“Barie” được dựng
Công nghiệp hóa chất đã được Đảng, Nhà nước
quan tâm trong suốt giai đoạn hình thành và phát triển ngành, đã có những đóng
góp quan trọng trong đảm bảo an ninh lương thực của nhiều thập kỷ trước và đồng
hành, hỗ trợ quá trình công nghiệp hoá, phát triển kinh tế, xã hội trong những
thập kỷ gần đây.
Việc hình thành các khu công nghiệp hoá chất
tập trung sẽ góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tạo động lực
cho phát triển công nghiệp hóa chất
Tuy nhiên, thời gian qua một số địa phương
quan niệm và nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của phát triển công nghiệp
hóa chất chưa đầy đủ, lo ngại nguy cơ ô nhiễm và nguy hiểm, dẫn đến các chủ
trương phát triển của nhiều địa phương là không thu hút đầu tư công nghiệp hóa
chất. Thậm chí, cương quyết nói không với các lĩnh vực sản xuất giấy, bột giấy
từ nguyên liệu thô; chế biến tinh bột sắn; chế biến mủ cao su chưa sơ chế; sản
xuất hóa chất cơ bản; thuộc da, sơ chế da… Thay vào đó là một số ngành nghề dịch
vụ, du lịch, công nghiệp chế biến, chế tạo khác.
Với những quan niệm này gây khó khăn cho
các nhà đầu tư, cản trở sự phát triển của công nghiệp hóa chất, trong khi đây
là một trong những ngành công nghiệp nền tảng, làm tiền đề hỗ trợ cho nhiều
ngành công nghiệp cũng như cung cấp các sản phẩm thiết yếu quan trọng khác.
Theo Cục Hóa chất (Bộ Công Thương), đối với
việc thu hút đầu tư và ngành hóa chất, yếu tố công nghệ là cốt lõi. Một lý do nữa,
ngành hóa chất hiện nay gặp khó trong đầu tư là vấn đề về vốn. Theo đó, các
doanh nghiệp tư nhân sẽ khó có thể đáp ứng. Bên cạnh đó, ở Việt Nam doanh nghiệp
còn dè dặt trong việc đầu tư, khi nguồn vốn quá lớn, khả năng làm chủ công nghệ
còn yếu.
Một số chuyên gia kinh tế cũng chỉ ra,
công nghiệp hóa chất đứng trước một số khó khăn như quan điểm nhận thức của một
bộ phận dân cư, chính quyền địa phương về vị trí, vai trò, tiềm năng cũng như sự
cần thiết phải phát triển công nghiệp hóa chất. Hiện công nghiệp hóa chất còn
thiên về hướng an toàn e ngại sự cố hóa chất, sự cố môi trường cũng như ảnh hưởng
đến chính trị, an toàn, an sinh xã hội. Vì vậy, thiếu các dự án có quy mô lớn,
công nghệ hiện đại, làm hạt nhân, làm đầu tàu, thu hút các dự án vệ tinh.
Thêm nữa, hiện nay nhiều địa phương xem
hóa chất là ngành nguy hiểm, có chủ trương không tiếp nhận các dự án hóa chất.
Đây được coi là điểm nghẽn của phát triển công nghiệp hóa chất, đã có những dự
án được địa phương tiếp nhận, đầu tư xây dựng bước đầu, nhưng sau đó lại phải dừng
lại vì địa phương đánh giá thấy nguy cơ đến môi trường, phía địa phương đã chủ
động đề nghị doanh nghiệp không tiếp tục đầu tư nữa.
Cục Hóa chất cho hay, tổng sản lượng công
nghiệp hoá chất Việt Nam hàng năm chiếm khoảng 10-11% tổng giá trị GDP ngành
công nghiệp, lực lượng lao động chiếm gần 10% và có năng suất lao động cao 1,36
lần năng suất lao động trung bình của toàn ngành công nghiệp do có mức độ tự động
hoá khá cao. Theo tính toán, sau khi các dự án đang triển khai hoàn thành và hoạt
động ổn định, giá trị tổng sản lượng ngành công nghiệp hóa chất chiếm tỷ trọng
từ 13-14% toàn ngành công nghiệp.
Báo cáo của Cục Hóa chất cũng nhìn nhận,
các dự án mới, đặc biệt là các dự án hóa dầu, hóa dược, hóa chất cơ bản góp phần
khiến cho chủng loại sản phẩm hóa chất trong nước sản xuất đa dạng hơn. Tuy
nhiên, những sản phẩm công nghệ cao trong nước vẫn chưa sản xuất được, nguyên
liệu đầu vào còn phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu. Như với ngành phân bón, trừ
phân bón Kali và SA phải nhập khẩu do trong nước không có lợi thế về nguyên liệu,
ngành phân bón Việt Nam đã cung cấp đủ cho các nhu cầu nội địa hầu hết các loại
phân bón.
Về hoá chất cơ bản, Việt Nam chủ yếu mới sản
xuất được một số sản phẩm hóa chất cơ bản vô cơ thông dụng như H2SO4, HCl,
H3PO4, xút… Đối với hóa chất cơ bản hữu cơ trong nước hầu như chưa sản xuất được.
Đối với hoá dầu, hiện nay Việt Nam mới chỉ
sản xuất được nhựa PVC, PP, phụ gia hoá dẻo DOP, xơ sợi tổng hợp từ các nguyên
liệu trung gian nhập khẩu. Trong những năm gần đây, ngành hóa dầu được quan tâm
đầu tư mạnh mẽ với nhiều dự án lớn như Nghi Sơn, Long Sơn, Hyosung và một số dự
án dưới dạng tổ hợp công nghiệp (Tổ hợp công nghiệp hóa dầu Dung Quất, Nghi
Sơn, Long Sơn, Hyosung); một số khu, cụm công nghiệp tập trung nhiều doanh nghiệp
hóa chất như: Đình Vũ, Phú Mỹ - Cái Mép, khu công nghiệp Tằng Loỏng, Lào Cai...
Thời gian qua cũng đã có nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn trong nước rất quan tâm đến đầu tư về công nghiệp hoá chất. Điều này sẽ trở thành hiện thực nếu có cơ chế chính sách khuyến khích hợp lý và sự đồng thuận của các địa phương.
Chuyên gia cũng nêu rõ quan điểm, tại thời điểm này, đầu tư các dự án công nghiệp hóa chất với công nghệ mới có thể giảm thiểu đến mức độ tối đa vấn đề ô nhiễm môi trường, bảo đảm về quy chuẩn, tiêu chuẩn của Luật Môi trường và quy chuẩn, tiêu chuẩn chung về môi trường thế giới. Thế nhưng vẫn có tình trạng rất nhiều địa phương nói không và từ chối đầu tư phát triển các lĩnh vực công nghiệp trọng điểm. Đó là vấn đề rất đáng quan ngại. Nếu ngành công nghiệp nào cũng cho là ô nhiễm thì làm sao đất nước có thể phát triển được?
Xây dựng nền công nghiệp hóa chất thân thiện
hơn với môi trường
Việc hình thành các khu công nghiệp hoá chất
tập trung sẽ góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tạo động lực
cho phát triển công nghiệp hóa chất, hứa hẹn đem lại diện mạo mới cho ngành
công nghiệp hóa chất Việt Nam về một ngành công nghiệp xanh và hiện đại.
Hiện nay, bước đầu đã có 5 địa phương là
Quảng Ngãi, Thanh Hóa, Bà Rịa - Vũng Tàu, Ninh Thuận và Bình Thuận rất ủng hộ,
và chủ trương thu hút xây dựng các khu công nghiệp hoá chất tập trung tại địa
phương. Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tích cực phối hợp với các bộ,
ngành, địa phương tham mưu, đề xuất xây dựng khung khổ pháp luật, xây dựng các
chính sách hỗ trợ đủ mạnh làm tiền đề cho ngành công nghiệp hóa chất phát triển
thành ngành công nghiệp nền tảng hiện đại.
Tại Chiến lược phát triển ngành công nghiệp
hóa chất Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040 nêu rõ, cần có các chính
sách thu hút FDI trong lĩnh vực công nghiệp hóa chất từ số lượng sang chất lượng
và có trọng tâm, trọng điểm, khuyến khích các dự án FDI đầu tư vào các lĩnh vực,
sản phẩm ưu tiên, các dự án sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, thân thiện
môi trường, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao.
Chiến lược khẳng định, mục tiêu là đến năm
2040, công nghiệp hóa chất Việt Nam được phát triển với đa số các phân ngành có
công nghệ tiên tiến chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, tham gia sâu
vào chuỗi giá trị toàn cần, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, cạnh tranh
bình đẳng trong hội nhập quốc tế; bước đầu chủ động trong các khâu nghiên cứu,
thiết kế, chế tạo, làm chủ công nghệ sản xuất một số sản phẩm chất lượng cao;
phát huy nội lực, góp phần vào phát triển một nền kinh tế Việt Nam độc lập, tự
chủ.
Cụ thể, phấn đấu tốc độ tăng trưởng công
nghiệp ngành hóa chất đạt bình quân từ 10 - 11%/năm và tỷ trọng ngành công nghiệp
hóa chất so với toàn ngành công nghiệp đạt khoảng 4 - 5% vào năm 2030; giai đoạn
đến năm 2040, tốc độ tăng trưởng công nghiệp ngành hóa chất đạt bình quân từ 7
- 8%/năm và tỷ trọng ngành công nghiệp hóa chất so với toàn ngành công nghiệp
duy trì khoảng 4-5%.
Để hiện thực hoá mục tiêu của Chiến lược
phát triển ngành công nghiệp hóa chất Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm
2040, ngày 16/5/2024, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ký Quyết định số 1189/QĐ-BCT
về việc Ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển công nghiệp hóa chất
Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040.
Kế hoạch nhằm cụ thể hoá các yêu cầu tổ chức
thực hiện Chiến lược phát triển công nghiệp hoá chất; thể hiện tính chủ động,
sáng tạo của từng đơn vị và sự hợp tác giữa các đơn vị trong và ngoài ngành
Công Thương trong việc thực hiện nhiệm vụ, giải pháp và đạt được mục tiêu đề ra
tại Chiến lược phát triển công nghiệp hoá chất. Đồng thời, đảm bảo sự nhất quán
với việc tổ chức thực hiện, các chương trình hành động của Chính phủ thực hiện
các nghị quyết của Đảng, các chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của
đất nước và ngành Công Thương trong từng thời kỳ.
Theo Duy Anh - BCT