Theo tỉnh Quảng Nam, Khu kinh tế mở Chu Lai có tính chất là khu kinh tế biển đa ngành, đa lĩnh vực, một trong những hạt nhân, trung tâm phát triển lớn của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Đây là khu vực phát triển đô thị, là trung tâm công nghiệp ô tô và công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô, hàng không; trung tâm khí - điện và sản phẩm hóa dầu; công nghiệp dệt may và hỗ trợ ngành dệt may, các loại hình công nghiệp khác ứng dụng công nghệ cao và có hàm lượng chất xám cao. Là trung tâm sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và là trung tâm du lịch dịch vụ gắn với việc khai thác sân bay Chu Lai và hệ thống cảng Chu Lai - Kỳ Hà.

Ngoài ra, Khu kinh tế mở Chu Lai là một trong các đầu mối về giao thông vận tải, giao thương và giao lưu quốc tế quan trọng của khu vực miền Trung và Tây Nguyên; cửa ngõ kết nối ra biển Đông của Tây Nguyên, Nam Lào, Đông Bắc Campuchia và Thái Lan.

Trong những năm qua, Khu kinh tế Chu Lai đã từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng và thu hút được nhiều dự án đầu tư có hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Nam, là đòn bẩy quan trọng của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Hiện nay, tại Khu kinh tế mở Chu Lai đã hình thành khu công nghiệp cơ khí ô tô, là điểm nhấn về công nghiệp sản xuất ô tô không những của tỉnh Quảng Nam mà còn của quốc gia.


Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cùng đoàn công tác đến thăm khu phức hợp cơ khí, sản xuất, lắp ráp ô tô Chu Lai tháng 7/2022

Với điển hình cho ngành công nghiệp cơ khí và công nghiệp hỗ trợ là Tập đoàn THACO, hiện nay, THACO đã có 7 nhà máy lắp ráp ô, trong đó có 2 nhà máy có quy mô lớn nhất Đông Nam Á là Nhà máy Bus Thaco, Nhà máy Thaco Mazda và 12 nhà máy sản xuất linh kiện phụ tùng. Việc từng bước giảm phụ thuộc vào nhập khẩu linh kiện, thay vào đó tự sản xuất, THACO Trường Hải đang trở thành đầu tàu trong việc phát triển các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ tại Khu kinh tế mở Chu Lai.

Bên cạnh việc tự sản xuất cung cấp cho các nhà máy lắp ráp, THACO còn xuất khẩu, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Tuy nhiên theo tỉnh Quảng Nam, thời gian qua ngành công nghiệp cơ khí và công nghiệp hỗ trợ phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Quy mô doanh nghiệp nhỏ, năng lực sản xuất, vốn, công nghệ còn rất nhiều hạn chế. Sự liên kết hợp tác sản xuất giữa các doanh nghiệp FDI với các doanh nghiệp nội, doanh nghiệp địa phương chưa thực sự chặt chẽ.

Trước bối cảnh Việt Nam hội nhập kinh tế thế giới ngày càng sâu rộng với việc gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA)… mở ra nhiều cơ hội nhưng cũng đi kèm là sự cạnh tranh ngày càng gay gắt. Do vậy, để đón đầu cơ hội và đương đầu thách thức, sản xuất công nghiệp cần có bước tiến về chiều sâu với hàm lượng khoa học công nghệ và giá trị gia tăng cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu.


Tỉnh Quảng Nam cũng đã ban hành quy hoạch, cơ chế, đề án thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ như: Đề án phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2014 - 2020; Quy hoạch phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025. Hiện, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có khoảng 63 dự án đầu tư ngành công nghiệp cơ khí, với tổng vốn đầu tư khoảng 29 nghìn tỷ đồng và có hơn 2.000 cơ sở sản xuất cơ khí nhỏ lẻ hoạt động trong lĩnh vực gia công cơ khí, sản xuất, sửa chửa máy móc dụng cụ nông nghiệp, cơ khí xây dựng và cơ khí phục vụ dân sinh.

Thực hiện theo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Nam vào tháng 3/2022 vừa qua, trong đó giao cho tỉnh Quảng Nam xây dựng Đề án thí điểm cơ chế khuyến khích hợp tác liên kết sản xuất theo cụm ngành công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp cơ khí tại Khu kinh tế mở Chu Lai. Đến nay, Quảng Nam đã tiếp nhận ý kiến góp ý của Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hoàn chỉnh đề cương Đề án và thực hiện các bước tiếp theo.

Từ những cơ sở trên, UBND tỉnh Quảng Nam mới đây có văn bản đề nghị Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư bổ sung quy hoạch quốc gia Trung tâm công nghiệp cơ khí và công nghiệp phụ trợ tại Khu kinh tế mở Chu Lai.

"Để phát triển ngành công nghiệp cơ khí và công nghiệp hỗ trợ của tỉnh Quảng Nam, phát triển Khu kinh tế mở Chu Lai trở thành một trong những hạt nhân, trung tâm phát triển lớn của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, là trung tâm công nghiệp ô tô và công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô thì việc thành lập trung tâm công nghiệp cơ khí và công nghiệp phụ trợ tại Chu Lai là cần thiết", văn bản nêu rõ.

Theo Hạ Vĩ - BCT