Nhằm định hướng phát triển hệ thống truy
xuất nguồn gốc phù hợp cho các doanh nghiệp và tuyên truyền nâng cao nhận thức
về TXNG cho người sản xuất và người tiêu dùng, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng
Trị đã triển khai khảo sát hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa trên
địa bàn tỉnh.
Theo khảo sát của Sở Khoa học và Công nghệ
tỉnh Quảng Trị, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 25/39 đơn vị sử dụng mã số, mã vạch,
chiếm 64,1%; 14/39 đơn vị chưa có hoặc chưa quan tâm đến việc áp dụng mã số, mã
vạch. Cùng với việc đăng ký mã số, mã vạch còn hiển thị website trên bao bì để
người tiêu dùng dễ dàng truy xuất, một số đơn vị đã đưa ra giải pháp xác thực
và truy vấn nguồn gốc sản phẩm thông qua việc xây dựng và áp dụng hệ thống truy
xuất nguồn gốc.
Việc áp dụng giải pháp TXNG giúp khách
hàng tin tưởng về nguồn gốc xuất xứ sản phẩm. Các loại tem TXNG chủ yếu là: tem
QR cố định, tem QR biến đổi, tự in tem và dán lên sản phẩm, hàng hóa qua phần mềm
quản lý TXNG và dán tem do đơn vị dịch vụ cung cấp và kích hoạt tem.
Các đơn vị quan tâm đến TXNG có thông tin
về tổ chức, doanh nghiệp; thông tin về sản phẩm hàng hóa nhưng chưa có đơn vị
nào sử dụng tem khi xuất ra thông tin về nhật ký sản xuất và các bên tham gia.
Hiện nay, việc thực hiện TXNG sản phẩm hàng hóa trên địa bàn tỉnh đang gặp
không ít khó khăn. Nguyên nhân là tem truy xuất chưa chuẩn hóa về nội dung và
hình thức, việc áp dụng TXNG chưa được thực hiện thống nhất, bài bản và có hệ
thống; các DN của tỉnh chưa nhận thức đầy đủ, chưa có kiến thức, năng lực và
các điều kiện khác để áp dụng hệ thống TXNG.
Thực hiện truy xuất mới chỉ là mã nội bộ,
chưa có tính mở để kết nối bên ngoài; chưa quy định về trách nhiệm cụ thể của
các bên liên quan; thông tin truy xuất công bố chưa đầy đủ trong toàn chuỗi;
không có hệ thống định danh chung cho sản phẩm, tác nhân và vùng sản xuất;
thông tin chưa minh bạch và chưa được xác nhận của bên thứ 3; chưa kết nối đầy
đủ với quản lý nhà nước; chưa có hệ thống thông tin về TXNG để DN kết nối; khó
khăn trong liên kết, chia sẻ dữ liệu giữa các bên trong chuỗi cung ứng, tốn
kinh phí thực hiện nhưng hiệu quả chưa cao...
Do đó, các đơn vị đề nghị được đào tạo, tập
huấn về quy định TXNG, hỗ trợ xây dựng TXNG và kết nối vào hệ thống thông tin
TXNG của tỉnh và Cổng thông tin TXNG sản phẩm, hàng hóa quốc gia. Bên cạnh đó,
các đơn vị được khảo sát đề nghị được hỗ trợ chuyển đổi máy móc công nghệ mới;
hỗ trợ ý tưởng phát triển chuỗi giá trị sản phẩm...
Để tạo sự chuyển biến cho hoạt động TXNG sản
phẩm của tỉnh trong xu thế hội nhập và cạnh tranh, Sở KH&CN tỉnh Quảng Trị
cũng đề nghị các sở, ngành, địa phương quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt các giải
pháp ứng dụng công nghệ thông tin nhằm quản lý, kết nối vào hệ thống công nghệ
thông tin của tỉnh và Cổng thông tin TXNG sản phẩm, hàng hóa quốc gia. Xây dựng
danh mục sản phẩm, hàng hóa chủ lực, đặc trưng, tiềm năng, sản phẩm OCOP để triển
khai TXNG gắn theo chuỗi giá trị, đảm bảo phù hợp với đặc thù của tỉnh.
Chuẩn hóa thông tin truy xuất và tiến tới
đồng bộ cơ sở dữ liệu, tăng khả năng tương tác, tăng tính minh bạch. Nâng cao
năng lực áp dụng hệ thống TXNG cho các tổ chức hỗ trợ thương mại và DN trong
lĩnh vực quản lý.
Áp dụng mã hồ sơ để định danh sản phẩm,
xây dựng hệ thống định danh hộ/đơn vị sản xuất, áp dụng mã đơn vị hành chính định
danh vùng sản xuất gắn liền với xúc tiến thương mại và các dịch vụ hỗ trợ khác.
Các huyện, thị xã, thành phố cần phối hợp các sở, ngành liên quan đẩy mạnh hỗ
trợ, hướng dẫn tổ chức, cá nhân sản xuất các sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP
trên địa bàn để xây dựng, ứng dụng hệ thống TXNG.
Theo TCTCVN