Philippines đã phải vật lộn để thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, một phần do các quy định hạn chế của hệ thống luật.

Tổng thống Rodrigo Duterte hôm thứ 2 vừa qua đã ký sửa đổi Đạo luật Dịch vụ Công 85 năm tuổi, nâng giới hạn 40% sở hữu nước ngoài trong các ngành như viễn thông, hàng không, vận tải biển và đường sắt trong nước.

Các sửa đổi không áp dụng cho các lĩnh vực được phân loại là tiện ích công cộng, chẳng hạn như phân phối điện và nước, nơi vốn chủ sở hữu nước ngoài vẫn bị giới hạn ở mức 40%. Tổng thống vẫn có quyền ngăn chặn việc nước ngoài tiếp quản một dịch vụ công được đề xuất.

"Tôi tin rằng thông qua luật này, việc nới lỏng các hạn chế về vốn cổ phần nước ngoài, sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư toàn cầu hơn, hiện đại hóa một số lĩnh vực dịch vụ công và cải thiện việc cung cấp các dịch vụ thiết yếu", Tổng thống Rodrigo Duterte chia sẻ trong lễ ký kết hôm thứ 2.


Tổng thống Rodrigo Duterte

Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế, Philippines có một số quy định về đầu tư nước ngoài nghiêm ngặt nhất thế giới.

Alfredo Pascual, chủ tịch Hiệp hội Quản lý Philippines cho biết: “Nền kinh tế Philippines cởi mở hơn sẽ giúp chúng tôi bắt kịp các nước láng giềng tiến bộ trong ASEAN”.

Tuy nhiên, những người chỉ trích luật mới cho rằng việc mở cửa các lĩnh vực then chốt cho người nước ngoài có thể gây ra mối đe dọa đối với an ninh quốc gia. Năm ngoái, Thượng nghị sĩ Risa Hontiveros, người đã bỏ phiếu chống lại dự luật, nói rằng biện pháp này sẽ mở ra cánh cửa cho Trung Quốc sở hữu cơ sở hạ tầng của Philippines.

Manila và Bắc Kinh hiện đang có những ràng buộc và tranh chấp các hòn đảo trên Biển Đông.

China Telecom đã sở hữu 40% cổ phần của hãng viễn thông Philippines Dito Telecomnity, hãng đã ra mắt dịch vụ vào năm ngoái và đã bác bỏ những lo ngại về hoạt động gián điệp. Trong khi đó, State Grid Corporation của Trung Quốc sở hữu 40% cổ phần của National Grid Corporation của Philippines, công ty độc quyền truyền tải điện của nước này.

Việc ký kết các sửa đổi đối với Đạo luật Dịch vụ Công diễn ra chỉ vài tháng trước khi ông Duterte dự kiến ​​từ chức vào tháng 6, kết thúc nhiệm kỳ 6 năm với ​​các cải cách kinh tế như giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và các biện pháp tự do hóa như giảm yêu cầu vốn tối thiểu đối với các nhà bán lẻ nước ngoài và sửa đổi Đạo luật Đầu tư Nước ngoài năm 1991.

"Việc hoàn thành các dự luật tự do hóa kinh tế sẽ hồi sinh nền kinh tế của chúng ta và khuyến khích nhiều hơn vào đầu tư và đổi mới khi nền kinh tế tiếp tục phục hồi sau đại dịch COVID-19. Các biện pháp cũng sẽ củng cố nền kinh tế trong nước của chúng ta trước những cú sốc bên ngoài, chẳng hạn như cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Kinh tế - Xã hội Philippines Karl Chua khẳng định.

Tuy nhiên, các nhà phân tích chiến lược cảnh báo rằng để đánh giá tác động của các biện pháp này có thể mất một thời gian dài, vì các nhà đầu tư nước ngoài sẽ chờ đợi chính quyền tiếp theo nhậm chức sau khi Philippines tổ chức cuộc bầu bầu cử vào ngày 9/5 tới đây

Theo Nikkei