Mới đây, Chính phủ Nhật Bản cho biết sẽ tiếp tục cung cấp các khoản hỗ trợ cho tập đoàn bán dẫn TSMC để xây dựng nhà máy sản xuất chất bán dẫn thứ 2 tại tỉnh Kumamoto. Nhà máy này có thể sản xuất chất bán dẫn có kích thước từ 6 đến 7 nanomet, tiên tiến hơn nhiều so với công nghệ 40 nanomet mà Nhật Bản hiện có thể sản xuất.

TSMC là đơn vị sản xuất bán dẫn độc lập lớn nhất thế giới, nhận gia công chip cho các hãng công nghệ hàng đầu như Apple, Qualcolmm, AMD... Hiện các cơ sở sản xuất chip của tập đoàn này chủ yếu tập trung tại Đài Loan (Trung Quốc).

Thị trấn công nghiệp công nghệ cao đang hình thành ở Kikuyo, tỉnh Kumamoto là bằng chứng cho sự biến chuyển trong ngành sản xuất chất bán dẫn của Nhật Bản. Trong nhiều năm, chuỗi cung ứng chip nhỏ bên trong điện thoại thông minh, ô tô và máy bay chiến đấu… của Nhật Bản phụ thuộc phần lớn vào một số nhà máy ở Đài Loan (Trung Quốc). Nhằm đối phó với cuộc chiến công nghệ Mỹ - Trung leo thang và lo ngại về an ninh chuỗi cung ứng chất bán dẫn, Nhật Bản đã quyết định đầu tư mạnh mẽ để hồi sinh ngành sản xuất chip của mình.

 

TSMC đang biến Kikuyo, một thị trấn nông nghiệp nhỏ của Nhật Bản, thành trung tâm cung cấp chip quan trọng của châu Á. (Ảnh: Nytimes)

Chính phủ của Thủ tướng Kishida Fumio đã phân bổ 4.000 tỷ Yên (26,7 tỷ USD) tài trợ trong 3 năm để củng cố năng lực sản xuất chất bán dẫn của Nhật Bản, với mục tiêu đạt 10.000 tỷ Yen, sau khi huy động sự hỗ trợ của các doanh nghiệp tư nhân. Khoản đầu tư này nhằm mục tiêu tăng gấp 3 doanh số bán của chip sản xuất nội địa, lên hơn 15.000 tỷ Yen vào năm 2030.

Nhật Bản, từng là cường quốc sản xuất chip, đang nỗ lực khôi phục ngành công nghiệp này, sẽ tập trung vào chip sử dụng trong ô tô. Khoảng 1/3 số tiền trên sẽ được đầu tư cho hoạt động của TSMC. Kế hoạch xây dựng ngành công nghiệp chip và chuỗi cung ứng của Nhật Bản sẽ cần thêm hàng chục tỷ USD và một lượng lớn nhân công kỹ thuật cao.

 

Trên đường đua sản xuất chip bán dẫn, Nhật Bản sẽ cần thêm nhiều tỷ USD và nhân công kỹ thuật cao (Ảnh: Nytimes)

Chiến lược sản xuất chất bán dẫn của Nhật Bản bao gồm hai trụ cột chính: thu hút các nhà sản xuất chip nước ngoài bằng cách ban hành các gói trợ cấp và triển khai các dự án đầy tham vọng để giành lại vị thế dẫn đầu trong công nghệ chip, giảm nguy cơ phụ thuộc vào nguồn cung không ổn định từ bên ngoài. Đơn cử như công ty Rapidus Corp., thành lập cách đây gần 2 năm, đặt tại Hokkaido, có tham vọng sản xuất hàng thế hệ bán dẫn tiếp theo có kích thước 2 nanomet vào năm 2027. Để làm được điều đó, chính phủ Nhật Bản sẽ hỗ trợ thêm 590 tỷ Yen (3,9 tỷ USD) cho Rapidus để đầu tư cho nghiên cứu, phát triển thiết bị sản xuất, cải tiến công nghệ...

Ngoài ra, các ông lớn khác trong ngành như Micron Technology, ASML hay Samsung Electronics... cũng đang đầu tư vào các cơ sở sản xuất hoặc nghiên cứu tại Nhật Bản do bị thu hút bởi lực lượng lao động lành nghề, dịch vụ đáng tin cậy và chính sách hỗ trợ hẫu hĩnh của đất nước này.

Theo TB VTV