Năm 2021 là năm chứng kiến lượng
phân bón xuất khẩu tăng cao kỷ lục, đạt 1,35 triệu tấn, trị giá gần 560 triệu
USD, tăng 16,4% về lượng, tăng 64,2% về
trị giá. Giá xuất khẩu phân bón cũng tăng 41,2% so với năm 2020, đạt 413 USD/tấn.
Số liệu của Tổng cục Hải quan cho biết.
Campuchia là thị trường tiêu thụ
phân bón của Việt Nam nhiều nhất, chiếm tới 40,2% trong tổng lượng và chiếm
37,4% trong tổng trị giá xuất khẩu phân bón của cả nước, đạt 544.443 tấn, tương
đương trên 209,18 triệu USD, tăng 29,2% về lượng, tăng 59% về trị giá.
Ngoài Campuchia, thì Việt Nam còn
xuất khẩu phân bón sang thị trường Hàn Quốc 97.789 tấn, tương đương 70,84 triệu
USD, giá trung bình 724,4 USD/tấn, tăng mạnh 379% về lượng, tăng 2.001% về trị
giá.
Mặc dù xuất khẩu ghi nhận tăng mạnh,
giá cũng tăng so với cùng kỳ do mặt bằng giá phân bón thế giới năm qua có nhiều
đợt điều chỉnh tăng, nhiều thị trường khan hiếm phân bón phục vụ sản xuất nông
nghiệp.
Nhưng ở chiều nhập khẩu cũng chứng
kiến sự gia tăng chóng mặt. Tính tổng cộng cả năm 2021 nhập khẩu phân bón của cả
nước đạt 4,54 triệu tấn, trị giá 1,45 tỷ USD, tăng 19,4% về khối lượng, tăng
52,6% về trị giá. Giá nhâp khẩu trung bình các loại phân bón trong năm qua tăng
27,8% về giá so với năm 2020
Trong đó, Trung Quốc là thị trường
chủ đạo cung cấp phân bón các loại cho Việt Nam, chiếm 44,5% trong tổng lượng
và chiếm 42% trong tổng trị giá nhập khẩu phân bón của cả nước, đạt 2,02 triệu
tấn, trị giá 610,29 triệu USD, tăng 27,3% về lượng, tăng 65,6% về trị giá.
Các doanh nghiệp trong nước cũng
nhập một lượng lớn phân bón từ nhiều thị trường Đông Nam Á, với 504.838 tấn, trị
giá 190,44 triệu USD, tăng 37,2% về lượng, tăng 117,4% về trị giá. Tiếp đến thị
trường Nga, với 386.193 tấn, trị giá 143,53 triệu USD, tăng 7,9% về lượng, tăng
30,3% trị giá.
Với mức chi ngoại tệ nhập phân
bón tăng rất mạnh trong năm qua đã đưa nhập siêu phân bón của cả nước lên gần
900 triệu USD.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển
Nông thôn, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, khó lường,
chí phí vận tải tăng cao, chuỗi cung ứng vật tư, nguyên liệu toàn cầu dễ bị đứt
gãy, giá phân bón thế giới đã tăng mạnh từ quý 3/2020 và kéo dài suốt cả năm
2021.
Nhiều loại vật tư nông nghiệp của
nước ta đang phụ thuộc lớn vào nhập khẩu. Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho biết,
mỗi năm Việt Nam cần sử dụng 11 triệu tấn phân bón, trong khi khả năng đáp ứng
của các nhà máy trong nước là khoảng 7,3 triệu tấn.
Do đó, bình quân mỗi năm Việt Nam
phải nhập khẩu 3,5 đến 4 triệu tấn phân bón. Trong đó, các loại phân kali, SA
do trong nước chưa sản xuất được, nên phải nhập khẩu 100% với số lượng khoảng 1
triệu tấn/năm.
Chi phí phân bón hiện chiếm
21-25% trong tổng chi phí sản xuất nông nghiệp. Việc phụ thuộc nguồn cung lớn từ
nhập khẩu trong nhiều thời điểm khiến nông dân lao đao.
Đơn cử, từ đầu năm 2021, giá phân
bón tăng vọt, trung bình tăng từ 60-95% (tùy loại) so với cùng kỳ năm trước,
trong khi giá bán lúa gần như không tăng, việc giá vật tư đầu vào tăng đã đẩy
giá thành sản xuất lúa, rau màu tăng 40-60%, khiến sản xuất nhiều loại cây trồng,
đặc biệt là trồng lúa đang bị lỗ nặng.
Nguyên nhân giá phân bón trong nước
tăng cao là do chịu tác động từ sự tăng giá trên thị trường thế giới. Theo nhận
định của nhiều chuyên gia, và doanh nghiệp, với tình hình dịch bệnh và nguồn
cung nguyên liệu khan hiếm như hiện nay, giá phân bón sẽ còn tăng cao vào đầu
năm 2022.
Hiện, hai nước xuất khẩu phân bón
hàng đầu thế giới là Nga và Trung Quốc đều đưa ra các biện pháp hạn chế xuất khẩu.
Thổ Nhĩ Kỳ là một trong những quốc gia sản xuất phân bón chủ lực ở châu Âu, hiện
cũng đã ngưng xuất khẩu nhiều lô hàng. Việc hàng loạt quốc gia xuất khẩu phân
bón lớn trên thế giới đồng loạt hạn chế xuất khẩu khiến cho giá phân bón trên
thế giới dự kiến sẽ còn tiếp tục ở mức cao kỷ lục trong nửa đầu năm 2022, dự
báo sẽ gây tác động không nhỏ tới giá phân bón ở Việt Nam
Thế Hải - BĐT