Dựa trên nguồn tin từ tờ Politico, theo thỏa thuận này, họ sẽ áp thuế 25% đối với thép và 10% đối với nhôm.

Thỏa thuận này nhằm mục đích tạo ra một “câu lạc bộ gồm các nền kinh tế có cùng chí hướng” và sẽ áp thuế đối với hàng nhập khẩu từ các nền kinh tế được coi là đang rót trợ cấp vào các lĩnh vực quan trọng như thép và công nghệ sạch.

Mỹ và EU vẫn đang đàm phán về phương án lập “câu lạc bộ định hướng toàn cầu” này như một giải pháp cho tranh chấp xuyên Đại Tây Dương về nhôm thép. Những căng thẳng đó có từ thời cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump. Hồi năm 2018, ông Trump đã áp đặt thuế quan cao đối với thép và nhôm nhập khẩu từ khắp nơi trên thế giới, trong đó có cả từ EU, tuyên bố rằng đó là vì lý do an ninh quốc gia.

Theo thông tin từ đề xuất của EU, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đang tìm cách xích lại gần với Mỹ để vượt qua tranh cãi, với mục đích thể hiện một mặt trận thống nhất xuyên Đại Tây Dương nhằm vào Trung Quốc.

Hơn 1 tuần trước đó, khi Tổng thống Mỹ Joe Biden chủ trì hội nghị thượng đỉnh với bà Leyen và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel, các quan chức của Ủy ban châu Âu đang chạy đua để đưa ra những đề xuất cụ thể để các nhà lãnh đạo EU này đề xuất với Washington.

Một trong những kết quả được mong đợi là đạt được “thỏa thuận toàn cầu về thép và nhôm bền vững”, nhằm ngăn cản việc buôn bán thép sử dụng nhiều carbon và ép các nước như Trung Quốc giảm trợ cấp cho sản xuất kim loại gây tổn hại cho các nhà sản xuất Mỹ và châu Âu.

“Ở giai đoạn này, Mỹ và EU coi đây là điểm tham chiếu để áp thuế 25% theo giá trị đối với thép và 10% theo giá trị đối với nhôm, nên được áp dụng trong thời gian ngắn nhất có thể sau khi thỏa thuận được thông qua”, trích từ dự thảo về thoả thuận.

Điều đáng lưu ý là những con số đó tương ứng với mức thuế năm 2018 của cựu Tổng thống Trump, bao gồm cả thuế nhằm vào các nhà sản xuất EU.

Đầu tuần này, các chính phủ EU đã cho phép Ủy ban châu Âu đàm phán tuyên bố chung với Mỹ, nhưng nhiều nước thành viên cảm thấy họ “đã bị gạt ra ngoài lề” trong các cuộc đàm phán chủ yếu do Ủy ban châu Âu tiến hành.

Một nhà ngoại giao EU cho biết: “Quan điểm của Ủy ban châu Âu dường như rất giống cách suy nghĩ của Mỹ, không phải lối suy nghĩ của EU”. Ý tưởng về “câu lạc bộ nhôm và thép” cũng có thể không suôn sẻ với các nước sản xuất thép, những nước có thể muốn kiện EU và Mỹ ra tòa tại Tổ chức Thương mại Thế giới.

Đề xuất mới nhất của Ủy ban châu Âu liệt kê 6 tiêu chí để các quốc gia khác tham gia “câu lạc bộ kim loại”, trong đó một số tiêu chí rõ ràng ám chỉ nhằm vào Trung Quốc. Một tiêu chí yêu cầu rằng nền kinh tế đó phải kiềm chế áp đặt các lệnh cấm xuất khẩu  nguyên liệu thô, đầu vào trung gian và các sản phẩm khác có liên quan.

Trung Quốc đã áp đặt lệnh cấm xuất khẩu hai kim loại quan trọng đối với chất bán dẫn là gali và germani vào đầu tháng 8 năm nay, trong khi Indonesia đã cấm xuất khẩu niken, thành phần chính của thép không gỉ.

Mặc dù cuộc tranh chấp xuyên Đại Tây Dương đã bế tắc trong nhiều năm, nhưng Ủy ban châu Âu và chính quyền Mỹ đang đàm phán nhằm đưa ra giải pháp. Để làm như vậy, họ thậm chí còn lùi thời hạn tự đặt ra để đạt được thỏa thuận từ cuối tháng 10 này đến ngày 1/1/2024.

Tuy nhiên, bất chấp áp lực về thời gian, vẫn có sự chia rẽ giữa Washington và Brussels về chi tiết của thỏa thuận. Quan chức thương mại hàng đầu của Mỹ Katherine Tai đã thừa nhận điều này hôm 10/10, nói rằng các đề xuất của Mỹ “rất, rất khó” để EU chấp nhận.

IVT