Không đứng ngoài "cuộc chơi"
Toto “bén
duyên” với sản xuất chất bán dẫn bắt đầu từ những năm 1980, khi công ty phát
triển sản xuất gốm sứ cao cấp cho ngành công nghiệp này. Sau nhiều năm không có
lãi, hoạt động này bắt đầu phát triển mạnh vào những năm 2020, với lợi nhuận
tăng vọt trong năm tài chính 2022 khi thị trường chất bán dẫn bùng nổ.
Toto đã thiết lập một dây chuyền sản xuất thiết bị chế tạo chất bán dẫn
tự động tại nhà máy gốm sứ ở tỉnh Oita, Nhật Bản. (Nguồn: Toto)
Trong năm tài chính 2024, Toto kỳ vọng lợi nhuận hoạt động lĩnh vực này sẽ đạt 20 tỷ Yen (tương đương 130 triệu USD), với biên lợi nhuận hoạt động gần 40% - cao hơn nhiều so với mức dự kiến 7% của toàn công ty. Doanh nghiệp đặt mục tiêu đạt 25 tỷ Yen (hơn 160,8 triệu USD) vào năm tài chính 2026, cũng như mở rộng danh mục đầu tư để giúp ổn định hoạt động kinh doanh.
Các sản phẩm
chính của Toto dành cho thiết bị sản xuất chip là mâm kẹp tĩnh điện, hay còn gọi
là mâm kẹp điện tử (e-chuck), dùng để cố định các tấm bán dẫn silicon trong quá
trình khắc mạch trong khi vẫn giữ nhiệt độ phân bổ đều trên toàn bộ tấm bán dẫn.
Plasma được thiết kế bên trong thiết bị, tạo ra các điều kiện mà Toto mô tả là
tương tự sét đánh.
Giáo sư tại
Trung tâm Khoa học Plasma nhiệt độ thấp thuộc Đại học Nagoya Makoto Sekine cho
biết, việc tạo ra bộ nhớ tiên tiến có thể đòi hỏi phải xếp chồng hơn 100 lớp ô
nhớ trên một con chip duy nhất. Ông nhận định, “khi môi trường quy trình trở
nên khắc nghiệt hơn, e-chuck cần phải bền hơn”.
Hiện Toto
đang tập trung vào các quy trình hạ nguồn như cắt và đóng gói các tấm bán dẫn.
Theo Giám đốc bộ phận lập kế hoạch kinh doanh gốm sứ của Toto Junji Kameshima,
trong tương lai, gốm sứ sẽ được sử dụng nhiều hơn ở các thiết bị xử lý hạ nguồn.
Chuyển đổi
đa dạng để thích ứng
Khi ngành
công nghiệp bán dẫn phát triển, sự cạnh tranh ngày càng gay gắt đối với các
thành phần cấu trúc riêng lẻ trong sản xuất chip. Trong thị trường cung cấp mâm
kẹp tĩnh điện, Toto đang cạnh tranh với “đồng hương” Shinko Electric
Industries, công ty có mối quan hệ sâu sắc với các nhà sản xuất thiết bị chế tạo
chip và Applied Materials của Mỹ.
Mẫu e-chuck của Toto. (Nguồn: Toto)
Để cạnh
tranh hiệu quả hơn, năm 2020, Toto đã chi khoảng 11,8 tỷ Yen (hơn 76 triệu USD)
để xây dựng một trung tâm sản xuất tại nhà máy ở tỉnh Oita (Nhật Bản). Trong 4
năm (từ tháng 4/2020-4/2024), công ty cũng đã mở rộng đội ngũ nhân viên tham
gia sản xuất gốm sứ thêm khoảng 20%, đồng thời tiếp tục lên kế hoạch bổ sung
nhân lực.
Trước tính
chất cứng nhưng dễ giòn, nứt vỡ của gốm, sứ cao cấp, Toto còn nghiên cứu phát
triển các vật liệu đồng nhất có khả năng chống nứt.
Khi Toto lần
đầu tiên tham gia vào ngành bán dẫn, doanh nghiệp này đã gặp phải những rào cản
lớn. Theo đó, "ông lớn" trong ngành thiết bị vệ sinh Nhật Bản phải đối
mặt với doanh số bán hàng kém khi bắt đầu bằng việc cung cấp các thành phần cấu
trúc. Tuy may mắn hơn với mảng sản xuất e-chucks, nhưng năng suất kém cũng khiến
Toto không thể theo kịp nhu cầu thị trường.
Xác định
được vấn đề nhờ kinh nghiệm từ mảng kinh doanh thiết bị vệ sinh, doanh nghiệp
này cũng mở rộng sang kỹ thuật đúc và nung, sử dụng chuyên môn được tích lũy từ
sản xuất bồn cầu.
Ngược lại,
Toto cũng ứng dụng công nghệ đã phát triển trong lĩnh vực bán dẫn vào hoạt động
kinh doanh thiết bị nhà ở, mang lại lợi nhuận cho toàn bộ công ty, Giám đốc bộ
phận lập kế hoạch kinh doanh gốm sứ của Toto Junji Kameshima cho biết.
Trong những
năm gần đây, công ty đã liên tục chuyển hướng kinh doanh theo xu thế thị trường,
như đổ lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh thiết bị nhà ở tại Trung Quốc vào các
khoản đầu tư tăng trưởng cho sản xuất gốm sứ. Trong bối cảnh thị trường nhà ở
Nhật Bản thu hẹp và nền kinh tế Trung Quốc hạ nhiệt, sự phát triển mạnh mẽ của
AI khiến nhu cầu về trung tâm dữ liệu và thiết bị điện tử đang tăng lên, chính
là một trong những động lực thúc đẩy Toto tăng đầu tư vào ngành sản xuất chip.
Theo BTT