Thông tin về nhà thiết kế Thanh Nga rất ít trên phương tiện truyền thông xã hội Việt Nam. Nhưng đối với những nhân vật chạm ngõ với thế giới thời trang cao cấp và truyền thông có thâm niên thì tên tuổi của chị có một ‘uy tín riêng’ về kỹ thuật thủ công tinh xảo – như một công trình kiến trúc đồ sộ.

Nhà thiết kế Trần Thị Thanh Nga học chuyên ngành Couture hiện đại ở Esmode Paris. Suốt thời gian làm việc ở Pháp, nhà thiết kế Thanh Nga đã ghi được dấu ấn cá nhân với 2 thương hiệu thời trang cao cấp Defined Moment và dòng áo cưới White Moment. Các bộ sưu tập của chị từng được trình diễn trong nhiều tuần lễ thời trang hàng đầu ở các thành phố khác nhau trên thế giới.

Sau khi chuyển sang sinh sống ở Thụy Sĩ, nhà thiết kế Thanh Nga bắt đầu mày mò tìm hiểu về trang sức và nhận ra "thời trang không chỉ là quần áo, mà trang sức cũng có thể trở nên thời trang nếu có sự phát triển về kỹ thuật và gu thời trang”. Và dòng trang sức nghệ thuật Until-U ra đời từ cuối năm 2020 cũng như nhận được đánh giá cao từ người trong nghề.

Cùng lúc, sau 2 năm khi mọi hoạt động di chuyển hạn chế, đường bay thương mại quốc tế ở Việt Nam được nối lại vào tháng Ba vừa qua, nhà thiết kế Thanh Nga bắt đầu có dịp quay về quê hương. Song song, nhờ sự ủng hộ từ bè bạn tại quê nhà, chị đã tổ chức một buổi giới thiệu bộ sưu tập trang sức nghệ thuật Until-U với những tác phẩm tinh tế tại Lavelle Library, TP.HCM.

Và VnIndustry đã có một buổi kết nối trò chuyện cùng chị, hoàn cảnh Until-U ra đời và cách định hình sáng tạo và hướng đi thương mại cho dòng sản phẩm mới.


Until-U – nhân tố cốt lõi

Tôi biết đến chị là một nhà thiết kế áo cưới cao cấp tại Pháp, người học chuyên ngành Couture hiện đại ở Esmode Paris từ khá lâu với 2 thương hiệu Defined Moment và dòng áo cưới White Moment. Song, làm thế nào mà chị bắt đầu quan tâm đến đồ trang sức, và điều gì truyền cảm hứng cho lĩnh vực này khi giới thiệu thêm dòng trang sức nghệ thuật Until-U?

Vào năm 2014 trong buổi giới thiệu bộ sưu tập Beauty Transcription, đã có rất nhiều nhà báo và khách mời hôm đó đặt câu hỏi và khả năng tạo ra một dòng trang sức từ kỹ thuật đan kim loại mà tôi đã dùng cho bộ sưu tập của mình. Họ nói quá đặc biệt và tiềm năng… Lúc đó tình yêu với vải vóc cắt may, thời trang quá mãnh liệt trong tôi nên chỉ giữ nó lại như một sự gợi ý cho tương lai.

Bên cạnh đó, việc di chuyển sang Thuỵ Sỹ để sống cộng với năm đại dịch covid-19 ảnh hưởng, tôi buộc phải ở nhà xuyên suốt, mọi công việc đều chậm lại; tôi từng nghĩ có lẽ mình nên chuyển hướng làm điều gì khác hẳn với thời trang, và tình cờ, một lần mẹ chồng của tôi nói rằng: “Bà đã xem website của tôi (Defined Moment, White Moment), bà thấy website khá đặc biệt, đừng lãng phí tài năng của con bằng việc từ bỏ thời trang. Nếu người ta ở đây không quan tâm đến quần áo, con hãy làm gì đó khác với thời trang…”

Thế là tôi thách thức bản thân làm sao chuyển kỹ thuật đan kia thành món đồ có giá trị thời trang và thương mại. Khi bà đến thăm tôi và có ấn tượng với những mẫu trang sức vẫn còn sơ khai của tôi, bà vui vẻ định giá cho những món đồ đó. Tôi thấy thích thú vì nếu nhìn một món đồ mà người ta có thể trả cho sản phẩm một cái giá như mình mong muốn thì rất tuyệt. Cứ như thế bà đốc thúc tôi làm nhanh hơn và giới thiệu chúng ra thị trường. Càng làm thì tôi càng yêu thích; cứ theo tự nhiên, tôi bắt đầu hành trình mới của mình với lĩnh vực thiết kế trang sức.


Cái tên ‘Until-U’ có ý nghĩa gì về mặt giá trị thương mại?

Tôi luôn tin vào những giá trị của tính thời điểm. Nên khởi nguồn là Defined Moment, xác định thời điểm của bạn; đến White Moment, khoảnh khắc trắng… nghe là nghĩ ngay đến đồ cưới, sự sang trang cho cuộc sống chung, thơ mộng và lãng mạn. Until-U là nhân tố cốt lõi của việc xác định hay chạm tới bất cứ khoảnh khắc hay thời điểm nào của cuộc đời. Điều đó giống kiểu thiết kế chờ người, người tìm thiết kế.

Được biết, Until-U ra mắt vào năm 2020 – thời điểm châu Âu gặp phải khủng hoảng trầm trọng về đại dịch Covid-19; việc di chuyển mua sắm truyền thống và các cuộc gặp gỡ gặp nhiều trở ngại lớn. Đó có phải là một hướng đi mạo hiểm vào thời điểm xảy ra? Đồng thời, có những thách thức đặc biệt nào khi làm việc trong lĩnh vực trang sức sau hai năm hình thành và phát triển?

Vào giai đoạn đó, toàn bộ khu vực châu Âu có rất nhiều thách thức. Đặc biệt về logistics. Các nguyên liệu đều bị đội giá trên mọi mặt trận. Tôi gần như chỉ giao tiếp online với mọi người. Ngoài ra tôi dành hơn một năm để phát triển kỹ thuật và phong cách cũng như tìm đối tác và các nhà cung cấp uy tín chất lượng. Lĩnh vực mới bao giờ cũng ngốn rất nhiều thời gian.

Hơn nữa các sản phẩm của tôi được làm từ bạc nguyên chất và Gold Filled nên phụ thuộc rất lớn vào sự biến động giá trên thị trường. Trong khi tôi bán thiết kế hơn là bán bạc hay vàng thuần. Mà thiết kế thì khó nhảy theo giá vàng bạc thị trường. Có những giai đoạn bạc lên gấp đôi,tôi từ chối nhận đơn; vì không biết tính tiền khách thế nào. Tháng này trả XX tháng sau lại trả X. Bù lại, điều đó không phải là bước đi mạo hiểm mà là bước đi tất yếu, Covid-19 đã làm người ta thay đổi nhiều thứ, kể cả bản thân tôi.

Tôi từng cho rằng, mình chẳng tìm được nhiều ý nghĩa nếu đời này không làm thời trang. Nhưng khi đại dịch xảy ra, tôi lại nghĩ, ngoài thời trang thì sức khoẻ mới quan trọng. Dịch Covid-19 làm người ta sống đơn giản hơn nhưng... làm đẹp vẫn là điều mà mọi phụ nữ quan tâm. Làm sao đơn giản mà đẹp, thì chỉ có những món trang sức dễ thương làm được điều đó.

Song, thách thức vẫn không ít đi sau dịch, vì là một kỹ thuật khó, đòi hỏi sự tỉ mỉ và khả năng tốt về hình học không gian, nên việc mở rộng sản xuất sẽ mang đến nhiều thử thách cho tôi. Ngoài ra tôi muốn làm thủ công, không dựa vào công nghệ đúc. Hiện tại, thị trường chế tác kim hoàn ít người làm tay; thay vào đó, người ta thích làm các đồ đúc có sẵn.


Kỹ thuật làm trang sức khác biệt với kỹ thuật truyền thống

Đối với dòng trang sức Until-U, mỗi 1 tác phẩm/sản phẩm được tạo ra với số lượng bao nhiêu?

Hiện tại, tôi vẫn làm theo đơn đặt hàng của khách. Vì là đồ thủ công và muốn tăng giá trị unique nên tôi không có ý định sản xuất hàng loạt. Các mẫu vẫn được đặt đều đặn, nhiều lúc tôi chẳng có thời gian ra mẫu mới . Vui nhất là mẫu thiết kế nào cũng có khách đặt, không bị rơi vào tình trạng mẫu được yêu thích, mẫu thì không.

 Chất liệu chính mà Until-U sử dụng tại cuộc triển lãm vừa qua?

Chất liệu chính là bạc nguyên chất 99.99, Bạc 925 cho các chi tiết cần độ cứng. Gold Filled và các loại đá tự nhiên hoặc đá manmade, pha lê, ngọc trai nước ngọt cao cấp. Sắp tới là Kim Cương nhân tạo.

 Vì sao chị lại chọn thị trường Sài Gòn để mở cuộc triển lãm trưng bày các tác phẩm Until-U?

Tôi về Sài Gòn để tìm học kỹ thuật chế tác kim hoàn. Bởi kỹ thuật làm trang sức của tôi khác hoàn toàn với kỹ thuật truyền thống; thêm vào đó, được sự ủng hộ của bạn bè nên tổ chức buổi triển lãm nhỏ và may mắn tôi có thêm khá nhiều khách hàng. Ngoài ra, Sài Gòn là mảnh đất tôi sinh ra và lớn lên, nên đương nhiên tôi sẽ chọn Sài Gòn để giới thiệu - nơi tôi có gia đình và bạn bè luôn ủng hộ.


Yêu cái đẹp và yêu sự tự do

Trong cuộc triển lãm vừa qua, chị hy vọng sẽ truyền tải thông điệp gì qua các tác phẩm của mình?

Tôi thích làm trang sức thời trang hơn là High Jewelery và cũng không cuồng nhiệt với các món trang sức Fantasy. Tôi muốn làm một dòng trang sức có tính thời trang, và khả năng tạo style cao. Để phù hợp với việc ăn mặc đơn giản, sống đơn giản mà vẫn đủ đẹp, vẫn thời trang và phong cách. Điều mà những loại trang sức khác chỉ được sử dụng như một loại phụ kiện có thể lấp lánh nhưng không làm thay đổi phong cách, có thể phô trương về độ lấp lánh giàu có nhưng lại hạn chế trong việc phối đồ và chỉ phù hợp để dự tiệc trang trọng- điều dễ đóng khung phong cách của người mang trang sức.

Chị chia sẻ niềm đam mê và tương tác với cộng đồng và các người thợ kim hoàn bằng những cách nào?

Ở thời điểm này, tôi chia sẽ thông qua trang Facebook cá nhân và Messenger, cũng như tương tác trực tiếp hoặc đưa ra những mẫu thiết kế “khó” cho họ.

 Quá trình sáng tạo của chị trông như thế nào? Làm thế nào để chị bắt đầu một tác phẩm mới? Làm thế nào để chị biết khi tác phẩm đã hoàn thành?

Tôi thường quan sát cuộc sống và sự vật xung quanh. Đọc sách, chu du và khám phá… những điều này tạo cho tôi nguồn cảm húng và những rung động cần có để sáng tạo. Tôi thường kéo dài quá trình nghiên cứu và phát triển sản phẩm ở nhiều hướng khác nhau.

Tôi chọn cái đạt được đủ các yếu tố về mỹ thuật, hiệu suất thời gian, thời trang đa năng… tôi kết thúc quá trình này bằng cách thử chúng trên nhiều khuôn mặt, đôi tai, bàn tay. Khi chúng có thể biến hoá phù hợp được tốt nhất trên những dáng vẽ tay, mặt, cổ,... khác nhau thì tôi kết thúc quá trình này và bắt đầu hoàn thiện sản phẩm.


Chị muốn thử thách bản thân bằng những cách nào khi tạo ra những tác phẩm mới?

Tôi luôn thích cách nghĩ của người Nhật trong sáng tạo và thực hiện làm sản phẩm. Quá trình phức tạp là cần thiết nhưng sản phẩm phải đơn giản, nhìn là nắm bắt được.

Nhiều khách lười suy nghĩ mà!

Thế nên sản phẩm nào cũng làm được điều này thì thử thách luôn có. Hoặc khi ra lại mẫu cũ, tôi đòi hỏi mình quen tay hơn và làm đẹp hơn.

Hiện có tác phẩm nào trong cuộc triển lãm có mối liên hệ chặt chẽ với con người, chủ đề mà chị cố gắng muốn truyền tải?

Mỗi tác phẩm đều có sự liên hệ chặt chẽ. Tôi thích tư duy nên tôi có chiếc nhẫn “the thinker” tôi thích tự do nên tôi làm những chiếc cài áo “humming bird” bởi chúng vừa đẹp lại vừa tự do. Tôi là người yêu cái đẹp và tôi yêu tự do.

Until-U sẽ làm gì với bộ sưu tập trang sức trong tương lai?

Tương lai, tôi muốn tạo ra một dòng sản phẩm mới kết hợp giữa kỹ thuật chế tác kim hoàn truyền thống với kỹ thuật riêng của Until-U jewelery để nâng thiết kế lên một tầm mới. Nơi có sự giao thoa của những giá trị truyền thống với giá trị của hiện tại. Tạo nên một sự quen thuộc mới mẻ và đặc sắc.

Cảm ơn nhà thiết kế Thanh Nga đã có những lời chia sẻ thú vị về câu chuyện Until-U. Chúc chị gặt hái thêm nhiều thành công hơn ở khía cạnh chế tác kim hoàn!

Ban biên tập VnIndustry