Vừa qua, trong chương trình hoạt động song phương tại Nhật Bản, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có cuộc gặp Thống đốc tỉnh Gunma Yamamoto Ichita; dự tọa đàm với các doanh nghiệp của tỉnh Gunma; chứng kiến lễ ký bản ghi nhớ hợp tác giữa tỉnh Gunma và tỉnh Hà Nam; thăm Khu giao lưu người dân tỉnh Gunma - nơi người dân giao tiếp với chính quyền và nêu các ý kiến, đề xuất, kiến nghị.
Tại cuộc tọa
đàm, các doanh nghiệp tiêu biểu, hàng đầu của Gunma và Nhật Bản trong các lĩnh
vực như Cainz (hàng tiêu dùng), Koshidaka Holdings (lĩnh vực giải trí), J!NS
(kính mắt), Tsukiji Gindaco (thực phẩm), Yamada (đồ điện), Subaru (ô tô),
Acecook (thực phẩm, nổi tiếng với sản phẩm mì tôm), Taiyo Yuden (linh kiện điện
tử), ngân hàng Gunma… đã giới thiệu về thế mạnh và bày tỏ mong muốn tìm hiểu cơ
hội, triển khai đầu tư và mở rộng đầu tư tại Việt Nam.
Thủ tướng phát biểu tại toạ đàm với các doanh nghiệp của tỉnh Gunma
Tại tọa đàm và trong các hoạt động tại tỉnh Gunma, Thủ tướng Phạm Minh Chính cảm ơn sự đón tiếp trọng thị, nồng hậu và ấm áp mà chính quyền và người dân Gunma dành cho đoàn; bày tỏ ấn tượng với tỉnh Gunma là vùng đất địa linh nhân kiệt, quê hương của 04 Thủ tướng Nhật Bản.
Thủ tướng khẳng định Việt Nam trân trọng và đánh giá cao các nhà đầu tư
Nhật Bản luôn có sự quyết tâm, nghiêm túc, uy tín, trách nhiệm, tuân thủ pháp
luật, quan tâm, chăm lo đời sống người lao động, chú trọng bảo vệ môi trường
Tỉnh ở vị
trí trung tâm Nhật Bản, gần Tokyo, dân số khoảng 2 triệu người, GDP năm 2021
khoảng 62 tỷ USD. Đây cũng là một trong những trung tâm phát triển kinh tế công
nghiệp lớn nhất Nhật Bản và được biết đến với nhiều thế mạnh trong lĩnh vực
công nghiệp chế tạo, công nghiệp phụ trợ, công nghiệp chế biến thực phẩm và
nông sản, linh kiện điện tử, nông nghiệp công nghệ cao...
Thủ tướng
vui mừng khi hợp tác giữa tỉnh Gunma với các bộ, ngành, địa phương Việt Nam đã
và đang đạt được thành quả trên nhiều lĩnh vực như đầu tư, đào tạo nguồn nhân lực,
giao lưu nhân dân…
Hiện có 45
doanh nghiệp tỉnh đầu tư vào Việt Nam trong các lĩnh vực như nhựa, thiết bị vận
tải… Ngày càng nhiều doanh nghiệp tỉnh Gunma quan tâm và mong muốn mở rộng đầu
tư tại Việt Nam. Cộng đồng người Việt Nam tại tỉnh đạt khoảng 12.000 người, là
cộng đồng người nước ngoài lớn nhất tại đây.
Các sự kiện
giao lưu văn hóa, lễ hội về Việt Nam được tổ chức tại tỉnh thu hút lượng lớn
người dân tham dự, cho thấy mối giao kết chặt chẽ, thân tình, thực chất giữa tỉnh
Gunma và Việt Nam.
Thủ tướng
cảm ơn tỉnh Gunma đã luôn ủng hộ, hỗ trợ để cộng đồng 12.000 người Việt Nam
sinh sống, học tập, làm việc và hòa nhập thuận lợi tại tỉnh.
Tỉnh Gunma
thường xuyên quan tâm, hỗ trợ cộng đồng người Việt Nam, đặc biệt trong giai đoạn
dịch bệnh COVID-19; tích cực thúc đẩy các doanh nghiệp của tỉnh đầu tư, mở rộng
kinh doanh tại Việt Nam.
Vừa qua, ngài Thống đốc đã dẫn đầu đoàn hàng chục doanh nghiệp thăm, tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Việt Nam.
Đặc biệt,
cuộc gặp gỡ, trao đổi với các kỹ sư, người lao động Việt Nam tại Công ty
Shibata Gousei cùng ngày đã giúp ông cảm nhận được sự yên tâm, hạnh phúc của
người lao động Việt Nam khi được cống hiến tại quê hương thứ hai, chứng kiến
hình ảnh lao động Việt Nam say mê làm việc, tích lũy kinh nghiệm và kiến thức,
đóng góp cho sự phát triển kinh tế-xã hội của cả Việt Nam và Nhật Bản.
Thủ tướng
đánh giá cao việc ký văn kiện hợp tác giữa tỉnh Gunma và tỉnh Hà Nam, là sự triển
khai hiệu quả và thực chất quan hệ "Đối tác Chiến lược toàn diện vì hòa
bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới" vừa được thiết lập giữa
hai nước.
Thủ tướng
cho biết Chính phủ Việt Nam rất coi trọng tăng cường hợp tác giữa các địa
phương hai nước, coi đây là kênh hợp tác thực chất và hiệu quả để tăng cường hợp
tác đầu tư, thương mại, lao động, giao lưu nhân dân… Đồng thời, các địa phương
Việt Nam đều có nhu cầu tăng cường hợp tác với các địa phương Nhật Bản, do đó
dư địa hợp tác giữa Gunma và Việt Nam trong thời gian tới còn rất lớn.
Nhìn rộng
hơn, Thủ tướng đánh giá qua 50 năm vun đắp và xây dựng, quan hệ Việt Nam - Nhật
Bản đã chính thức bước sang một chương mới sau khi hai bên thiết lập quan hệ
"Đối tác Chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng tại châu Á và
trên thế giới".
Nhật Bản
hiện là đối tác kinh tế hàng đầu của Việt Nam, đối tác số 1 về ODA, đối tác số
2 về lao động, đối tác số 3 về đầu tư và du lịch, đối tác số 4 về thương mại.
Hai nền kinh tế có tính bổ trợ, bổ sung cho nhau cùng phát triển.
Về đầu tư,
với hơn 5.200 dự án và hơn 71,5 tỷ USD vốn đăng ký, các nhà đầu tư Nhật Bản đã
có mặt tại hầu hết các địa phương của Việt Nam, tham gia nhiều dự án mang tính
chiến lược trong một số lĩnh vực trọng điểm.
Về thương
mại, kim ngạch thương mại song phương đạt hơn 40 tỷ USD trong 11 tháng năm
2023, trong đó nhập khẩu của Việt Nam từ Nhật Bản đạt gần 20 tỷ USD.
Thủ tướng
khẳng định Việt Nam trân trọng và đánh giá cao các nhà đầu tư Nhật Bản luôn có
sự quyết tâm, nghiêm túc, uy tín, trách nhiệm, tuân thủ pháp luật, quan tâm,
chăm lo đời sống người lao động, chú trọng bảo vệ môi trường, góp phần đưa Việt
Nam tiến ra thị trường quốc tế và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.
Thủ tướng
đánh giá cao nhiều doanh nghiệp của Gunma có hướng đi khác biệt, độc đáo, đồng
thời phù hợp với xu thế tự động hóa và thân thiện môi trường. Ông cho biết
thêm, người dân Việt Nam và Nhật Bản có nhiều điểm tương đồng trong các sinh hoạt
văn hóa, giải trí; các món ăn Nhật Bản rất được người dân Việt Nam ưa chuộng…
Theo Thủ
tướng, các kết quả về hợp tác nêu trên là đáng khích lệ, nhưng vẫn chưa thực sự
tương xứng với tiềm năng hợp tác của Việt Nam và Nhật Bản nói chung và với tỉnh
Gunma nói riêng, đặc biệt là trước bối cảnh hai nước đã chính thức nâng cấp
quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện, mở ra nhiều không gian, tiềm năng hợp tác
mới.
Thủ tướng chứng kiến lễ ký văn kiện hợp tác giữa tỉnh Gunma và tỉnh Hà
Nam
Thời gian
tới, để tăng cường hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản nói chung và với tỉnh
Gunma nói riêng, Thủ tướng hoan nghênh, mong muốn các doanh nghiệp tỉnh Gunma,
Nhật Bản, với kinh nghiệm, thế mạnh và uy tín của mình, sẽ tiếp tục hỗ trợ, đồng
hành cùng Chính phủ và các doanh nghiệp Việt Nam mở rộng hoạt động hợp tác đầu
tư trong những lĩnh vực mà hai bên có nhiều thế mạnh, tiềm năng, đồng thời khai
phá những lĩnh vực hợp tác mới.
Với chủ
trương hợp tác, thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc, hướng tới chất lượng, hiệu
quả, công nghệ cao và bảo vệ môi trường, Việt Nam ưu tiên thu hút các dự án đầu
tư thuộc các ngành, lĩnh vực như: Kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn,
kinh tế tri thức; khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, linh kiện điện tử, ô
tô điện...; sản xuất chất bán dẫn, năng lượng mới (hydrogen), năng lượng tái tạo;
trung tâm tài chính, tài chính xanh; công nghệ sinh học, y tế; nông nghiệp công
nghệ cao…
Thủ tướng
mong muốn các doanh nghiệp Nhật tăng cường chuyển giao công nghệ, sử dụng nhiều
hơn lao động Việt Nam và nguyên liệu Việt Nam trong sản xuất, kinh doanh.
Thủ tướng
mong muốn chính quyền và các doanh nghiệp tỉnh Gunma tạo điều kiện thuận lợi
cho các doanh nghiệp, người lao động, sinh viên Việt Nam đến đầu tư, học tập,
làm việc và sinh sống tại địa phương; qua đó, tiếp tục phát huy vai trò là cầu
nối quan trọng thúc đẩy quan hệ giữa hai nước.
Thủ tướng
đề nghị tỉnh Gunma tiếp tục đồng hành, hỗ trợ Việt Nam đào tạo nguồn nhân lực
chất lượng cao; các doanh nghiệp, các trường đại học của tỉnh tăng cường hơn nữa
hợp tác với các trường đại học, viện nghiên cứu của Việt Nam.
Về phía Việt
Nam, Chính phủ cam kết luôn lắng nghe, đồng hành, hỗ trợ và tạo mọi điều kiện
thuận lợi để các nhà đầu tư nước ngoài nói chung và các nhà đầu tư Nhật Bản nói
chung và tỉnh Gunma nói riêng đầu tư kinh doanh hiệu quả và bền vững tại Việt
Nam.
Trong đó, Việt Nam tiếp tục tập trung thực hiện 3 đột phá chiến lược (thể chế, hạ tầng, nhân lực), xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội (tôn trọng quy luật thị trường, cạnh tranh lành mạnh nhưng có sự can thiệp của nhà nước khi cần thiết), phát triển hạ tầng đồng bộ, hiện đại, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng số, đào tạo và phát triển nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu công việc. Qua đó, giảm thời gian, chi phí tuân thủ, chi phí logistics, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Với quyết
tâm cao, nỗ lực lớn của hai bên, trên nền tảng "Quan hệ Đối tác chiến lược
toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng tại châu Á và thế giới", Thủ tướng
tin tưởng rằng, hợp tác kinh tế-đầu tư-thương mại song phương giữa Việt Nam và
Nhật Bản nói chung, với tỉnh Gunma nói riêng sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn
nữa, góp phần làm sâu sắc hơn quan hệ giữa hai nước, với những sản phẩm, kết quả
cụ thể, mang lại của cải vật chất, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của
nhân dân hai nước.
Theo Hà Văn - BCP