UBND huyện Cờ Đỏ (thành phố Cần Thơ) cho biết, với diện
tích 5.000 ha trồng cây ăn quả, địa phương này đang khẳng định vị thế là một
"thủ phủ" cây ăn quả trù phú, nơi những đặc sản nức tiếng như nhãn,
xoài, mãng cầu xiêm, không chỉ làm giàu cho người nông dân mà còn chinh phục những
thị trường khó tính nhất thế giới như Hoa Kỳ, Australia, Nhật Bản, EU và Trung
Quốc.
Từ những vườn nhãn trĩu quả tại xã Thới Hưng (huyện Cờ
Đỏ), câu chuyện làm giàu từ cây ăn quả càng thêm thuyết phục. Nông dân Lê Văn
Suốt - thành viên kỳ cựu của HTX Thái Thanh - chia sẻ: "HTX hiện có 24
thành viên với 127 ha nhãn, mỗi năm thu hoạch trên 1.500 tấn. Điều đáng tự hào
là gần một nửa sản lượng nhãn của chúng tôi đã đặt chân đến các thị trường quốc
tế, mang về doanh thu khoảng 40 tỉ đồng mỗi năm".
Thành công này không đến ngẫu nhiên. HTX Thái Thanh đã
chủ động xây dựng quy trình sản xuất đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe, được cấp
mã số vùng trồng để tự tin xuất khẩu sang Trung Quốc, Nhật Bản, EU, Hoa Kỳ và
Australia. Tỉ lệ xuất khẩu ấn tượng, chiếm khoảng 50% sản lượng hàng năm, là
minh chứng cho chất lượng và uy tín của trái nhãn Cờ Đỏ trên thị trường quốc tế.
Ông Suốt không ngần ngại so sánh hiệu quả kinh tế.
Theo ông, mỗi hec-ta trồng nhãn cho thu nhập khoảng 300 triệu đồng/năm, cao gấp
8 - 10 lần so với trồng lúa. Đây là sự chuyển đổi mang tính đột phá, giúp đời sống
người nông dân thay đổi rõ rệt.
Bên cạnh đó, HTX Thái Thanh đang hướng tới mục tiêu
cao hơn khi tập trung vào sản xuất theo hướng hữu cơ, một bước đi chiến lược để
nâng cao giá trị thương hiệu và tăng cường khả năng cạnh tranh trên thị trường
toàn cầu.
"Sản xuất trong thời buổi này phải theo hướng
hữu cơ, theo hướng VietGAP, GlobalGAP. Nếu sản xuất bình thường thì khó cạnh
tranh, khó bán xuất khẩu. Mà không xuất khẩu thì giá trị không cao, sản lượng lớn
khó tiêu thụ", ông Suốt trăn trở và bày tỏ mong muốn nhận được sự hỗ
trợ từ các cấp có thẩm quyền trong việc chứng nhận sản phẩm hữu cơ.
Để mở đường cho nông sản vươn ra “biển lớn”, thành phố
Cần Thơ đã cấp được 223 mã số vùng trồng với tổng diện tích hơn 3.000 ha. Đồng
thời, địa phương tích cực định hướng, khuyến khích người dân phát triển nông
nghiệp tuần hoàn, tuân thủ nghiêm ngặt các quy định và yêu cầu của các nước nhập
khẩu.
Ông Võ Trung Cảnh - Chủ tịch UBND xã Thới Hưng (huyện
Cờ Đỏ) - không giấu được niềm tự hào về tiềm năng của địa phương: Hiện nay, xã
có hơn 3.800 ha cây ăn quả, tập trung vào những loại cây có giá trị kinh tế cao
như nhãn, xoài, sầu riêng, khóm... Trong đó, diện tích nhãn đạt hơn 455 ha, với
sản lượng trên 6.200 tấn. Thu nhập từ cây nhãn đang mang lại cuộc sống sung túc
hơn cho người dân, cao hơn 8-10 lần so với trồng lúa.
“Chính quyền xã Thới Hưng đang phối hợp chặt chẽ với
các cơ quan chuyên môn để triển khai các giải pháp phát triển bền vững cho cây
ăn quả. Các thủ tục pháp lý để xuất khẩu các sản phẩm chủ lực đang được gấp rút
hoàn thiện. Song song đó, mô hình trồng nhãn chất lượng cao theo tiêu chuẩn
VietGAP, GlobalGAP được nhân rộng nhằm nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh
trên thị trường”, ông Cảnh cho hay.
Trong tương lai, ông Võ Trung Cảnh thông tin, xã Thới
Hưng sẽ tiếp tục đẩy mạnh chuyển giao khoa học kỹ thuật, khuyến khích sản xuất
hữu cơ, nói không với phân bón hóa học. Đặc biệt, địa phương đang tích cực kêu
gọi các doanh nghiệp đầu tư vào xây dựng nhà máy chế biến, sấy khô nông sản, hướng
tới mục tiêu xuất khẩu các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, thay vì chỉ xuất
khẩu sản phẩm thô như hiện nay.
"Xã cũng kêu gọi các doanh nghiệp bao tiêu sản
phẩm. Hiện tại, Công ty Tam Ngọc đóng trên địa bàn đã có nhiều lò sấy xoài,
xoài keo, khóm. Chúng tôi đang tuyên truyền, vận động bà con chuyển đổi sang những
cây ăn quả này để công ty bao tiêu, sấy khô và xuất khẩu ra thị trường thế giới
trong thời gian tới", ông Võ Trung Cảnh chia sẻ về những nỗ lực kết nối
giữa sản xuất và tiêu thụ.