Đây là Loại hồng mini có xuất xứ từ Trung Quốc, với loại size lớn từ 12-15 quả/kg hoặc loại size nhỏ từ 20-24 quả/kg hiện đang được nhiều khách hàng Việt Nam mua nhiều mặc dù giá tương đối cao so với hàng nội địa.

Từ đầu tháng 10, hồng thạch xuất hiện nhiều từ chợ truyền thống đến chợ online.

Khảo sát tại chợ đầu mối phía Nam (Q. Hoàng mai Hà Nội), các tiểu thương cho biết, loại hồng thạch này trái nhỏ hơn nhiều so với loại hồng đỏ trong nước, quả có màu đỏ tươi bắt mắt với phần cuống xanh. Khi chín, phần vỏ khá dày, thịt hồng có mùi thơm nhẹ, ăn như thạch và ngọt thanh có chút giòn sật.

Sản phẩm được đóng trong các hộp nhựa 6-8 quả/hộp hoặc thùng lớn tuỳ thuộc vào nhu cầu Khách hàng, giá sản phẩm dao động từ 60-80K/kg.


Tại TP HCM, loại hồng này cũng được bày bán ở các chợ truyền thống và trên mạng xã hội, với giá từ 100.000-120.000 đồng một kg, cao gấp 2-3 lần hồng trứng của Việt Nam.

Mặc dù giá cao, hồng thạch vẫn được nhiều người ưa chuộng.

Cuối tuần, đặt mua 2kg hồng thạch trân châu chín đỏ với giá 80.000 đồng/kg, chị Huyền Diệu ở Bắc Từ Liêm (Hà Nội) chia sẻ, loại hồng này tuy quả nhỏ xíu nhưng hương vị khá đặc biệt. Chị chia sẻ thêm, cách đây 2 năm, chị từng mua hồng thạch của một đầu mối chuyên bán đặc sản Nghệ An. Khi đó, được giới thiệu là hồng cổ đặc sản ở huyện Nam Đàn, nhưng hàng khá hiếm nên phải đặt trước vài ngày.

Còn những ngày gần đây, chị thấy loại hồng thạch được rao bán la liệt “chợ mạng”. Chỉ cần đặt hàng buổi sáng, đến chiều đã được giao hàng ngay. Thế nên, từ giữa tháng 10 đến giờ, chị Diệu đã đặt mua ăn vài lần.

Còn theo chị Vũ Huyền – một đầu mối bán nông sản online ở Cầu Giấy cho biết: “Hồng thạch rất đắt hàng”. Ngay chuyến đầu tiên của vụ này, giá tới 90.000 đồng/kg, song lượng hồng chị bán ra đã vượt qua con số 1 tạ.

Thông thường, loại quả nào giá cao tiêu thụ sẽ kém vì kén khách. Nhưng với hồng thạch, chị Huyền khá bất ngờ, bởi giá cao vẫn được nhiều người chuộng mua. Thế nên, đều đặn mỗi ngày chị nhập về một chuyến với lượng hàng khoảng hơn 1 tạ để trả đơn cho các khách đã đặt.

Tại cửa hàng trái cây của chị Chu Thị Hương ở Hoàng Mai (Hà Nội), mỗi ngày cũng tiêu thụ khoảng 2,5-3 tạ hồng thạch.

“Khách mua trực tiếp ở cửa hàng tương đối nhiều. Song, khách ở các chung cư đặt hàng còn nhiều hơn”, chị nói. Theo đó, có chung cư chị gom đơn sau đó phải chở khoảng 50kg hồng thạch mới đủ hàng giao trả cho khách.


Khi hỏi về xuất xứ của hồng thạch trân châu, chị Hương cho biết, nhiều người nhầm tưởng đây là hồng cổ đặc sản ở Nam Đàn (Nghệ An), bởi từ hình dáng cho đến màu sắc đều tương đối giống. Tuy nhiên, hồng có bán trên thị trường hiện nay hầu hết là hàng Trung Quốc, hồng cổ Nam Đàn không có nhiều đến vậy.

“Hồng thạch nhập về bán ở chợ Việt có nguồn gốc từ huyện Phú Bình, tỉnh Thiểm Tây (Trung Quốc). Đây cũng là khu vực trồng hồng lâu đời và chất lượng nhất ở Trung Quốc”, chị chia sẻ.

Cách đây 2-3 năm, chị Hương cũng đã nhập hồng cổ Nam Đàn về bán. Tuy nhiên, hàng về không đều, chỉ được 2-3 chuyến mỗi tuần. Với hồng thạch, hàng về đều đặn mỗi ngày. Đặc biệt, muốn nhập số lượng từ mối sỉ bao nhiêu cũng có.

Anh Hiểu - đầu mối bỏ sỉ trái cây ở chợ đầu mối phía Nam (Hà Nội) chia sẻ cho biết, hồng thạch trân châu là hàng Trung Quốc. Hơn một tháng nay, anh nhập loại hồng này về chợ để đổ sỉ cho các cửa hàng và dân buôn bán nhỏ lẻ.

Trước đây, hồng thạch chủ yếu tiêu thụ tại Trung Quốc do dễ hư hỏng khi vận chuyển. Tuy nhiên, nhờ các cải tiến trong bảo quản và đóng gói, sản phẩm này đã xuất khẩu sang nhiều nước như Việt Nam, Hàn Quốc và Nhật Bản.

Lãnh đạo chợ đầu mối nông sản Thủ Đức cho hay hồng Trung Quốc nhập về chợ thường là loại giòn; riêng hồng thạch chủ yếu nhập qua Lào Cai và bán trực tiếp cho các đầu mối hoặc người tiêu dùng. "Đây là mặt hàng mới, lần đầu xuất hiện tại Việt Nam nên người tiêu dùng chọn sản phẩm có tem truy xuất nguồn gốc và từ nhà cung cấp uy tín để đảm bảo chất lượng", ông khuyến cáo.

Hiệp hội Rau quả Việt Nam cũng cho rằng cần tăng cường việc kiểm tra chất lượng nhập khẩu, đồng thời giám sát chặt chẽ tại các đường mòn, lối mở để ngăn hàng kém chất lượng xâm nhập thị trường.

Trong 9 tháng đầu năm, Việt Nam đã chi 700 triệu USD để nhập khẩu rau quả từ Trung Quốc, tăng 39% so với cùng kỳ năm ngoái, với các mặt hàng phổ biến gồm nho, táo, hồng và hành tỏi.

T/h