Tiêu thụ của ngành giấy đang chậm lại trong khi công suất lại dư thừa đang đặt ra thách thức lớn không nhỏ cho các doanh nghiệp trong ngành này.

Cung vượt cầu

2023 có thể nói là một năm khó khăn của doanh nghiệp ngành giấy dưới tác động của nguồn cung vượt xa nhu cầu trong khi nhu cầu tiêu thụ suy giảm mạnh. Ông Đặng Văn Sơn - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam cho biết, trong năm 5 trở lại đây ngành giấy của Việt Nam đã có sự phát triển vượt bậc, hiện năng lực sản xuất toàn ngành giấy lớn lên đến khoảng 8 triệu tấn/năm, trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ chỉ ở mức 5,5 – 6 triệu tấn/năm. Hiện nay cả nước có khoảng 500 doanh nghiệp hoạt động sản xuất trong ngành giấy, khoảng 90% sản lượng sản xuất trong nước là các sản phẩm giấy bao bì phổ thông phục vụ cho các ngành sản xuất công nghiệp.

“Việt Nam hiện là đất nước có sản lượng giấy bao bì phổ thông sản xuất nhiều nhất ở khu vực Đông Nam Á”, ông Đặng Văn Sơn cho biết. Dự báo năm 2023 này, tình hình hoạt động của doanh nghiệp trong ngành còn khó khăn hơn do các ngành sản xuất của Việt Nam đang suy giảm.

Cũng theo ông Sơn, cung vượt xa cầu khiến nhiều doanh nghiệp chỉ đang hoạt động khoảng 50% - 60% công suất thiết kế để duy trì sản xuất. Trong khi đó, dự báo năng lực sản xuất ngành giấy đến năm 2025 có thể tăng thêm khoảng 3 triệu tấn nữa; đồng thời tình hình dòng vốn rót vào sản xuất giấy bao bì phổ thông đang tiếp tục gia tăng. “Các doanh nghiệp đang tiếp tục tăng quy mô sản xuất, trong khi doanh nghiệp nước ngoài thuộc lĩnh vực này cũng đang tiếp tục tìm đường đầu tư vào Việt Nam”- ông Sơn nói thêm.

Điển hình như, mới đây, Công ty CP Long Hải Bến Tre đã đầu tư 1,8 ngàn tỷ đồng xây dựng Nhà máy Giao Long 3. Nhà máy này có thể giúp nâng công suất sản xuất giấy của Dohaco hơn gấp đôi vào giữa năm 2025, tương đương 370.000 tấn/năm (tương ứng với 120% công suất hiện tại). Về cơ cấu sản phẩm, ban lãnh đạo lên kế hoạch sản xuất cả những sản phẩm hiện hữu cũng như những dòng sản phẩm giấy bao bì giá trị gia tăng cao hơn.

Hay như Dự án nhà máy bột - giấy VNT19 do Công ty Cổ phần Bột - Giấy VNT19 làm chủ đầu tư. Đến nay, dự án Nhà máy bột giấy VNT-19 đã thực hiện được 75% khối lượng; trong đó đền bù, giải phóng mặt bằng đạt 95%. Dự kiến cuối tháng 12/2023 Nhà máy bột giấy VNT-19 sẽ đưa vào hoạt động thử nghiệm.

Năm 2021, thông qua Công ty TNHH Giấy Kraft Vina, một liên doanh giữa SCG và Rengo (nhà sản xuất carton lớn tại Nhật Bản), SCG quyết định triển khai một nhà máy sản xuất giấy bìa carton mới tại Khu công nghiệp Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc.

Thời điểm đó, Công ty giấy bao bì SCG Packaging của SCG thông báo sẽ đầu tư 11,79 tỷ Baht (khoảng 350 triệu USD) vào nhà máy. Với công suất thiết kế 370.000 tấn giấy bìa carton mỗi năm, dự án dự kiến vận hành thương mại vào đầu năm 2024.

Hiệp hội giấy và bột giấy Việt Nam dự báo, trong 5-10 năm tới, nhu cầu tiêu dùng giấy bao bì dự báo tăng trưởng 14-18%/năm. Do đó, kế hoạch mở rộng sản xuất của các nhà máy giấy bao bì là hướng đi khả quan. Tuy nhiên, phân khúc giấy bao bì cao cấp (tráng phủ) là “khoảng trống” mà ngành giấy cần lắp đầy, thay vì chỉ tập trung vào sản xuất các loại giấy bao bì thông thường.

Loay hoay tìm đầu ra

Tình hình bất ổn của các nền kinh tế trên thế giới do ảnh hưởng lạm phát, xung đột địa chính trị, đồng USD tăng giá, tăng lãi suất cùng các dự báo nguy cơ cao của suy thoái kinh tế toàn cầu…. đã và đang dẫn đến nhiều tác động tiêu cực cho ngành giấy.


Ông Lương Văn Thành - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đông Hải Bến Tre kể: Những tháng đầu năm 2023, đơn hàng của doanh nghiệp đã giảm khoảng 15% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, các sản phẩm bao bì carton giảm hơn 20%.

Lý giải về sự sụt giảm nói trên, ông Thành cho rằng, công ty có 2 dòng sản phẩm chính là giấy công nghiệp và bao bì carton. Các sản phẩm này chủ yếu cung cấp cho các nhà máy, và bao bì cho các doanh nghiệp xuất khẩu trái cây, thủy sản tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp này suy giảm, khiến nhu cầu sử dụng bao bì cũng suy giảm theo.

Không chỉ suy giảm về đơn hàng, mà giá thành sản phẩm cũng giảm mạnh. Nếu trước đây 1 kg giấy có giá 12.000 đồng thì nay chỉ còn 8.000 đồng/kg. “Dự báo những khó khăn này dự báo kéo dài đến hết năm 2023 khi tiêu dùng trong nước và xuất khẩu đều giảm sút”, ông Lương Văn Thành cho biết.

Câu chuyện suy giảm đơn hàng của Công ty CP Đông Hải Bến Tre cũng đang là khó khăn chung của nhiều doanh nghiệp khác. Bà Hoàng Thị Thu Hường - Giám đốc Công ty TNHH sản xuất và phát triển thương mại Đại Thành - cho biết, từ đầu năm đến nay đơn hàng của công ty giảm khoảng 30%. Trong đó, giảm mạnh nhất là giấy phục vụ ngành may mặc quần áo với mức giảm 60%, giấy vệ sinh giảm khoảng 30%....

Riêng với giấy tissue, theo bà Hường, mức tiêu thụ giấy tissue mà doanh nghiệp cung cấp cho các công ty, bệnh viện, trường học… cũng có chiều hướng giảm rõ rệt. “Có đơn vị bình thường dùng 100 tấn/ tháng thì giờ dùng 30 - 40 tấn, giảm tới 60 – 70%”, bà Hường lo lắng.

Trên thực tế, ngành giấy hiện đang là ngành phụ trợ cho hầu hết các lĩnh vực sản xuất nên khi các ngành này chịu ảnh hưởng và suy giảm sẽ kéo theo sự sụt giảm trong tiêu thụ giấy. Ông Đặng Văn Sơn, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam cho hay, khoảng 90% sản lượng ngành giấy sản xuất trong nước là các sản phẩm giấy bao bì phổ thông phục vụ cho các ngành sản xuất công nghiệp. Từ tháng 9/2022 tới nay, các doanh nghiệp ngành giấy rất khó khăn do đơn hàng sụt giảm.

“Xuất khẩu giảm gần 12% trong những tháng đầu năm nay, trong đó các ngành như dệt may, giày dép giảm lần lượt 19,3% và 16,3%… khiến việc tiêu thụ sản phẩm giấy bao bì vốn chiếm tới 85% tổng sản lượng toàn ngành giấy cũng bị giảm theo. Trong bối cảnh đó, “hầu hết doanh nghiệp trong ngành chỉ còn duy trì công suất 50 – 65%”, đại diện Hiệp hội Giấy và bột giấy Việt Nam xác nhận.

Việc thị trường tiêu thụ gặp khó khiến doanh thu, lợi nhuận của các doanh nghiệp ngành giấy cũng suy giảm theo. Điển hình như tại Công ty Cổ phần Đông Hải Bến Tre, doanh thu quý 1/2023 đạt 848,4 tỷ đồng, giảm gần 18% so với cùng kỳ năm 2022. Hay Công ty CP tập đoàn HAPACO cũng ghi nhận trong quý 1 doanh thu bán hàng đạt 74,5 tỷ đồng, giảm mạnh 45,2% so với cùng kỳ năm 2022. Còn Công ty cổ phần Sadico Cần Thơ, quý 1/2023, doanh thu đạt 255,8 tỷ đồng, giảm 34,5% so với cùng kỳ năm 2022.

Theo BCT