động với năng suất 1,5 triệu
sản phẩm/năm.
Để tăng cường hiệu quả thu hút
FDI, đặc biệt là từ Hàn Quốc, tỉnh Quảng Ninh đã chủ động xây dựng các kênh đối
thoại, hỗ trợ doanh nghiệp. Tháng 3/2025, tỉnh đã phối hợp tổ chức chương trình
gặp gỡ với các doanh nghiệp Hàn Quốc nhằm tháo gỡ vướng mắc trong quá trình triển
khai dự án, từ thủ tục hành chính, lao động, hạ tầng điện – nước đến mở rộng sản
xuất. Đây là minh chứng cho cách tiếp cận chủ động, đồng hành cùng nhà đầu tư của
chính quyền tỉnh.
Bên cạnh đó, các hoạt động xúc
tiến đầu tư đang được đẩy mạnh thông qua các hội nghị, diễn đàn, hội thảo trong
và ngoài nước, trong đó có các sự kiện kết nối tại Hàn Quốc và chương trình “Gặp
gỡ Hàn Quốc” thường niên. Đồng thời, Quảng Ninh cũng chú trọng đào tạo đội ngũ
cán bộ có năng lực ngoại ngữ và phát triển cơ chế “một cửa” thông minh để hỗ trợ
nhà đầu tư một cách nhanh chóng, hiệu quả.
Tính đến hết quý I/2025, tổng
vốn FDI vào Quảng Ninh đã vượt 167 triệu USD, tăng hơn 22% so với cùng kỳ năm
trước – một con số ấn tượng thể hiện sự tín nhiệm ngày càng cao từ cộng đồng đầu
tư quốc tế. Nhiều nhà đầu tư, như Công ty CP Đô thị Amata Hạ Long – đơn vị phát
triển hạ tầng KCN Sông Khoai, đã thành công trong việc thu hút 21 nhà đầu tư từ
các quốc gia phát triển, với tổng vốn đăng ký lên đến 3 tỷ USD.
Với quyết tâm cải thiện môi
trường đầu tư, đẩy mạnh kết nối quốc tế và phát triển các ngành công nghiệp giá
trị cao, Quảng Ninh đang từng bước khẳng định vị thế là trung tâm thu hút FDI
chiến lược của khu vực phía Bắc, hứa hẹn tiếp tục là điểm đến hấp dẫn cho các
nhà đầu tư Hàn Quốc và toàn cầu trong giai đoạn tới.
NĐT