Trong tuyên bố của Bộ Thương mại Ấn Độ, Chính phủ sẽ áp giá sàn 1,200 USD/tấn với gạo basmati xuất khẩu. Mục tiêu là để ngăn chặn một số thương lái cố gắng buôn lậu gạo trắng non-basmati (một loại gạo đã bị cấm xuất khẩu trước đó) dưới dạng gạo basmati.

Trước đó, xứ sở cà ri cũng áp thuế xuất khẩu 20% với gạo đồ trong ngày 25/08. Như vậy, Ấn Độ đã cấm hoặc áp biện pháp hạn chế với hoạt động xuất khẩu nhiều loại gạo khác nhau, từ đó siết nguồn cung gạo trên toàn cầu. Trong năm 2022, Ấn Độ chiếm 40% thương mại gạo trên thế giới.

Trên thực tế, đây là những nỗ lực của Thủ tướng Narendra Modi nhằm hạ nhiệt giá thực phẩm nội địa trước cuộc tổng bầu cử vào đầu năm 2024.

Giá gạo còn có thể tăng thêm

Trước đó, gạo châu Á đã tăng lên đỉnh gần 15 năm và các chuyên gia cho rằng còn có thể tăng hơn nữa sau động thái của Ấn Độ. Điều này sẽ tạo lợi ích cho các quốc gia mạnh về xuất khẩu gạo như Thái Lan, Việt Nam, nhưng lại gây thiệt hạivới các quốc gia nhập khẩu gạo như Philippines và một số quốc gia châu Phi.

Với việc áp thuế xuất khẩu với gạo đồ, giá nội địa sẽ giảm và từ đó hạ nhiệt phần nào giá thực phẩm, B.V. Krishna Rao, Chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Ấn Độ (IREA), cho biết trong ngày 26/08.

“Tuy nhiên, giá gạo toàn cầu sẽ tăng và người mua sẽ buộc phải hứng chịu thiệt hại. Ngoài ra, người mua và người bán sẽ phải tái đàm phán với một số hợp đồng”, ông cho biết.

Gạo đang là lương thực thiết yếu với một nửa dân số trên thế giới. Các biện pháp hạn chế của Ấn Độ được đưa ra ngay khi giá thực phẩm còn ở mức cao. Ngoài ra, tình hình thời tiết bất lợi cũng đe dọa tới nguồn cung gạo, ngũ cốc trên toàn cầu.

“Đòn đau” với nhiều quốc gia nhập khẩu gạo

Nhiều chuyên gia lo ngại các biện pháp của Ấn Độ sẽ gây nhiều thiệt hại cho các quốc gia nghèo hơn vốn vẫn đang chật vật hồi phục trong thời hậu đại dịch.

Gạo đồ là loại gạo thu được từ thóc được ngâm nước nóng hoặc sấy trong hơi nước rồi phơi khô, sau đó mới được gia công chế biến qua các công đoạn chế biến khác như xay, xát, đánh bóng.

Gạo đồ chiếm khoảng 1/3 xuất khẩu gạo của Ấn Độ. Xứ sở cà ri trước đó đã cấm xuất khẩu gạo trắng non-basmati, hạn chế xuất khẩu lúa mì, đường và hạn chế dự trữ một số nông sản.

Ấn Độ cũng đang cân nhắc bỏ thuế nhập khẩu 40% với lúa mì, đồng thời bán ra cà chua, hành tây và ngũ cốc trong kho dự trữ quốc gia để cải thiện nguồn cung nội địa.

Chính phủ Ấn Độ cho biết với các nhà xuất khẩu đã có thư tín dụng (LC) trước khi có quy định mới về gạo đồ, họ vẫn sẽ cho phép xuất khẩu lô hàng đó. Thuế xuất khẩu với gạo đồ sẽ duy trì hiệu lực tới ngày 15/10.

Bộ Thương mại Ấn Độ cho biết quyết định áp giá sàn với giá gạo basmati được đưa ra sau khi họ nhận thấy chênh lệch lớn trong giá xuất khẩu. Trong một số trường hợp, loại gạo này được bán ở mức 359 USD/tấn, trong khi giá xuất khẩu trung bình ở mức 1,214 USD/tấn trong tháng này.

Theo Bộ Thương mại Ấn Độ, Chính phủ sẽ lập một hội đồng để đánh giá các hợp đồng gạo Basmati có giá bán thấp hơn 1,200 USD và sau đó công bố báo cáo đánh giá trong vòng 1 tháng.

IVT