Ngày 25/2/2025, Ukraine và Mỹ đã đạt được khung thỏa thuận hợp tác khai thác tài nguyên khoáng sản. Theo đó, hai bên sẽ cùng khai thác các nguồn tài nguyên này, với doanh thu được đưa vào một quỹ đầu tư chung do cả hai quốc gia quản lý. Hiện vẫn chưa rõ Mỹ sẽ nhận được bao nhiêu phần trăm lợi nhuận từ việc khai thác này, nhưng đây được xem là một bước đi chiến lược để Washington thu hồi hàng trăm tỷ USD đã hỗ trợ Kiev kể từ năm 2022.
Tổng
thống Mỹ Donald Trump khẳng định sự quan tâm đặc biệt của nước này đối với nguồn
tài nguyên của Ukraine. Ông cho biết, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky sẵn
sàng ký kết thỏa thuận nhằm đảm bảo nguồn tài chính cho công cuộc tái thiết đất
nước sau xung đột. Đổi lại, Ukraine vẫn duy trì được mối quan hệ chiến lược với
Mỹ - đối tác quan trọng nhất của họ trong lĩnh vực an ninh và quốc phòng.
Theo
dữ liệu từ Cục Nghiên cứu Địa chất và Khai khoáng Pháp (BRGM), Ukraine có hơn
100 loại tài nguyên khoáng sản, trong đó có nhiều khoáng sản chiến lược phục vụ
công nghiệp năng lượng và công nghệ cao. Một số tài nguyên đáng chú ý bao gồm:
-
Titanium: Ukraine là một trong 10 quốc gia có trữ lượng titanium lớn nhất thế
giới, chiếm khoảng 7% sản lượng toàn cầu. Kim loại này có đặc tính nhẹ, bền và
chịu nhiệt tốt, được sử dụng rộng rãi trong ngành hàng không vũ trụ và quân sự.
-
Lithium: Ukraine sở hữu trữ lượng lithium lớn nhất châu Âu, với khoảng 500.000
tấn, chiếm 3% tổng trữ lượng toàn cầu. Lithium là nguyên liệu chính cho pin xe
điện và các thiết bị điện tử. Tuy nhiên, việc khai thác gặp khó khăn do yêu cầu
vốn đầu tư lớn và công nghệ tinh luyện phức tạp.
-
Đất hiếm: Bao gồm 17 nguyên tố kim loại quý hiếm được sử dụng trong công nghệ
cao, từ điện thoại thông minh đến pin xe điện và tua-bin gió. Tuy nhiên, gần một
nửa trữ lượng đất hiếm của Ukraine nằm trong vùng do Nga kiểm soát.
- Than chì: Là thành phần quan trọng trong sản xuất thép và pin, nhưng sản lượng khai thác của Ukraine vẫn còn thấp, chỉ chiếm 0,5% tổng nguồn cung toàn cầu.
-
Nickel và Cobalt: Hai nguyên tố quan trọng cho sản xuất thép không gỉ, động cơ
phản lực và pin sạc. Dù có trữ lượng, nhưng Ukraine chưa khai thác đáng kể hai
loại khoáng sản này.
Mặc
dù sở hữu nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú, Ukraine đang đối mặt với nhiều
thách thức trong việc khai thác và thương mại hóa tài nguyên của mình. Một
trong những vấn đề lớn nhất là tình trạng chiến sự kéo dài, đặc biệt khi phần lớn
trữ lượng tài nguyên nằm ở Donetsk và Lugansk, hai khu vực do Nga sáp nhập năm 2022.
Bên
cạnh đó, cơ sở hạ tầng khai thác của Ukraine đã bị hư hại nghiêm trọng do xung
đột. Theo Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), gần một nửa công
suất phát điện của Ukraine đã bị phá hủy, trong khi ngành khai thác khoáng sản
đòi hỏi nguồn năng lượng lớn để vận hành. Điều này khiến các công ty đầu tư vào
lĩnh vực này đối mặt với nhiều rủi ro tài chính và kỹ thuật.
Ngoài
ra, có những lo ngại rằng trữ lượng khoáng sản thực sự của Ukraine có thể bị
phóng đại nhằm thu hút đầu tư từ Mỹ và phương Tây. Một số chuyên gia, bao gồm
Javier Blas từ Bloomberg, cho rằng giá trị thực tế của các tài nguyên đất hiếm
tại Ukraine không cao như các tuyên bố chính thức. Thậm chí, theo Cục Khảo sát
Địa chất Mỹ, Ukraine không được liệt kê trong danh sách các quốc gia có trữ lượng
đất hiếm đáng kể.
Không
chỉ Mỹ mà Nga cũng đang tìm cách tận dụng nguồn tài nguyên khoáng sản của
Ukraine. Theo một số báo cáo, Moscow đã đề xuất hợp tác với Washington trong việc
khai thác khoáng sản tại các khu vực do họ kiểm soát. Nếu điều này xảy ra, giá
trị tài nguyên mà Ukraine có thể khai thác sẽ bị suy giảm đáng kể.
Trong
khi đó, Liên minh châu Âu (EU) cũng đặc biệt quan tâm đến nguồn khoáng sản của
Ukraine, bởi nhiều kim loại quý trong danh mục của nước này đã được EU liệt vào
danh sách 30 nguyên liệu thô chiến lược.
NQS