Sáng 22/4 tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và chủ trì Hội nghị gặp mặt các nhà đầu tư nước ngoài.

Cùng dự và chủ trì Hội nghị tại đầu cầu Hà Nội có Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng.

Hội nghị có sự tham dự của Bộ trưởng các Bộ Công Thương, Tài chính, Lao động-Thương binh và Xã hội, GD&ĐT, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP, Thống đốc NHNN Việt Nam, 180 đại biểu đại diện cho các DN, hiệp hội DN đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Hội nghị được kết nối trực tuyến tới 63 điểm cầu tại các tỉnh, thành phố với sự tham dự của lãnh đạo UBND các tỉnh cùng các sở, ngành liên quan; 37 điểm cầu DN có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ: Hội nghị có ý nghĩa rất quan trọng, nhất là trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến nhanh, phức tạp, nhiều vấn đề chưa có tiền lệ, vượt qua dự báo, tác động tới tình hình kinh tế Việt Nam, gây ra những khó khăn cần tháo gỡ, những thách thức cần vượt qua.

Chính phủ Việt Nam mong muốn được lắng nghe, chia sẻ và thấu hiếu, đồng hành cùng các nhà đầu tư nước ngoài. Các nhà đầu tư nước ngoài đã và đang đầu tư tại Việt Nam cũng đã cảm nhận được những chia sẻ, thấu hiếu, đồng hành và sự nhất quán của Chính phủ Việt Nam trong quá trình chỉ đạo, điều hành các lĩnh vực liên quan đến đầu tư nước ngoài và tiếp tục rà soát thể chế, pháp luật, cải thiện mạnh mẽ hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh trên nguyên tắc lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ,  hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người dân.

Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn đặc biệt quan tâm và xác định rõ, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (khu vực FDI) là một bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế Việt Nam, được khuyến khích, tạo điều kiện phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng với các khu vực kinh tế khác.

Nhà nước tôn trọng, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhà đầu tư; bảo đảm hài hoà lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người lao động trong doanh nghiệp; không hình sự hóa các quan hệ kinh tế và dân sự nhưng xử lý nghiêm những người vi phạm pháp luật theo quy định để bảo đảm, bảo vệ những người làm ăn chân chính, tuân thủ pháp luật và có trách nhiệm với cộng đồng, với sự phát triển chung.

Thủ tướng đánh giá cao sự quyết tâm, nghiêm túc và hiệu quả của các doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài trong quá trình hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam thời gian qua trên tinh thần tin cậy, chân thành, chia sẻ, trách nhiệm, lắng nghe, thấu hiểu và  đồng hành. Những yếu tố quyết định này là chìa khóa cho sự hợp tác thành công giữa đôi bên - khi chúng ta có những yếu tố này thì những khó khăn, vướng mắc sẽ được giải quyết dễ dàng, kịp thời và hiệu quả hơn.

Bên cạnh những kết quả đạt được, chúng ta thẳng thắn nhìn nhận lĩnh vực FDI vẫn còn những tồn tại, hạn chế, bất cập cần giải quyết, những thách thức cần vượt qua, chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu phát triển và mong muốn của cả hai phía. Trong khi đó, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội, nhất là các hoạt động đầu tư nước ngoài. Đặc biệt, việc OECD có kế hoạch áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu từ năm 2024 sẽ tác động, ảnh hưởng lớn đến đầu tư nước ngoài cũng như thu hút đầu tư nước ngoài của các quốc gia, khu vực.

Trong bối cảnh đó, bên cạnh việc kiên định các vấn đề có tính nguyên tắc, việc thích ứng linh hoạt, an toàn, sáng tạo, phản ứng chính sách kịp thời, hiệu quả đối với các vấn đề cụ thể về đầu tư nước ngoài là rất quan trọng, mang tính quyết định đối với cả quản trị quốc gia và quản trị doanh nghiệp. Để thích ứng linh hoạt một cách hiệu quả, trước tiên chúng ta cần phải có niềm tin, sự chia sẻ, lắng nghe, thấu hiểu và đồng hành.

Tiếp tục tinh thần đó, tại Hội nghị hôm nay, Thủ tướng đề nghị các đại biểu tập trung trao đổi, thảo luận, đánh giá thực trạng tình hình, xác định rõ những điểm nghẽn, khó khăn, vướng mắc, thời cơ, thuận lợi, trên cơ sở đó đề ra nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ và nâng cao hiệu quả đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong bối cảnh thế giới, khu vực và Việt Nam đang có những khó khăn, thách thức.

Thủ tướng cho biết, vừa qua, các cơ quan đã khảo sát, lắng nghe ý kiến các doanh nghiệp để triển khai các biện pháp cụ thể liên quan tới giảm, giãn, miễn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất cho doanh nghiệp và Chính phủ, Thủ tướng đang tiếp tục quyết liệt chỉ đạo NHNN có các chính sách tiền tệ trong một vài ngày tới về khoanh nợ, giảm nợ, giãn nợ, gia hạn nợ.

Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương trao đổi, giải đáp về các đề xuất, kiến nghị của các doanh nghiệp, nhà đầu tư và có giải pháp cụ thể trên tinh thần chân thành, thẳng thắn, cầu thị, lắng nghe, thấu hiểu, đồng hành.

Tinh thần là, xử lý công việc, vấn đề đặt ra phải nghiêm túc, kịp thời, linh hoạt, hiệu quả của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Trong đó, những khó khăn, vướng mắc giải quyết được ngay thì phải các bộ, ngành, địa phương có câu trả lời rõ ràng, dứt khoát, những vấn đề chưa giải quyết được ngay thì phải khẩn trương nghiên cứu, chủ động giải quyết hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý kịp thời, linh hoạt, hiệu quả với tinh thần "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ", cân đối hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và Nhân dân.

Thủ tướng cho biết ngay sau Hội nghị sẽ ban hành một văn bản phù hợp để thống nhất triển khai thực hiện. "Nếu chúng ta tin cậy, chân thành, chia sẻ, trách nhiệm, lắng nghe, thấu hiểu và  đồng hành cùng nhau thì mọi vướng mắc đều có thể được tháo gỡ, mọi thách thức đều có thể vượt qua, mang lại lợi ích cho nhà đầu tư, cho người dân, cho Việt Nam", Thủ tướng chia sẻ.

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, việc Thủ tướng Chính phủ quyết định tổ chức Hội nghị gặp mặt các nhà đầu tư nước ngoài hôm nay cho thấy sự quan tâm, đồng hành của Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước, chính là thông điệp của người đứng đầu Chính phủ, tiếp tục khẳng định chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước Việt Nam đối với khu vực đầu tư nước ngoài. Theo đó, khu vực đầu tư nước ngoài được xác định có vai trò quan trọng trong nền kinh tế; được khuyến khích phát triển nhằm phát huy ngoại lực, khơi dậy tinh thần sáng tạo, cộng hưởng sức mạnh nội lực, kịp thời nắm bắt cơ hội, nâng cao hiệu quả hợp tác đầu tư.


Cộng đồng doanh nghiệp cam kết đồng hành cùng Chính phủ cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh

Điểm nhấn tại Hội nghị là các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam đã đưa ra những nhận định về xu hướng dòng vốn đầu tư trên thế giới và đánh giá môi trường đầu tư kinh doanh bao gồm các triển vọng cũng như các khó khăn tại Việt Nam trong bối cảnh chung của quốc tế.

Ông Takeo Nakajima, Trưởng đại diện Tổ chức xúc tiến và thương mại Nhật Bản (Jetro) Hà Nội: Các doanh nghiệp Nhật Bản rất sẵn sàng đầu tư tại Việt Nam, với khảo sát của JETRO, 47% số người được hỏi cho biết họ sẽ mở rộng kinh doanh trong 1-2 năm tới. Trong thời gian vừa qua, đầu tư từ Nhật Bản (kết hợp mở rộng và mở rộng) tăng 53% về số lượng nhưng giảm 50% về giá trị.

Thách thức thứ nhất là thị trường xuất khẩu toàn cầu chậm chạp. Cụ thể, thị trường xuất khẩu đã giảm từ mùa hè năm ngoái đến nửa đầu năm nay, điều này khiến tiêu thụ của doanh nghiệp giảm.

Gần 40% các công ty Nhật Bản sẽ tăng cường các sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn những công ty tăng cường các sản phẩm đa năng.

Thách thức 2 là tăng chi phí, tiền lương của công nhân ngày càng tăng. Việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu cũng sẽ dẫn đến tăng chi phí.

Thách thức thứ 3 liên quan đến việc cấp các loại giấy phép trong nước, tốc độ xử lý thủ tục hành chính chậm, 66% doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam cho biết các thủ tục hành chính có vẻ đang chậm lại, con số này ở ASEAN chỉ 47%, do đó Việt Nam cần phải loại bỏ các loại phí không chính thức và tạo điều kiện cho mức giá phù hợp, điều này quan trọng vì các doanh nghiệp cần xử lý thủ tục hành chính thông suốt và minh bạch.

Ông Nitin Kapoor, Đồng Chủ tịch Liên minh Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF), Chủ tịch AstraZeneca Việt Nam: Các thành viên VBF đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy FDI và đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng của Việt Nam với hơn 221.000 thành viên đến từ 14 Phòng Thương mại và 13 Nhóm công tác.

Chúng tôi đã đầu tư vào 19/21 ngành kinh tế tại Việt Nam, góp phần tăng trưởng FDI mạnh mẽ.  Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đến từ hơn 108 quốc gia và vùng lãnh thổ, bao gồm các quốc gia hàng đầu và cũng là thành viên của VBF như: Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), châu Âu, Hoa Kỳ, Anh…

Chúng tôi đánh giá cao sự điều hành quyết liệt, chủ động, sáng tạo,  linh hoạt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong năm 2022 khi nền kinh tế Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch và nguy cơ suy thoái kinh tế thế giới. Việt Nam đã làm tốt trong ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và nhanh chóng thích ứng với kỷ nguyên chuyển đổi số mới.

Ông Hong Sun, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (Kocham): Quý I/2023, chúng ta đã chứng kiến Tổng sản phẩm trong nước (GDP) chỉ tăng ở mức 3,32%, có phần không như kỳ vọng và đầu tư nước ngoài đã giảm mạnh. Đặc biệt, tỉ trọng đầu tư trong lĩnh vực sản xuất - lĩnh vực mà các doanh nghiệp FDI đầu tư vào Việt Nam nhiều nhất cũng đã giảm mạnh, cho thấy các doanh nghiệp đang đối mặt với muôn vàn khó khăn do khủng hoảng kinh tế toàn cầu.

Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, quy mô đầu tư nước ngoài quý I đạt 5,44 tỷ USD, giảm 38,8% so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ tương đương 50% tổng mức đầu tư cùng thời điểm trước khi xảy ra đại dịch COVID năm 2019. Tuy nhiên, về số lượng dự án đã tăng 13,5% đạt 1.459 dự án cho thấy đa phần các dự án đầu tư mới đều là các dự án có quy mô nhỏ.

Đáng tiếc là tổng quy mô đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam quý I chỉ đạt 474 triệu USD, tương đương 70,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Số lượng dự án cũng giảm 9,1% so với cùng kỳ xuống còn 344, đưa Hàn Quốc, nhà đầu tư số một tại Việt Nam, xuống vị trí thứ tư, mức thấp nhất kể từ năm 2008. Cho thấy cơ cấu thương mại tập trung vào một số mặt hàng cụ thể rất nhạy cảm với những biến động kinh tế.

Tuy nhiên, từ sau khi kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước, chúng ta có thể thấy rõ ràng rằng Chính phủ cũng như rất nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc coi Việt Nam là đối tác hợp tác tốt nhất của mình. Đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam đang đa dạng hóa cơ cấu đầu tư từ sản xuất chế tạo sang công nghiệp dịch vụ, gần đây đã tăng tỷ trọng đầu tư vào các ngành công nghệ cao, vốn trước đây chỉ tập trung vào các ngành thâm dụng lao động nên chúng ta có thể kỳ vọng vào việc mở rộng hoạt động kinh doanh và các cơ hội đầu tư mới sẽ tiếp tục tăng lên.

Hiện nay, có khoảng 9.000 doanh nghiệp Hàn Quốc đã đầu tư vào Việt Nam và thương mại giữa hai nước năm ngoái đã tăng 175 lần trong 30 năm kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1992 và kim ngạch thương mại năm 2022 đạt mức cao nhất trong lịch sử là 87,7 tỷ USD. Trong bối cảnh các doanh nghiệp Hàn Quốc đang hoạt động tại Việt Nam sử dụng khoảng 700.000 lao động và đóng góp một phần rất lớn vào nền kinh tế Việt Nam, chúng tôi biết rằng Chính phủ Việt Nam cũng rất lo ngại về việc các công ty Hàn Quốc sẽ cắt giảm đầu tư.

Chúng tôi rất vui mừng khi Chính phủ Việt Nam đang cho thấy những nỗ lực tích cực để thúc đẩy hợp tác, hỗ trợ doanh nghiệp FDI, cũng như nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư nước ngoài bằng các biện pháp như: ban hành "Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược hợp tác đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021-2030" ngày 28/3/2023 vừa qua. Chúng tôi tin rằng nền kinh tế toàn cầu đang có dấu hiệu phục hồi và nếu các chính sách chủ đạo của Chính phủ bắt đầu phát huy hiệu quả thì đầu tư nước ngoài cũng sẽ dần tăng trở lại.

Hiện nay nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam đang cân nhắc việc tăng vốn đầu tư và đầu tư mới nếu như môi trường đầu tư tiếp tục ổn định. Đặc biệt là các doanh nghiệp công nghệ cao và các công ty tài chính, năng lượng.

Ông Greg Testerman, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa kỳ tại Việt Nam (Amcham): Amcham đánh giá rất cao nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc cải thiện môi trường chính sách và đơn giản hóa thủ tục hành chính.

Tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2022 nhấn mạnh tính cấp thiết của việc  chuyển đổi nhiên liệu hóa thạch. Chúng tôi mong muốn Việt Nam sẽ thúc đẩy đầu tư vào điện gió, điện mặt trời ngoài khơi cũng như hệ thống pin lưu trữ.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp thành viên của chúng tôi vẫn có những quan ngại về sự chưa ổn định trong chính sách về điện của Việt Nam và mong muốn Việt Nam đẩy nhanh quá trình cấp phép cho các dự án năng lượng sạch.

 

Bà Antonia Zahn-Weber, Giám đốc điều hành VFT Industry UG, phát biểu trực tuyến từ đầu cầu Munich, Đức - Ảnh chụp qua màn hình

Bà Antonia Zahn-Weber, Giám đốc điều hành VFT Industry UG, có trụ sở tại Munich, Đức: Sau khi thực hiện nghiên cứu thị trường, chúng tôi đã quyết định triển khai dự án tại Việt Nam. Quyết định của chúng tôi được củng cố hơn nữa bởi các hiệp định quốc tế mà Việt Nam đã ký kết quốc tế và song phương với EU và Đức để cùng nhau vượt qua khủng hoảng khí hậu.

VFT Industry UG đã hợp tác với các doanh nghiệp Đức, Việt Nam để chuẩn bị cho khoản đầu tư ước tính 1,5 tỷ USD tại Việt Nam có khả năng sản xuất thép không gỉ xanh ước tính 600.000 tấn/năm để giao thương trên thị trường Việt Nam và châu Âu.

Đức nổi tiếng với các ngành công nghiệp vĩ mô. Đức cũng sẽ phối hợp các tổ chức quốc tế, bao gồm WB để thiết lập, đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng tại Việt Nam. Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng đã hỗ trợ chúng tôi có cuộc đối thoại với các nhân vật cao cấp của Việt Nam để bàn về quá trình triển khai dự án.

3 tập đoàn đến từ Hàn Quốc, Đức và Nhật Bản cam kết đầu tư 3,7 tỷ USD vào Việt Nam

Ngoài các đại diện đến từ các hiệp hội, 1 số lãnh đạo các doanh nghiệp quy mô lớn của nước ngoài cũng bày tỏ quan điểm về việc đầu tư mở rộng một số lĩnh vực tại Việt Nam, trong đó đáng chú ý theo chia sẻ của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cho biết: Trong Hội nghị này, đã có 3 Tập đoàn trao đổi với Bộ Kế hoạch và Đầu tư cam kết sẽ đầu tư mới và mở rộng đầu tư trong năm nay với tổng vốn đầu tư lên đến 3,7 tỷ USD. Đó là các nhà đầu tư của Cộng hòa Liên bang Đức, Hàn Quốc, Nhật Bản, trong các lĩnh vực như sản xuất xanh, sản xuất năng lượng tái tạo, sản xuất trong lĩnh vực thiết bị y tế. Sản xuất xanh, sản xuất năng lượng tái tạo khoảng 1,5 tỷ USD, sản xuất trang thiết bị y tế khoảng 600 triệu USD; sản xuất năng lượng, logictics khoảng 1,6 tỷ USD.

Sau khoảng 4 giờ trao đổi và thảo luận cùng các đại biểu tham dự, Thủ tướng Phạm Minh Chính đại diện phát biểu đưa ra kết luận Hội nghị, theo đó Thủ tướng đánh giá khái quát lại bối cảnh tình hình và thực trạng nền kinh tế việt nam, khẳng định vai trò và đóng góp của các doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài đối với sự phát triển của kinh tế Việt Nam đồng thời Thủ tướng cũng nêu rõ quan điểm xây dựng các yếu tố nền tảng thu hút đầu tư cũng như các những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm Việt Nam sẽ thực hiện thời gian tới.

Tóm lược theo BCP