Hội nghị quốc tế lần thứ 8 của Mạng lưới
Công viên địa chất toàn cầu UNESCO khu vực châu Á-Thái Bình Dương với chủ đề
"Cộng đồng địa phương và phát triển bền vững trong vùng công viên địa chất",
được tổ chức tại Cao Bằng từ ngày 5-17/9, với khoảng 800-1.000 đại biểu trong
nước và quốc tế tham dự. Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Bộ Ngoại giao và UBND
tỉnh Cao Bằng phối hợp chủ trì hội nghị.
Phát triển kinh tế-văn hóa gắn với bảo tồn
di sản địa chất
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc cho
biết, danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu tạo ra cơ hội tuyệt vời cho các địa
phương theo mô hình "mở", vừa bảo tồn di sản địa chất, di sản văn
hóa, giá trị lịch sử, khảo cổ, cảnh quan, môi trường, hệ sinh thái, vừa thúc đẩy
các hoạt động phát triển kinh tế bền vững.
Nhận thức được những giá trị và ý nghĩa
quan trọng đó, ngay từ những năm đầu tiên thành lập Mạng lưới Công viên địa chất
toàn cầu UNESCO (Mạng lưới), Bộ Ngoại giao, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam đã
kiến nghị Chính phủ và cùng các địa phương tham gia và đóng góp tích cực.
Cho đến nay, các công viên địa chất toàn cầu
tại Việt Nam là Hà Giang, Cao Bằng, Đắk Nông và ngày hôm qua (11/9) Lạng Sơn vừa
được hội đồng thông qua, đã thể hiện được tính đúng đắn từ những mục tiêu ban đầu
của Mạng lưới.
Danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu đã
giúp Cao Bằng và các địa phương của Việt Nam gìn giữ văn hóa, phát triển kinh tế
bền vững, nâng cao giáo dục cho người dân; phát huy tốt vai trò của thanh niên,
phụ nữ, người yếu thế để họ vừa được thụ hưởng vừa tham gia vào việc quản lý, vận
hành các công viên địa chất, như tinh thần của hội nghị: "Cộng đồng địa
phương và phát triển bền vững trong vùng công viên địa chất".
Từ kinh nghiệm của Cao Bằng, chúng ta cần
khích lệ thanh niên - một lực lượng nòng cốt, tiên phong, phát huy sức trẻ,
sáng tạo đóng góp vào tương lai của Mạng lưới, nhất là khi chúng ta đang phải đối
mặt với mất đa dạng sinh học, biến đổi khí hậu, cần một chiến lược, tầm nhìn và
lực lượng tiên phong.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ
trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, là một vùng đất tươi đẹp, hùng vĩ,
giàu truyền thống lịch sử, văn hóa, song những ngày qua, Cao Bằng cùng các tỉnh
Bắc Bộ đang phải hứng chịu thiệt hại to lớn về tính mạng, tài sản, ảnh hưởng
nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống của người dân do ảnh hưởng của siêu bão
Yagi (bão số 3) và hoàn lưu sau bão.
Thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng chia sẻ
những khó khăn, mất mát về người và của mà nhân dân Cao Bằng và các địa phương
miền núi và trung du Bắc Bộ đang phải đối mặt; đánh giá cao nỗ lực của lãnh đạo
và nhân dân Cao Bằng cũng như các địa phương khắc phục thiên tai, sớm ổn định sản
xuất, cuộc sống của người dân, tổ chức thành công hội nghị quan trọng này.
"Vượt qua những trở ngại của bão, lũ,
sự tham dự đông đảo của chính các đại biểu thể hiện quyết tâm của khu vực châu
Á-Thái Bình Dương nói riêng và các thành viên UNESCO nói chung cùng hành động mạnh
mẽ tăng cường vai trò của cộng đồng địa phương - một trong những giải pháp quan
trọng để đạt các mục tiêu phát triển bền vững mà nhân loại đang nỗ lực hướng tới",
Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Là tổ chức duy nhất của Liên Hợp Quốc
trong lĩnh vực khoa học trái đất, UNESCO hơn 50 năm qua đã phát huy vai trò
tiên phong đẩy mạnh hợp tác quốc tế nhằm nâng cao nhận thức và hành động xử lý
hài hòa, bền vững mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên.
Theo Phó Thủ tướng, mạng lưới công viên địa
chất toàn cầu đã có những đóng góp thiết thực trong việc tăng cường gắn kết,
gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị loại hình di sản đặc biệt – di sản địa chất
gắn với đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường, bảo tồn văn hóa, vì phát triển của
cộng đồng, sinh kế của người dân và phát triển bền vững ở khu vực và toàn cầu
trong suốt hai thập kỷ qua.
Tuy nhiên, lãnh đạo Chính phủ cũng lưu ý rằng,
theo Báo cáo của Liên Hợp Quốc về phát triển bền vững năm 2024 tháng 6 vừa qua,
chỉ 17% mục tiêu là đang đi đúng hướng. Riêng khu vực châu Á-Thái Bình Dương, nếu
giữ nguyên tiến độ triển khai như hiện nay, phải đến năm 2062 mới có thể đạt được
các cam kết đặt ra cho năm 2030.
"Công viên địa chất toàn cầu chính là một lời giải cho vấn đề toàn cầu này", Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định.
Làm rõ một số hướng hợp tác mới
Chỉ còn 10 ngày nữa là đến Hội nghị Thượng
đỉnh tương lai tại New York (Hoa Kỳ) để biến lời nói và những cam kết thành
hành động cụ thể định hình tương lai bền vững và bao trùm hơn. Đây chính là lúc
châu Á-Thái Bình Dương, với vai trò động lực quan trọng, trung tâm phát triển
năng động và tự cường của thế giới, cùng chung tay đóng góp vào việc ứng phó với
các thách thức của thời đại, hiện thực hóa Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát
triển bền vững, đem lại lợi ích thiết thực cho mọi thành viên, người dân, không
để ai bị bỏ lại phía sau.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi
Thanh Sơn đề nghị hội nghị tập trung thảo luận, làm rõ một số hướng hợp tác mới.
Thứ nhất, cần xác định cách tiếp cận tổng
thể để thống nhất trong nhận thức và hành động về bảo tồn và phát huy giá trị
công viên địa chất vì phát triển bền vững.
Thứ hai, cần tăng cường trao đổi kinh nghiệm
hay, điển hình tốt, đưa ra các khuyến nghị chính sách phù hợp về quản lý, bảo tồn
và phát triển bền vững công viên địa chất toàn cầu.
Thứ ba, thúc đẩy quan hệ đối tác nhiều bên
và hợp tác quốc tế phát triển công viên địa chất toàn cầu gắn với phát triển bền
vững.
Thứ tư, cần thúc đẩy tầm nhìn dài hạn 5
năm, 10 năm cho phát triển Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu - một mạng lưới
hợp tác quốc tế mạnh mẽ nhằm bảo tồn và phát huy giá trị các di sản địa chất
không chỉ vì lợi ích của chúng ta mà còn vì các thế hệ tương lai.
"Tôi trông đợi Tuyên bố Cao Bằng sẽ
là văn kiện quan trọng đánh giá hoạt động của Mạng lưới hai thập kỷ qua, đề xuất
định hướng hợp tác trong thập kỷ tới, nhất là năm sau sẽ kỷ niệm 10 năm Chương
trình Công viên địa chất toàn cầu" của UNESCO (2015-2025), Phó Thủ tướng,
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh.
Theo BCP