Hình ảnh những cành đào trơ trụi sau bão nay đã phủ đầy nụ hồng li ti, báo hiệu mùa Xuân tươi mới đang đến gần. Dưới bàn tay chăm sóc tận tâm của người nông dân, những gốc đào từng chịu cảnh ngập úng đã hồi phục đáng kể.
Anh Trần Duy Thuần
(25 tuổi, chủ vườn đào Tuấn Việt) chia sẻ, để cứu những cây bị ảnh hưởng, anh
đã phải dồn về một vườn mới, thay nước, tôn cao đất và áp dụng các kỹ thuật
chăm sóc kỹ lưỡng hơn. “Nhà tôi bị ngập khoảng 400 cây không cứu được, đành
phải đem đi đốt. Hiện vườn còn 700 cây đã hồi phục rất tốt” – anh Thuần cho
biết.
Trong khi đó, ông
Đỗ Văn Kim (78 tuổi), người có gần 25 năm kinh nghiệm trồng đào thừa nhận năm
nay thời tiết khắc nghiệt, không chỉ do bão lũ mà còn vì nguồn nước bị ô nhiễm
nặng, khiến việc chăm sóc cây đào trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. “Chỉ cần
nước ngập đến đâu là cây thối ngay đến đó. Chăm sóc đào năm nay đòi hỏi kinh
nghiệm, công sức và sự tỉ mỉ hơn rất nhiều” - ông Kim chia sẻ.
Những vườn đào Nhật
Tân hiện đã hoàn thành tuốt lá. Người dân Nhật Tân tin rằng chỉ trong vòng 20
ngày nữa, những cành đào rực rỡ sẽ khoe sắc, mang lại niềm vui và may mắn cho
khắp mọi nhà.
Không kém phần sôi
động, làng quất Tứ Liên cũng đã vượt qua giai đoạn khó khăn để hồi sinh những
vườn cây từng chìm trong biển nước lũ. Ba tháng sau thiên tai, màu nâu xám ảm đạm
hôm nào nay đã nhường chỗ cho những màu xanh tươi mới, đan xen sắc vàng óng ánh
của những quả quất trĩu cành.
Màu nâu xám ảm đạm
cách đây 3 tháng đã nhường chỗ cho những màu xanh tươi mới, đan xen sắc vàng
óng ánh của những quả quất trĩu cành.
Gặp lại chị Đoàn
Thị Thơm (45 tuổi, vườn quất Thế Anh), trong ánh mắt và lời nói của chị đã phấn
khởi hơn so với lần trò chuyện trước đây. “Nhà tôi trồng 2.500 cây quất
nhưng bão lũ đã làm thiệt hại mất 1.500 cây, còn lại 1.000 cây sống sót nhờ sơ
tán kịp thời. Dù con số này chỉ bằng một nửa mọi năm, tôi vẫn rất mừng vì chất
lượng cây trồng không hề giảm sút” - chị Thơm phấn khởi chia sẻ.
Hiện tại, nhờ đất trồng được cải tạo kịp thời và các biện pháp chăm sóc chuyên sâu, hơn 95% số quất còn lại tại vườn đã phục hồi. “Cây nào cũng cho trái đầy cành, chắc chắn sẽ đáp ứng đủ nhu cầu chơi quất của bà con dịp Tết” - chị Thơm cho biết.
Theo báo cáo của
UBND quận Tây Hồ, tổng diện tích cây trồng, hoa màu trên địa bàn quận bị thiệt
hại khoảng 179,05ha, trong đó diện tích đào bị thiệt hại 65,5ha, quất là
27,5ha. Tuy số lượng cây giảm đi đáng kể so với các năm trước nhưng nhờ sự nỗ lực
không ngừng, các nhà vườn vẫn tự tin rằng đào và quất còn lại sẽ đáp ứng phần lớn
nhu cầu thị trường.
Những ngày này,
không khí tại các vườn đào, quất trở nên nhộn nhịp hơn bao giờ hết. Xe cộ ra
vào tấp nập, người mua từ khắp nơi đã đến chọn cây từ rất sớm. Anh Trần Duy Thuần
chia sẻ: "Hiện tại, hơn một nửa số cây trong vườn đã được khách đặt trước.
Mặc dù việc chăm sóc và phục hồi năm nay gặp nhiều khó khăn, tôi vẫn cố gắng đảm
bảo chất lượng và giá cả tốt nhất”.
Theo anh Thuần, nếu
có thay đổi về giá, đó chỉ là sự điều chỉnh nhẹ khoảng 10% để phù hợp với chi
phí tăng lên nhưng vẫn giữ sự hợp lý để mang đến sự hài lòng cho người dân chơi
Tết. Đây là mùa mà ai cũng cần sự sẻ chia để mọi người yên tâm sắm sửa đón Tết,
nhất là trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn.
Cùng chung niềm
tin đó, Phó Chủ tịch Hội Làng nghề quất cảnh Tứ Liên Bùi Thế Mạnh cho biết, giá
nguyên vật liệu, thuốc bảo vệ thực vật, chi phí nhân công… tăng cao đã tác động
đến giá bán cây quất. Dù vậy, theo ông Mạnh, cây quất vẫn luôn là một phần
không thể thiếu trong không khí Tết ấm áp của mỗi gia đình và dù giá có nhích
lên, người dân vẫn lựa chọn mua vì sự gắn bó với truyền thống.
Trưởng phòng Kinh
tế quận Tây Hồ Trần Gia Hùng cho biết, quận đã vận động bà con trồng đào, quất
và Hội làng nghề cam kết không tăng giá đột biến, không nâng giá để tạo ra sự
khan hiếm, sẽ giữ ở mức giá bình ổn nhất để phục vụ người dân trong dịp Tết
Nguyên đán Ất Tỵ 2025.