Phi cơ chở khách thân hẹp C919 do Trung Quốc sản xuất khởi hành từ Thượng
Hải đến Bắc Kinh, đánh dấu lần đầu tiên bay thương mại.
Chuyến bay số hiệu MU9191 của China Eastern Airlines cất cánh tại sân bay
Hồng Kiều, Thượng Hải lúc 10h30 ngày 28/5 (9h30 giờ Hà Nội), chở theo 130 hành
khách. Máy bay dự kiến hạ cánh tại sân bay quốc tế quốc tế thủ đô Bắc Kinh lúc
13h10.
Cảnh quay trên đài truyền hình CCTV cho thấy hàng chục hành khách tập
trung tại sân bay Thượng Hải để chiêm ngưỡng phi cơ màu trắng. Sau đó, họ xếp
hàng lên máy bay trước khi cất cánh.
Máy bay C919 cất cánh tại sân bay Hồng Kiều,
Thượng Hải ngày 28/5.Ảnh chụp: CCTV
Boyuan, sinh viên 21 tuổi đam mê hàng không, có mặt tại sân bay Thượng Hải
để bắt chuyến bay đến Thành Đô và sẽ trở lại Thượng Hải bằng máy bay C919 vào
hôm sau. "Tôi thực sự mong chờ chuyến bay, đặc biệt bởi nó là máy bay
thế hệ mới, không giống Boeing và Airbus", Boyuan nói.
Theo CCTV, hành khách nhận được vé máy bay màu đỏ và sẽ được thưởng thức
bữa ăn đặc biệt để kỷ niệm máy bay nội địa đầu tiên đi vào hoạt động.
C919 là máy bay chở khách cỡ lớn đầu tiên do Trung Quốc sản xuất. Máy bay do Tập đoàn Hàng không Thương mại Trung Quốc (COMAC) thuộc sở hữu nhà nước chế tạo, nhưng nhiều bộ phận có nguồn gốc từ nước ngoài. COMAC bắt đầu phát triển C919 cách đây 15 năm.
Trung Quốc đã đầu tư rất nhiều vào việc sản xuất máy bay trong nước,
trong bối cảnh tìm cách tự túc về các công nghệ chủ chốt. Bắc Kinh hy vọng C919
sẽ thách thức các mẫu máy bay phổ biến của nước ngoài như Boeing 737 MAX và
Airbus A320.
Từ ngày 29/5, C919 sẽ hoạt động trên tuyến bay thường lệ của China
Eastern giữa Thượng Hải và thành phố Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên, tây nam Trung Quốc.
"Trong tương lai, hầu hết hành khách sẽ có thể lựa chọn di chuyển bằng máy
bay cỡ lớn được sản xuất trong nước", theo CCTV.
Hành khách chụp ảnh với máy bay chở khách C919
tại sân bay Hồng Kiều, Thượng Hải ngày 28/5. Ảnh: AFP
Hãng China Eastern đặt mua 5 chiếc C919, sức chứa 164 hành khách vào
tháng 3/2021 và nhận chiếc đầu tiên vào tháng 12/2022. Hãng cho biết dự kiến nhận
4 chiếc máy bay còn lại trong năm nay.
Zhang Yujin, phó tổng giám đốc COMAC, nói hồi tháng 1 rằng tính đến tháng
12 năm ngoái, công ty đã nhận được hơn 1.200 đơn đặt hàng máy bay C919 từ 32
khách hàng. COMAC lên kế hoạch tăng công suất sản xuất hàng năm lên 150 mẫu
trong vòng 5 năm.
C919 thực hiện chuyến bay đầu tiên vào năm 2017 sau nhiều năm trì hoãn và
thực hiện nhiều chuyến bay thử nghiệm kể từ đó. "Đối với C919, thị trường
nội địa là đủ lớn", Li Hanming, chuyên gia độc lập về ngành hàng không
Trung Quốc, cho biết.
Greg Waldron, biên tập viên khu vực châu Á của ấn phẩm FlightGlobal, cho
rằng hiện C919 chưa thể tiếp cận thị trường quốc tế do chưa được Cơ quan An
toàn Hàng không Liên minh châu Âu (EASA) và Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA)
chứng nhận.
Châu Á, trong đó có Trung Quốc, là những thị trường mục tiêu chính của cả
Airbus và Boeing, vốn đang tìm cách tận dụng nhu cầu đi lại bằng đường hàng
không ngày càng tăng của tầng lớp trung lưu những nước này. Tháng trước, Airbus
cho biết họ tăng gấp đôi năng lực sản xuất tại Trung Quốc, ký thỏa thuận thứ
hai về xây dựng dây chuyền lắp ráp cuối cùng cho A320 tại Thiên Tân.
Địa điểm lắp ráp đầu tiên ở Thiên Tân mở cửa năm 2008 và sản xuất 4 chiếc A320 mỗi tháng. Airbus hy vọng sẽ tăng lên 6 chiếc mỗi tháng trước cuối năm nay.
Theo VNE