Theo Gregory Shearer - Giám đốc bộ phận nghiên cứu kim loại cơ bản và quý của JPMorgan, vàng có khả năng vượt ngưỡng 4,000 USD vào quý 2 năm 2026 và đạt mức giá trung bình 3,675 USD/oz.
‘‘Các rủi ro suy thoái và đình lạm do thuế quan dự kiến
sẽ tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ đà tăng cấu trúc của vàng”, Shearer nhấn mạnh
trong báo cáo gửi khách hàng vào ngày 22/04. ‘‘Dự báo giá này dựa trên những
thành quả đã đạt được trong quý 1/2025 và tính đến nhu cầu vàng mạnh mẽ liên tục
từ các nhà đầu tư và ngân hàng trung ương, với khối lượng mua ròng trung bình
khoảng 710 tấn mỗi quý trong năm nay”.
Vàng đang trải qua một năm bùng nổ chưa từng có. Các hợp
đồng tương lai vàng đã tăng khoảng 29% trong năm 2025, vượt xa đáng kể so với
hiệu suất của chỉ số S&P 500. Đà tăng này diễn ra trong bối cảnh các chính
sách thuế quan và các quyết định chính sách của Tổng thống Donald Trump liên tục
tạo ra những bất ổn trên thị trường chứng khoán Mỹ. Mới đây nhất, vào ngày
22/04, giá vàng đã thiết lập kỷ lục mới khi vượt ngưỡng 3,500 USD trước khi
quay đầu giảm mạnh.
Đáng chú ý, ETF SPDR Gold Shares (GLD) - quỹ ETF vàng
lớn nhất thế giới - cũng đạt mức cao kỷ lục trong phiên giao dịch thứ Ba, mức
cao nhất kể từ khi ra mắt vào tháng 11/2004, với mức tăng gần 30% tính từ đầu
năm 2025.
Luận điểm lạc quan của JPMorgan dựa trên hai trụ cột
chính: Hoạt động mua vào từ các ngân hàng trung ương và dòng tiền từ nhà đầu tư
thông qua các quỹ ETF cùng thị trường Trung Quốc.
Các ngân hàng trung ương đã đẩy mạnh việc tích lũy
vàng trong những năm gần đây như một biện pháp phòng ngừa trước những biến động
thị trường. Shearer dự báo lượng mua vàng của họ có thể đạt 900 tấn trong năm
2025 do những bất ổn tiếp diễn liên quan đến các chính sách kinh tế, thương mại
và thuế quan của Mỹ.
Bên cạnh đó, các nhà đầu tư cá nhân cũng được dự báo sẽ
tiếp tục đổ tiền vào vàng giữa những đe dọa về suy thoái và lạm phát vào năm
2025 và 2026. Một yếu tố đáng chú ý là hiện tượng tăng bất thường của lợi suất
trái phiếu Chính phủ Mỹ ngay cả khi thị trường đang hoảng loạn. Điều này làm dấy
lên câu hỏi về tính trú ẩn an toàn của trái phiếu Chính phủ Mỹ và khả năng các
nhà đầu tư nước ngoài bán ra trái phiếu.
Một động lực tăng giá khác cho vàng có thể đến từ thị
trường Trung Quốc. Shearer nhận định nhu cầu từ các nhà đầu tư nhỏ lẻ Trung Quốc
vẫn duy trì mạnh mẽ, đặc biệt trong bối cảnh đồng Nhân dân tệ có khả năng suy yếu,
đẩy dòng tiền mới vào thị trường vàng toàn cầu.
Với những yếu tố hỗ trợ mạnh mẽ này, JPMorgan tin rằng
đợt tăng giá của vàng không chỉ là một hiện tượng tạm thời mà là xu hướng cấu
trúc dài hạn.