Halloween là sự pha trộn giữa những nghi lễ tôn giáo và tập tục cổ xưa của nhiều nền văn hóa khác nhau. Cùng VnIndustry.net khám phá nguồn gốc, lịch sử và tìm hiểu về những hoạt động hay phong tục đón Halloween tại một số quốc gia trên thế giới

Nguồn gốc của lễ hội Halloween

Halloween vốn là lễ hội có nguồn gốc từ các nước phương Tây. Từ "Halloween" bắt nguồn từ nhà thờ Thiên chúa giáo, được khởi nguồn từ lễ hội All Hallow Eve (lễ thánh). Ngày 1/11 là ngày lễ của người Thiên chúa bày tỏ lòng thành trước thánh thần (halllow).

Tuy nhiên vào thời của người Celtic thì mùa màng kết thúc vào thời điểm 31/10 và theo họ vào thời gian này các vị thần của mùa xuân và mùa hè không còn ngự trị và nhường chỗ cho thần Chết. Khi linh hồn của người chết quay trở lại nhà người thân để xin thức ăn và nước uống, các linh hồn được đi lại tự do vào lúc này.

Theo người xưa kể lại, vào ngày lễ Samhain (“lễ hội Kết thúc mùa hè”) linh hồn của người chết trong năm trước sẽ tìm đến một thể xác khác để bắt đầu cuộc sống mới trong năm tiếp theo. Tuy nhiên, người sống không muốn linh hồn người chết nhập vào mình, vì thế vào ngày 31/10 dân làng dập tắt lửa trong nhà để làm cho nhà cửa lạnh lẽo. Sau đó con người hóa trang thành hình dáng giống những con ma cà rồng hoặc những hình dáng kỳ quái với mục đích là để xua đuổi những hồn ma đi tìm thể xác.


Bên cạnh đó cũng có lời giải thích khác là vào đêm Samhain người Celtic dập tắt lửa không phải để xua đuổi những linh hồn mà để sau đó họ cùng nhau đi lấy lửa tại nguồn sáng gọi là Druidic. Và cơ thể những người bị các linh hồn nhập vào sẽ bị trói vào cọc và đốt để cảnh cáo và cũng là để xua đuổi các linh hồn muốn tái sinh.

Lễ hội Halloween được cho là tồn tại từ nhiều thế kỷ trước, Halloween không chỉ đơn thuần là một lễ hội ma quỷ hay ngày hội hóa trang. Halloween cũng là một dịp lễ linh thiêng và quan trọng thuộc về tôn giáo, mang ý nghĩa sâu sắc như tưởng nhớ và tôn vinh những người đã khuất.

Vì sao Bí Ngô được xem là một trong những biểu tượng của Halloween?

Nếu nói về ý nghĩa xua đuổi ma quỷ và những điều xấu xa trong ngày Halloween, Có một câu chuyện truyền thuyết cổ của người Ireland. Chuyện kể về một chàng trai đã chết tên là Jack. Linh hồn của Jack không được lên thiên đàng, vì lúc còn sống, anh ta là một người rất keo kiệt, ích kỷ, không biết chia sẻ với người khác. Tuy nhiên, linh hồn này cũng không thể xuống địa ngục vì lúc sinh thời, Jack cũng đã từng kết bạn, chơi đùa với ma quỷ nên lũ quỷ cũng không muốn bắt anh.

Không muốn nhìn thấy linh hồn “người bạn” của mình lang thang và vất vưởng như vậy, lũ quỷ đã lấy một ít than hồng ở Địa Ngục và cho vào quả bí ngô, tạo thành một chiếc đèn lồng giúp Jack soi sáng con đường mà mình đi. Để tạo thêm không khí giữ lửa, Jack cũng đã đục thủng các lỗ xung quanh quả bí. Đó chính là lý do vì sao mà ngày nay, bí ngô lại trở thành biểu tượng chính trong dịp lễ này.


Các hoạt động chính trong ngày lễ Halloween ?

- Hóa trang: Halloween còn được gọi với tên thân mật là lễ hội hóa trang chính vì thế hoạt động hóa trang là một trong những hoạt động được nhiều người ưa thích nhất vào ngày lễ này.

Việc hóa trang thành một hình dáng khác lạ được bắt nguồn với ý nghĩa ban đầu là xua đuổi tà ma. Nhưng ngày nay nhiều người đã xem Halloween như một “show” thời trang bắt mắt và ấn tượng hơn. Vào dịp này, mọi người có thể thỏa thích hóa trang thành những hình mẫu mà mình yêu thích, có thể là nhân vật hoạt hình, có thể là diễn viên chính trong bộ phim nào đó và cùng diễu hành vui vẻ, nhộn nhịp trên đường phố.


Còn đối với trẻ con ở các nước phương Tây Halloween, vào ngày này các trẻ em trong khu phố thường hóa trang và rủ nhau đến gõ cửa từng nhà để xin kẹo. Người ta quan niệm rằng những đứa bé này đang “vào vai” những linh hồn trở về, vì vậy, việc cho kẹo cũng thể hiện được sự chia sẻ cho linh hồn những người đã khuất.

- Lấy táo vào ngày lễ Halloween: tập tục này bắt nguồn từ người Celtic. Khi mảnh đất của dân tộc này bị người La Mã chiếm đóng, một phần văn hóa La Mã cũng đã du nhập và phát triển tại đây, trong đó có lễ hội thờ nữ thần Pomona - vị thần mùa màng. Theo truyền thuyết, vị nữ thần này thường ẩn mình trong những giỏ trái cây, đặc biệt là táo - loại hoa quả linh thiêng, thường được dùng để cúng các vị thần linh. Chính vì vậy vào dịp Halloween, người ta thường tổ chức các trò chơi có liên quan đến táo như lấy táo trong chậu nước, gọt vỏ táo,... như một nghi lễ cầu may.


- Khắc bí ngô: Vào dịp lễ Halloween, những quả bí ngô tươi là một trong những sản phẩm được bán chạy nhất sau những sản phẩm như kẹo, hay đồ hóa trang. Vì bí ngô được xem là một trong những biểu tưởng của lễ hội này. Hoạt động khắc bí ngô trong dịp Halloween nhiều năm gần đây đã dần trở nên thịnh hành và sáng tạo nhiều hơn. Người ta có thể khắc bí ngô thành nhiều hình thù khác nhau, phổ biến nhất là gương mặt ma được tạo hình thành những biểu cảm đáng yêu, nhí nhố.

Các quốc gia trên thế giới đón lễ Halloween như thế nào?

Cho đến ngày nay, Halloween đã trở thành lễ hội phổ biến tại nhiều quốc gia trên toàn thế giới, với quy mô lớn/nhỏ khác nhau.

- Tại Mỹ: Lễ hội Halloween được tổ chức rất hoành tráng. Trong đêm Halloween, trẻ em sẽ đến nhà hàng xóm, gõ cửa và nói “Trick or Treat” để xin kẹo, bánh, hoa quả, thậm chí là tiền. Nếu không được cho thì chúng sẽ chơi xấu chủ nhà, quậy phá, chọc ghẹo. Halloween chính là cơ hội để mọi người khoác lên mặt nạ ma quỷ, biến thành nhân vật kỳ dị và khám phá những khía cạnh xấu của bản thân theo cách thức vô hại.


- Tại Anh: không khí lễ hội Halloween tương đối khác nhau ở vùng nông thôn và thành thị của nước Anh. Nếu như nhiều người Anh sẽ diễu hành trên những con phố ở thành thị với bài hát “Punkie night song” cùng với các củ cải đường được chạm khắc thì ở vùng nông thôn, người dân sẽ đặt đèn lồng củ cải trắng trước cổng nhà để xua đuổi các linh hồn. Ngoài ra tâm điểm của lễ hội chính là những đống lửa rực cháy trên phố gắn với câu chuyện Guy Fawkes, người có ý định làm nổ tung Tòa nhà Hội đồng ở Luân Đôn.

-Tại Pháp: Đặc trưng của Halloween tại Pháp chính là những bữa tiệc hóa trang diễu hành lớn trên đường phố. Trong đó, người Pháp đặc biệt chú trọng đến thời trang và nếu có dịp tham gia vào Halloween tại đây du khách có thể vô tình bắt gặp nhiều nhà thiết kế nổi tiếng.


- Tại Mexico: Người Mexico thường trang trí bệ thờ với bánh mì, nến, hoa quả và thắp sáng nến để tưởng nhớ tổ tiên. Đêm đến, họ hoá trang trong quần áo ma quỷ và tham gia diễu hành trên phố Đồng thời, họ sẽ tới thăm mộ người thân suốt đêm đó. Trong bữa tiệc Halloween, người Mexico sẽ thường nhắc lại kỷ niệm với người chết và ăn mừng những điều tốt đẹp.


- Tại Ireland: Lễ hội Spirits of Meath ở County Meath là nét đặc trưng trong ngày Halloween ở Ireland. Người dân thường chơi bài với kẹo và các đồng xu bên dưới mỗi quân bài. Khi trẻ em chọn được quân bài nào thì sẽ nhận được phần thưởng tương ứng. Ngoài ra, lễ hội Halloween ở Ireland cũng đặc trưng bởi các trò chơi bên đống lửa, món barnbrack và bia. 

- Tại Đức: Đức được xem là quốc gia có kỳ lễ Halloween dài nhất khi nó tổ chức từ 30/10 đến 8/11. Người Đức thường đến nhà thờ cầu nguyện nhằm thể hiện sự tôn kính đối với các vị Thánh và thăm viếng người thân đã khuất. Đặc biệt, họ kỵ dùng dao vào đêm Halloween vì không muốn làm tổn thương các linh hồn từ cõi âm về thăm nhà.

- Tại Áo: Người Áo thường đến thăm nghĩa trang, viếng mộ người thân và đặt lên đó vòng hoa, nến, bình nước. Ngày cuối cùng, họ sẽ tổ chức lễ cầu siêu cho các linh hồn đã khuất. Vào ngày lễ Halloween, người dân không hóa trang kỳ dị mà tham gia những bữa tiệc đơn giản và thắp một ngọn nến trên bàn trước khi đi ngủ như một cách chào đón linh hồn trở về.

T/h