Kết thúc năm 2024, theo báo cáo tài chính, Công ty CP May Sông Hồng (MSH) ghi nhận doanh thu 5.280 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 442 tỷ đồng, tăng lần lượt 16,26% và 80,43% so với cùng kỳ năm trước.

Theo văn bản giải trình gửi đến Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HOSE), Phía doanh nghiệp cho biết, trong năm 2024 công ty ký được nhiều đơn hàng và tiết kiệm các chi phí hoạt động nên doanh thu và lợi nhuận đều tăng cao. Mức lợi nhuận của MSH ghi nhận là cao nhất trong các doanh nghiệp cùng ngành trong năm 2024 (xét trên quy mô công ty mẹ)

Thị trường xuất khẩu chủ yếu của MSH là Mỹ, chiếm khoảng 80% tổng doanh thu xuất khẩu. Kể từ tháng 9/2024 đến nay, tỷ giá USD/VND liên tục tăng mạnh, thường xuyên dao động gần mức trần do Ngân hàng Nhà nước quy định. Sự mạnh lên của đồng USD giúp MSH tận dụng được lợi thế từ nguồn thu ngoại tệ cao hơn, qua đó hỗ trợ cải thiện biên lợi nhuận của doanh nghiệp.

Hiện nay, May Sông Hồng sở hữu hơn 20 xưởng sản xuất được tập trung tại tỉnh Nam Định và lực lượng lao động lên tới khoảng 15.000 người. Nhờ đó, MSH đã khẳng định được vị thế là một trong những nhà sản xuất hàng may mặc và chăn ga gối đệm lớn hàng đầu tại Việt Nam. Sản phẩm chủ lực của May Sông Hồng chủ yếu là các mặt hàng có giá trị cao như áo khoác, áo jacket, áo vest, cùng các sản phẩm chăn ga gối chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu chủ yếu sang các thị trường quốc tế.

Ở diễn biến khác, năm 2024 được đánh giá là một năm thành công của ngành may mặc Việt Nam. Mặc dù nửa đầu năm gặp khó khăn với tình hình đơn hàng căng thẳng, nhưng sự bất ổn chính trị tại một số quốc gia sản xuất lớn như Bangladesh đã mở ra cơ hội cho doanh nghiệp dệt may Việt Nam giành lấy đơn hàng. Nhờ vậy, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành vẫn đạt mục tiêu 44 tỷ USD, tăng 11% so với năm 2023.

Dự báo cho năm 2025, các chuyên gia kỳ vọng đơn hàng sẽ tiếp tục cải thiện nhờ nhu cầu tiêu dùng tại các thị trường xuất khẩu trọng điểm phục hồi nhẹ. Hơn nữa, hàng tồn kho của các nhà bán lẻ thời trang lớn trên thế giới vào cuối năm 2024 đã đạt mức hợp lý, tạo điều kiện cho việc bổ sung hàng tồn kho mới trong tương lai. Bên cạnh đó, xu hướng chuyển dịch chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc tiếp tục mở ra cơ hội mới cho ngành dệt may Việt Nam.

KTCK