Các em nhỏ và du khách có thể đến tham quan, trải nghiệm để hiểu thêm về lịch sử văn hoá nói chung và tết Trung thu nói riêng tại không gian trưng bày "Đèn thu lung linh" bắt đầu từ ngày 19/9/2023 đến 29/9/2023.


Không gian trưng bày "Đèn Thu Lung Linh" tại trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội.


Các loại đèn truyền thống được trưng bày trong các gian hàng.

Hoạt động chính của sự kiện này là khi đến đây, du khách có thể thăm quan không gian trưng bày các loại đèn trung thu cổ truyền, dưới hình thức là các gian hàng trên phố cổ xưa. Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội đã phối hợp với nhà nghiên cứu văn hoá Trịnh Bách cùng nghệ nhân các làng nghề chuyên làm đèn Trung thu xưa ở phố cổ (Hà Nội), Thanh Oai (Hà Nội), Báo Đáp (Nam Định), Đông Đô (Bắc Ninh),... phục dựng các mẫu đèn cổ đã bị thất truyền từ những nguyên liệu truyền thống giấy dó, giấy nhiễu, giấy bóng kính, nan tre, mây, hồ dán... Nổi bật nhất là đèn cá chép hoá long, đèn cá chép trông trăng, đèn cua sống, đèn cua chín, đèn thỏ, đèn bướm, đèn tôm, đèn trống....

Bên cạnh đó, vẫn có các gian hàng trưng bày đồ chơi Trung thu truyền thống như ông tiến sĩ giấy, ông đánh gậy trông trăng, mặt nạ giấy bồi, đầu sư tử, trống ếch, trống bồi, tàu thuỷ sắt tây, thỏ đánh trống, tò he, thiên nga nhồi bông....


Các em nhỏ được trải nghiệm cách làm đèn ông sao truyền thống, đa phần đều rất thích thú, chăm chú quan sát từng thao tác và lắng nghe nghệ nhân nói về cách làm đèn.


Nghệ nhân Nguyễn Văn Quyền 85 tuổi đã có hơn 70 năm làm đèn truyền thống. Ông Quyền chia sẻ: “Tôi muốn truyền cảm hứng, đam mê đồ chơi dân gian đến thế hệ trẻ, góp phần bảo tồn nét đẹp văn hoá phi vật thể, lưu truyền lại cách làm đồ chơi dân gian cho các cháu nhỏ, gìn giữ cho muôn đời sau”.


Các loại đèn cổ được trung bày như đèn ông sao 6 cánh, đèn ông trăng hình tròn



"Đèn cua sống" và "Đèn cua chín" là những mẫu đèn cổ độc đáo, cách làm rất phức tạp và mất nhiều thời gian.

 

Đèn cá chép trông trăng.

Các em nhỏ thích thú tham quan tìm hiểu các loại đèn truyền thống. Gian hàng nặn tò he luôn luôn đông khách ghé thăm.


Chăm chú quan sát từng thao tác,hành động của nghệ nhân nặn tò he, đây là trải nghiệm hết sức thú vị với các bạn nhỏ.


Nghệ nhân Nguyễn Thị Tuyết ở Vân Canh, Hoài Đức, Hà Nội đang làm món đồ chơi ông tiến sĩ giấy.


"Đèn con thỏ"


"Đèn kéo quân" có 6 cạnh tượng trưng cho ý nghĩa "Lục thân phụ mẫu" trong dân gian.


Tàu thuỷ sắt tây, món đồ chơi một thời được trẻ em cực kỳ yêu thích.


Bà Nguyễn Hồng Chi - Phó giám đốc Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội chia sẻ: “Chúng tôi mong muốn có thể đem tới những không gian trải nghiệm truyền thống mang tính xưa cũ cho trẻ em và nhân dân thủ đô, để mọi người - nhất là các em nhỏ - có thể trải nghiệm thêm một lần nữa không khí Trung thu truyền thống tại khu di sản”.

Vtv.vn