Ngày 27/3, Hội thảo "Thúc đẩy Sản xuất, Thương mại và Đầu tư Cao su Bền vững tại Campuchia và Việt Nam" đã diễn ra nhằm tìm giải pháp cho sự phát triển bền vững của ngành cao su. Sự kiện diễn ra trong bối cảnh các quy định mới từ EU về bảo vệ rừng đang đặt ra những thách thức lớn cho chuỗi cung ứng cao su.
Hợp tác trong lĩnh
vực cao su
Việt Nam và Campuchia có mối quan hệ chặt chẽ trong đầu
tư và thương mại cao su thiên nhiên. Hiện tại, Tập đoàn Cao su Việt Nam (VRG)
là nhà đầu tư cao su thiên nhiên tại Campuchia với 16 dự án trồng cao su trên tổng
diện tích gần 90.000 ha, cùng 7 cơ sở chế biến.
Theo số liệu hải quan, năm 2024, Việt Nam đã nhập khẩu
gần 1 triệu tấn cao su thiên nhiên từ Campuchia, chiếm hơn 64% tổng lượng cao
su nhập khẩu, với giá trị hơn 1,2 tỷ USD. Con số này gần bằng sản lượng cao su
sản xuất trong nước.
Trong khi đó, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu cao
su lớn nhất của Việt Nam, với 1,45 triệu tấn cao su thiên nhiên xuất sang thị
trường này trong năm 2024, đạt giá trị 2,4 tỷ USD. Ngoài ra, EU, Hoa Kỳ, Hàn Quốc
và Nhật Bản cũng là những thị trường xuất khẩu quan trọng.
Bà Phan Trần Hồng Vân - Phó Tổng thư ký Hiệp
hội Cao su Việt Nam.
Bên cạnh tiềm năng phát triển, ngành cao su Việt Nam -
Campuchia cũng đang đối diện với những thách thức lớn từ các quy định quốc tế.
Đáng chú ý, EU đã thông qua Quy định về Mất rừng (EUDR), cấm nhập khẩu cao su nếu
quá trình sản xuất gây ra tình trạng mất rừng. Theo quy định này, các nhà nhập
khẩu phải đảm bảo sản phẩm của họ có thể truy xuất nguồn gốc đến tận lô đất nơi
trồng cao su.
Phát biểu tại sự kiện, bà Phan Trần Hồng Vân - Phó Tổng
thư ký Hiệp hội Cao su Việt Nam nhận định: "EUDR đặt ra cả cơ hội và thách
thức cho ngành cao su. Các doanh nghiệp có nền tảng vững chắc về quản lý chất
lượng và môi trường sẽ có lợi thế. Tuy nhiên, việc đảm bảo truy xuất nguồn gốc
vẫn là một thách thức lớn, đặc biệt với chuỗi cung ứng phức tạp hiện nay".
Thách thức từ quy
định mới của EU
Quy định chống mất rừng của Liên minh châu Âu (EUDR)
đang tạo ra những yêu cầu khắt khe đối với ngành cao su, đặc biệt là tại khu vực
sông Mekong. Theo ông Tô Xuân Phúc - Chuyên gia từ tổ chức Forest Trends, một
trong những thách thức lớn nhất xuất phát từ đặc điểm sản xuất phân tán, manh
mún của ngành cao su trong khu vực.
"Tỉ lệ cao su tiểu điền tại Campuchia là 44%, Lào
30% và Việt Nam khoảng 50%. Khác với các doanh nghiệp lớn có hệ thống quản lý
chặt chẽ, các hộ tiểu điền thường thiếu hồ sơ pháp lý đầy đủ và gặp khó khăn
trong việc truy xuất nguồn gốc theo yêu cầu của EUDR", ông Phúc nhận định.
Một trong những rào cản chính là yêu cầu truy xuất nguồn
gốc đến tận thửa đất trồng. Tại Việt Nam, 66% vườn cao su của nông hộ có diện
tích dưới 3 ha. Điều này không chỉ làm tăng nguy cơ không đáp ứng tiêu chuẩn xuất
khẩu mà còn đẩy chi phí của doanh nghiệp lên cao.
Liên quan đến vấn đề trên, ông Trương Tất Đơ - đại diện
Cục Lâm nghiệp và Kiểm lâm (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) nhấn mạnh: "Hiện
nay, cao su tiểu điền gặp nhiều khó khăn do thiếu thông tin về thửa đất canh
tác, việc ghi chép sản xuất chưa đầy đủ, khiến quá trình cung cấp bằng chứng chứng
minh nguồn gốc trở nên phức tạp".
Ngoài vấn đề truy xuất nguồn gốc, ngành cao su trong
khu vực cũng đối mặt với rủi ro về tính hợp pháp của nguyên liệu. Một thực trạng
đáng lo ngại là tình trạng trộm mủ cao su, đặc biệt tại Lào.
Theo một số doanh nghiệp, khoảng 20% mủ cao su của họ
bị ăn trộm, và phần lớn lượng này được đưa vào xuất khẩu. Điều này tạo ra rủi
ro pháp lý lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam nếu nhập khẩu nguồn nguyên liệu
không rõ ràng này.
Quy định EUDR mở ra cơ hội nhưng cũng đặt
ngành cao su trước bài toán khó về truy xuất nguồn gốc, đòi hỏi doanh nghiệp buộc
phải thích ứng để đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe.
Để giải quyết vấn đề, đại diện Cục Lâm nghiệp và Kiểm lâm khuyến nghị các nông hộ cần phối hợp thành lập các tổ hợp tác để cùng nhau xây dựng cơ sở dữ liệu vùng trồng.
Đồng thời, các cơ quan quản lý cần đẩy mạnh tập huấn
cho nông dân về việc ghi chép sản xuất và lưu trữ mủ cao su theo đúng tiêu chuẩn.
Theo ông Trương Tất Đơ, để vượt qua những thách thức
do EUDR đặt ra, ngành cao su khu cần sớm có giải pháp đồng bộ. Việc cải thiện hệ
thống dữ liệu, hỗ trợ nông hộ tuân thủ quy định và đảm bảo tính hợp pháp của đất
trồng sẽ là những yếu tố then chốt giúp doanh nghiệp duy trì khả năng cạnh
tranh trên thị trường EU. "Nếu không có sự chuẩn bị kịp thời, nhiều doanh
nghiệp có thể mất đi cơ hội xuất khẩu vào thị trường quan trọng này," ông
Đơ nhấn mạnh.
Trước áp lực từ EUDR, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã
chủ động điều chỉnh để đáp ứng các tiêu chuẩn mới. Chính phủ Việt Nam cũng đang
phối hợp với ngành cao su nhằm đảm bảo các doanh nghiệp có sự chuẩn bị tốt nhất.
Công ty Mai Vĩnh hiện đang hợp tác với hơn 3.000 hộ
nông dân trồng cao su để sản xuất cao su thiên nhiên đáp ứng yêu cầu của thị
trường EU. "Làm việc với số lượng lớn hộ nông dân nhỏ rất khó khăn, nhưng
chúng tôi không còn lựa chọn nào khác ngoài việc hợp tác với họ. Họ là xương sống
của ngành cao su", bà Đặng Thị Hoa Mai, đại diện công ty chia sẻ.
Bên cạnh đó, Công ty Cổ phần Cao su Chu Se Kampong
Thom (thuộc VRG) đã đầu tư mạnh vào công nghệ số để nâng cao tính minh bạch và
khả năng truy xuất nguồn gốc. Với diện tích 16.000 ha cao su tại Campuchia,
công ty này cũng đang xây dựng mô hình sản xuất bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế.
NĐT