Giá cà phê thế giới được tổng hợp và theo dõi bởi ICO (I-CIP) đã lập đỉnh mới trong tháng 8, với bình quân 238,9 US cent/pound, tăng 1% so với tháng trước và tăng tới 54,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

ICO cho biết, giá cà phê tiếp tục xu hướng tăng trong suốt tháng 8 và đạt đỉnh ở mức 254,1 US cent/pound vào ngày 28/8.

Trong đó, giá arabica Brazil tăng 1% lên mức bình quân 242,2 US cent/pound. Tương tự, giá arabica Colombia và arabica khác tăng 2,3% và 1,7%, đạt lần lượt 263,8 US cent/pound và 261,4 US cent/pound.

Riêng giá robusta toàn cầu ổn định ở mức 214,7 US cent/pound trong tháng vừa qua.

Trên sàn giao dịch ICE New York và London, giá cà phê arabica và robusta cũng tăng 2,1% và 2,2% so với tháng trước, đạt lần lượt 239,6 US cent/pound và 198,24 US cent/pound. Đây cũng là mức cao nhất kể từ tháng 2/2022 đối với cà phê arabica kỳ hạn và là mức cao nhất kể từ tháng 5/1977 đối với cà phê robusta.

Chênh lệch giá cà phê arabica và robusta trên hai sàn giao dịch tăng 1,7%, lên 41,4 US cent/pound trong tháng 8.

Diễn biến giá cà phê thế giới từ tháng 9/2022 đến tháng 8/2024 (ĐVT: US cent/pound)

 

Nguồn: ICO

Theo ICO, tình hình kinh tế toàn cầu vẫn còn khó khăn, với nguồn tiền giá rẻ hạn chế do lãi suất trên toàn thế giới vẫn duy trì ở mức cao.

Hơn nữa, căng thẳng địa chính trị ở Trung Đông tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực đến sự ổn định của nguồn cung container và khả năng sử dụng đầy đủ các tuyến đường vận chuyển. Lưu lượng giao thông vẫn bị chuyển hướng khỏi Kênh đào Suez và phải đi vòng quanh Mũi Hảo Vọng.

Các yếu tố trên kết hợp với tình trạng nguồn cung toàn cầu cầu thắt chặt, cán cân cung cầu tích lũy trong 6 năm gần nhất vẫn ở mức -13,1 triệu bao, đã tạo áp lực tăng giá trên thị trường cà phê thế giới.

Môi trường kinh tế hiện tại hạn chế khả năng nắm giữ lượng hàng tồn kho lớn với mức chi phí rẻ, bởi việc trả nợ cho các tổ chức tài chính không mang lại một mô hình kinh doanh cạnh tranh. Tuy nhiên, tác động của việc mua hàng theo phương thức "vừa kịp thời" (just-in-time) cũng không mang lại hiệu quả về chi phí. Điều này tạo áp lực tăng ngắn hạn lên giá cà phê khi nhu cầu vẫn cao trong khi nguồn cung bị thu hẹp.

Tại Hội nghị chuyên đề kinh tế thường niên ở Jackson Hole, bang Wyoming (Mỹ), diễn ra vào cuối tháng 8 đã chứng kiến một chuyển biến đáng chú ý khi giới chức các ngân hàng trung ương lớn của Mỹ, châu Âu và Vương quốc Anh lần lượt phát đi những tín hiệu về việc nới lỏng chính sách tiền tệ.

Lãi suất cao đã giúp kiềm chế lạm phát  tăng, nhưng khi Ngân hàng Trung ương châu Âu và Ngân hàng Anh bắt đầu giảm lãi suất cơ bản, câu hỏi đặt ra là tác động của việc này lên giá cà phê sẽ ra sao.

Mặc dù việc giảm lãi suất một phần tư điểm không đánh dấu sự thay đổi đáng kể trong chính sách tiền tệ, nhưng điều này có thể dẫn đến các đợt cắt giảm lãi suất tiếp theo nếu các nhà hoạch định chính sách tiền tệ cảm thấy rằng sẽ không có tác động xấu đến thị trường lao động, lạm phát đã được kiểm soát và không có nguy cơ suy thoái.

Điều này có thể báo hiệu rằng với lãi suất thấp hơn, các nhà đầu tư trên thị trường sẽ có thể tận dụng đòn bẩy tài chính và dẫn đến sự suy giảm tiềm năng trong việc mua cà phê theo phương thức "vừa kịp thời".

Hệ quả lý thuyết của việc giảm tần suất mua hàng là áp lực giảm lên giá cà phê. Tuy nhiên, chi phí tài chính thấp hơn cũng có thể dẫn đến sự gia tăng hoạt động mua hàng, khi các doanh nghiệp trong chuỗi giá trị cà phê tìm cách bổ sung hàng tồn kho cạn kiệt mà trước đây, trong điều kiện lãi suất cao, họ không thể thực hiện được.

Tháng 8 ghi nhận lượng cà phê robusta được chứng nhận trên sàn London tiếp tục tăng nhẹ 2,3% so với tháng trước, lên 1,01 triệu bao. Lượng cà phê arabica được chứng nhận đạt 0,9 triệu bao, tăng 4,5%.

Xuất khẩu cà phê toàn cầu tiếp tục tăng mạnh

Tổ chức Cà phê Quốc tế ICO đã báo cáo rằng xuất khẩu cà phê toàn cầu trong tháng 7 tăng 12,2% so với cùng kỳ năm trước, đạt tổng cộng 11,3 triệu bao (loại 60kg/bao). Điều này đã góp phần đưa tổng xuất khẩu cà phê toàn cầu trong 10 tháng đầu niên vụ 2023-2024 lên mức 115 triệu bao, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm trước.

Cà phê nhân xanh chiếm 88,5% tổng xuất khẩu cà phê toàn cầu trong tháng 7, với tổng cộng 10 triệu bao, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế trong 10 tháng đầu niên vụ 2023-2024, xuất khẩu cà phê nhân xanh toàn cầu đạt 103 triệu bao, tăng 10,6% so với cùng kỳ niên vụ trước.

Chủ yếu là do khối lượng xuất khẩu nhóm cà phê arabica Brazil tăng mạnh 23,7% trong 10 tháng đầu niên vụ, đạt 28,4 triệu bao. Ngoài ra, xuất khẩu của nhóm cà phê arabica Colombia tăng 12,1% lên 10,1 triệu bao, nhóm arabica khác tăng 1,3% lên 18,8 triệu bao.

Xuất khẩu robusta toàn cầu cũng tăng 5% lên mức 39,7 triệu bao sau 10 tháng đầu niên vụ. Trong đó, xuất khẩu tăng mạnh từ Brazil bù đắp cho sự sụt giảm của Việt Nam.

Xuất khẩu cà phê nhân xanh toàn cầu trong 10 tháng đầu niên vụ 2023-2024 (tháng 10 đến tháng 7)

 

Nguồn: ICO

Tương tự cà phê nhân, lượng cà phê hòa tan xuất khẩu toàn cầu đã tăng tới 38,8% trong tháng 7 và tăng 10,5% trong 10 tháng đầu niên vụ, đạt tổng cộng 10,6 triệu bao.

Cà phê hòa tan đang chiếm tỷ trọng 9,2% trong tổng xuất khẩu cà phê toàn cầu, tương đương cùng kỳ niên vụ trước.

Brazil - nước xuất khẩu cà phê hòa tan lớn nhất thế giới, đã xuất khẩu 0,4 triệu bao vào tháng 7 vừa qua.

Trong khi đó, xuất khẩu hạt cà phê đã rang đạt tổng cộng 0,6 triệu bao kể từ đầu niên vụ đến nay, tăng nhẹ so so với mức 0,59 triệu bao cùng kỳ niên vụ trước.

Cơ cấu chủng loại cà phê xuất khẩu toàn cầu trong 10 tháng đầu niên vụ 2023-2024

 

Nguồn: ICO

Xuất khẩu từ Nam Mỹ tăng mạnh, trong khi châu Á tiếp tục giảm

Báo cáo này của ICO cho thấy sự gia tăng xuất khẩu cà phê từ Nam Mỹ trong tháng 7, với mức tăng 26% so với cùng kỳ năm trước, đạt hơn 5,2 triệu bao. Brazil và Colombia là các nguồn xuất khẩu chính của khu vực, trong đó Brazil dẫn đầu về xuất khẩu cà phê nhân xanh với mức tăng 26,2% so với cùng kỳ năm trước, đạt 3,8 triệu bao vào tháng 7.

Ngược lại, sự sụt giảm được ghi nhận ở khu vực châu Á, với tổng xuất khẩu của Việt Nam, Ấn Độ và Indonesia giảm 8,1% so với cùng kỳ năm trước, đạt tổng cộng gần 2,8 triệu bao trong tháng 7. Chủ yếu là do sự giảm xuất khẩu 29,1% đến từ Việt Nam.

Xuất khẩu cà phê của Việt Nam đã giảm trong 6 tháng liên tiếp và 8 tháng kể từ đầu niên vụ 2023-2024 đến nay, dẫn đến xuất khẩu luỹ kế của Việt Nam từ tháng 10 năm ngoái đến tháng 7 năm nay chỉ đạt 22,8 triệu bao, giảm 12,2% so với gần 26 triệu bao của cùng kỳ niên vụ trước.

Nguồn cung trên thị trường nội địa Việt Nam đã cạn kiệt, các nhà xuất khẩu đang chờ nguồn cung mới từ vụ thu hoạch mới 2024-2025, dự kiến bắt đầu sau một tháng nữa.

Điểm tích cực trong khu vực là xuất khẩu cà phê của Indonesia đã tăng mạnh 57,3% lên gần 0,8 triệu bao trong tháng 7.

Bên cạnh các khu vực kể trên, xuất khẩu từ châu Phi được ghi nhận tăng 34,7% so với năm trước, đạt tổng cộng 1,9 triệu bao vào tháng 7, với Ethiopia và Uganda là các quốc gia đóng góp chính vào sự gia tăng này. Ethiopia ghi nhận mức tăng xuất khẩu 63,6% so với cùng kỳ năm trước, đạt 720.000 bao, và Uganda ghi nhận mức tăng 27,2%, đạt 820.000 bao.

Báo cáo của ICO cũng bao gồm các số liệu xuất khẩu từ Mexico và các nước sản xuất arabica đã rửa truyền thống ở Trung Mỹ, bao gồm Costa Rica, Guatemala, Honduras, Nicaragua và El Salvador.

Theo đó, xuất khẩu của khu vực Trung Mỹ và Mexico đã giảm 7,1% so với cùng kỳ năm trước, đạt tổng cộng 1,38 triệu bao trong tháng 7. Kết quả là tổng xuất khẩu của khu vực này trong 10 tháng đầu niên vụ vẫn giảm 6,8%, xuống còn 12,3 triệu bao.

VNB