Từ đồ thờ cúng, lồng đèn, khay bánh kẹo, hoa giả, nến thơm cho đến phụ kiện trang trí Tết, quần áo, mỹ phẩm, đồ ăn vặt có xuất xứ từ Trung Quốc được bày bán la liệt khắp các sập hàng của người bán.
Cùng với nhu cầu
mua sắm tăng vọt cuối năm, xu hướng nhập hàng Trung Quốc bán dịp Tết lan rộng từ
chợ truyền thống, cửa hàng bán lẻ đến điểm bán thời vụ. Lý do là vì lợi nhuận
cao, nhẹ vốn, giá rẻ, mẫu mã đa dạng thu hút người mua.
Từ tháng 10 - 2024,
vợ chồng chị Nguyễn Thu Huệ (bán đồ gia dụng, đồ trang trí, thờ cúng ở chợ Tân
Định, quận 1, TP.HCM) đã chuyển hướng tìm thêm nguồn hàng tại Trung Quốc.
"Tôi để ý
nhiều năm bán hàng gia dụng, đồ trang trí Tết, hễ ai ra chợ mua đều có suy nghĩ
mua hàng rẻ rẻ, thường thường. Mua hàng xịn sẽ không bao giờ chọn ra chợ”.
Lấy hàng trong nước
mấy năm rồi bán buôn chẳng lời mấy. Muốn rẻ mà đẹp chỉ có hàng Trung Quốc. Mua
giỡn bán thật, mua một, bán... mười mà khách vẫn thấy rẻ",
chị Huệ nói.
Khay đựng bánh kẹo
Tết bắt trend (xu hướng) theo từng năm, hay có hình trái tim, hình tháp, hình
bông hoa rất bắt mắt, sang trọng... có mức giá khoảng 200.000 - 250.000 đồng;
hay bộ ấm pha trà với hoa văn rất Trung Quốc có mức giá 180.000 đồng, hoặc hoa
giả làm gần giống như hoa thật có mùi hương thoang thoảng, có mức khoảng 10.000
đồng/cành.
Trong khi các mặt
hàng này sản xuất trong nước có mức giá cao hơn. Chẳng hạn khay đựng bánh kẹo,
bộ ấm pha trà mức 500.000 đồng đến hơn 1 triệu đồng; thủ phủ hoa giấy (đường 3
Tháng 2, TP.HCM) bán 50.000 - 100.000 đồng/cành...
Hàng nội địa giá
nhập gấp đôi nhưng lợi nhuận, theo chị Huệ, chỉ được 7 - 10% sau khi trừ đi kho
bãi, chi phí duy trì sạp. Hàng Trung Quốc lợi nhuận sau cùng khoảng 40 - 50%,
có loại hàng 70 - 80% với điều kiện lấy tận gốc.
Tương tự, đồ thờ
cúng, lồng đèn, nến thơm (đầy đủ các mùi nến thơm sáp đậu nành, gel, nến thơm
thuần chay...) có giá chỉ vài chục ngàn đồng đến dưới 100.000 đồng/món đồ.
"Giá từng
món đồ rẻ nhưng quan trọng là người mua cầm lên hỏi hàng Trung Quốc phải không
và họ chấp nhận mua không trả giá. Tìm được nguồn hàng tận gốc bán dịp Tết cũng
có thể nói bù đắp lại bán buôn ế ẩm trong năm", chị Huệ nói thêm.
Theo ghi nhận trên
nhiều diễn đàn và chợ, những người săn hàng Trung Quốc bán Tết rất đông, nhiều
người từng chỉ bán hàng Việt nay cũng chuyển hướng.
Như chị N.T.L. (cửa hàng kinh doanh quần áo ở quận 5) cho hay hằng năm tháng 9 đã rục rịch "vay nóng" để có tiền nhập hàng bán Tết. Năm nay chị không hề có áp lực nào về chuyện tiền bạc để lấy hàng. Lý do, chị chuyển hẳn sang hàng của "bạn láng giềng".
Nhẹ vốn, mẫu mã đa
dạng, vận chuyển nhanh, lấy hàng tận gốc... là ưu điểm của nguồn hàng Trung Quốc
mà chị N.T.L. lựa chọn bán Tết.
Chị chia sẻ:
"Vừa bán lẻ tại cửa hàng, tôi còn phân phối các mối khác và đi tỉnh.
"Tiền nào của nấy" nên rất dễ bán. Kiếm lời dễ hơn nhiều so với hàng
các thị trường khác".
Bên cạnh việc mua
sắm để trang trí nhà cửa, Tết luôn đánh dấu sự tăng vọt của sản phẩm công nghệ
và phụ kiện đi cùng. Dù chưa một lần kinh doanh nhưng anh Nguyễn Trí Thiên (quận
5) chia sẻ "quyết đi buôn" hàng Trung Quốc với tai nghe bluetooth,
loa nghe nhạc, đồng hồ thông minh, ốp lưng điện thoại.
Giá bán thì phong
phú, từ 10.000 đồng/dây sạc đến đắt nhất 200.000 đồng/tai nghe không dây. 20%
là khoản lời anh Thiên thu về/món hàng. Với hàng Việt Nam, hàng điện tử rẻ nhất
phải rơi vào mức 150.000 - 200.000 đồng/món, lời chỉ 5%.
Anh Thiên cho biết:
"Năm nay tôi nhập hàng Trung Quốc qua một mối ở chợ Kim Biên (quận 5)
và chợ Bình Tây (quận 6). Tôi bỏ vốn chỉ 5 triệu đồng, nhẹ hều. Tôi bán hàng Tết
tại nhà và trên sàn thương mại điện tử".
Không chỉ đồ công
nghệ sức mua lớn, theo ghi nhận các mặt hàng giá rẻ đang hút khách còn là đồ ăn
vặt nội địa Trung Quốc, nhất là các loại bánh "làm mưa làm gió" với
giới trẻ như: bánh mochi, bánh quy trứng muối, bánh bông lan phủ ruốc, bánh sô
cô la tan chảy... chỉ vài ngàn đồng/bánh.
Nhiều tiểu thương
cho hay kinh doanh mỹ phẩm dịp Tết cũng đang tốt, đặc biệt mặt nạ dưỡng da có
giá 10.000 - 14.000 đồng/miếng đến từ các hãng mỹ phẩm nội địa Trung Quốc, người
bán có thể lời 50%, trong khi mặt nạ dưỡng da nội địa giá rẻ khoảng 35.000 đồng/miếng,
nhưng chỉ lời khoảng 2.000 - 3.000 đồng/miếng...
Đánh giá câu chuyện
dịp Tết, xu hướng kinh doanh hàng Trung Quốc như "bùng nổ" trong năm
nay, ông Nguyễn Thành Nam (nhân viên thị trường hàng Trung Quốc, thuộc một công
ty xuất nhập khẩu ở quận Tân Bình) cảnh báo: Phải chọn cẩn thận loại hàng và hiểu
biết về điều kiện kinh doanh. Nếu không tìm được nguồn hàng chất lượng, giá tốt,
lợi nhuận thu về chưa chắc đã cao.
Một lãnh đạo doanh
nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng Việt thì cho hay xu hướng nhập hàng Trung Quốc về
Tết này mạnh, một phần vì doanh nghiệp nội khó khăn, không đủ lực tung ra
chương trình giảm giá mạnh hay hỗ trợ người bán.
Phần khác là sự tiếp
sức của thương mại điện tử, hàng Trung Quốc ngày càng dễ tiếp cận. Vị này công
nhận doanh nghiệp Việt cần chấp nhận cạnh tranh, tuy nhiên nhấn mạnh Nhà nước cần
tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, tránh hàng không rõ nguồn gốc tràn vào và
hàng ngoại rẻ chủ yếu nhờ né thuế, không phải lo hậu mãi, nhờ trà trộn hàng
nhái.
"Doanh nghiệp
Việt sản xuất nhái nhãn mác dễ bị xử lý nặng. Nhưng nếu để hàng ngoại giả nhãn
mác giá siêu rẻ tràn ngập thì Việt Nam dễ thành thiên đường hàng giả, hàng
nhái. Doanh nghiệp sản xuất chân chính khó mà cạnh tranh nổi", lãnh đạo một
doanh nghiệp dệt may nói.
Quan sát "hành trình" hàng Trung Quốc về tay người tiêu dùng Việt, nhất là dịp Tết, một lãnh đạo Sở Công Thương TP.HCM cho rằng người kinh doanh nhập hàng Trung Quốc tại chợ đầu mối Việt Nam; hay nhập qua cá nhân, kho sỉ, qua các sàn thương mại điện tử... cần lưu ý trước tiên đến nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng để tránh rắc rối pháp lý khi bị kiểm tra.
"Các thông
tin in trên bao bì, trên sản phẩm phải rõ; phải có đầy đủ thông tin theo quy định,
như tên sản phẩm, thông tin về nơi sản xuất, ngày sản xuất...; hạn sử dụng nếu
là thực phẩm, định lượng, thành phần, hướng dẫn sử dụng, hướng dẫn bảo quản,
thông tin cảnh báo.
Đối với sản phẩm
nhập khẩu thì phải có nhãn phụ thể hiện những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt",
vị này lưu ý.