Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Campuchia Samdech Moha Bovor Thipadei Hun Manet, ngày 12-12, tại Hà Nội, Bộ KH-ĐT chủ trì, phối hợp Bộ Công Thương, Hội đồng Phát triển Campuchia và Bộ Thương mại Campuchia tổ chức Diễn đàn xúc tiến đầu tư và thương mại Việt Nam - Campuchia năm 2023.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Thủ tướng Campuchia Hun Manet đồng chủ trì diễn đàn.

 

Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại diễn đàn

Tại diễn đàn, Bộ Công thương cho biết, hợp tác thương mại giữa hai nước thời gian qua đã có sự phát triển vượt bậc. Trong hơn 10 năm qua, kim ngạch thương mại song phương luôn duy trì tốc độ tăng trưởng tốt, là điểm sáng trong quan hệ hợp tác giữa hai nước. Năm 2022, kim ngạch hai nước đạt 10,57 tỷ USD, tăng gần 11% so với năm 2021.

Về kết quả hợp tác đầu tư giữa hai nước, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, Campuchia là một trong những địa bàn đầu tư ra nước ngoài sớm nhất và lớn nhất của Việt Nam. Hiện có hơn 200 dự án của doanh nghiệp Việt Nam đầu tư sang Campuchia, với tổng vốn đăng ký hơn 2,9 tỷ USD, có mặt ở hầu hết các ngành; trong đó tập trung các lĩnh vực nông nghiệp, năng lượng, viễn thông, tài chính ngân hàng, sản xuất chế biến công nghiệp, y tế, thương mại, dịch vụ…

Đến nay, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã đầu tư, kinh doanh hiệu quả và thành công tại Campuchia, đóng góp cho sự phát triển kinh tế, thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, tạo công ăn việc làm, góp phần đào tạo nguồn nhân lực, cải thiện cơ sở hạ tầng tại một số địa phương…

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp cũng còn một số tồn tại, hạn chế và thách thức. Với mong muốn có sự đột phá về hợp tác đầu tư với Campuchia trong thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp Campuchia thúc đẩy đầu tư vào các ngành, lĩnh vực phù hợp định hướng ưu tiên của Campuchia như: công nghiệp chế biến chế tạo, năng lượng tái tạo, nông nghiệp ứng dụng công nghệ tiên tiến có giá trị gia tăng cao, công nghiệp chế biến nông lâm sản, phát triển các đặc khu kinh tế, du lịch… nhất là ưu tiên hợp tác phát triển kinh tế tại khu vực biên giới hai nước.

Để tăng cường hoạt động hợp tác đầu tư giữa Việt Nam và Campuchia ngày càng hiệu quả, Bộ KH-ĐT đề xuất, bên cạnh tiếp tục duy trì, củng cố và phát triển các lĩnh vực hợp tác đầu tư hiện nay, hai bên cần thúc đẩy hợp tác đầu tư các lĩnh vực có nhiều tiềm năng như: sản xuất, chế biến sản phẩm nông - lâm sản sạch, đáp ứng điều kiện, tiêu chuẩn xuất khẩu, mở rộng một số lĩnh vực dịch vụ có chất lượng cao như du lịch, y tế, giáo dục, hạ tầng, xây dựng, bất động sản và các dịch vụ khác đem lại giá trị gia tăng cao.

Bên cạnh đó, các cơ quan nhà nước hai bên tích cực triển khai các hiệp định, thỏa thuận đã ký kết giữa hai bên; tăng cường vai trò của các hiệp hội doanh nghiệp.

“Với phương châm hợp tác cùng có lợi, tư duy kinh doanh mới và các giải pháp có tính đột phá, quan hệ hợp tác đầu tư giữa hai nước trong thời gian tới sẽ ngày càng phát triển mạnh mẽ, góp phần xây dựng và củng cố mối quan hệ truyền thống, tốt đẹp, hữu nghị, bền chặt Việt Nam và Campuchia”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng tin tưởng.