Tuy nhiên, niềm tin suy yếu của doanh nghiệp và lượng đơn hàng xuất khẩu tiếp tục suy giảm ở nhiều nước trong khu vực báo hiệu những rủi ro sắp tới khi Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump dự kiến áp thuế quan với hàng loạt đối tác thương mại.
Dữ liệu của
S&P Global công bố hôm 2-1 cho thấy, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI)
ngành sản xuất ở 5 nền kinh tế lớn nhất ASEAN trong tháng 12 chùng nhẹ xuống
50,7 điểm từ mức 50,8 điểm trong tháng 11. Dù vậy, chỉ số này duy trì trên mức
50 điểm, cho thấy hoạt động sản xuất vẫn tăng trưởng ở mức khiêm tốn. Mức tăng
trưởng PMI trung bình cả năm 2024 của ASEAN đạt 51 điểm.
Dữ liệu tổng
thể ở ASEAN cho thấy, nhu cầu nội địa vẫn là động lực tăng trưởng chính đối với
chỉ số PMI. Cụ thể, lượng đơn hàng mới tăng trưởng tháng thứ mười liên tiếp,
trong khi lượng đơn hàng tồn động cũng tăng lên.
Tuy nhiên,
lượng đơn hàng xuất khẩu mới giảm liên tục trong hơn 2 năm qua, báo hiệu nhu cầu
từ nước ngoài tiếp tục chậm lại.
Doanh nghiệp
sản xuất trong khu vực ASEAN bày tỏ sự lạc quan về triển vọng trong năm tới.
Tuy nhiên, niềm tin kinh doanh của họ rơi mức thấp trong 8 tháng và vẫn thấp
hơn số liệu trung bình trong dài hạn.
“Tăng trưởng
đơn hàng xuất khẩu mới vẫn ở mức yếu, vì vậy, các nhà máy trong khu vực phụ thuộc
nhiều vào nhu cầu nội địa trong bối cảnh nhu cầu quốc tế tiếp tục là yếu tố cản
trở tăng trưởng”, nhà kinh tế Usamah Bhatti của S&P Global Market
Intelligence bình luận.
Tăng trưởng
sản xuất ở châu Á trong tháng trước được dẫn dắt bởi một số nền kinh tế gồm Đài
Loan, nơi ghi nhận chỉ số PMI ngành đạt 52,7 điểm, cao nhất kể từ tháng Bảy
Trong khi đó, dữ liệu của Caixin/S&P Global cho thấy, chỉ số PMI ngành sản xuất của Trung Quốc mở rộng với tốc độ chậm lại, đạt 50,5 điểm so với 51,5 điểm trong tháng 11 khi các chủ nhà máy chờ đợi hiệu ứng của gói kích thích gần đây.
Tăng trưởng
sản lượng của các nhà máy ở Trung Quốc trong tháng trước rơi xuống mức yếu nhất
trong 3 tháng do tăng trưởng đơn hàng chậm lại.
Đáng chú
ý, lượng đơn hàng xuất khẩu mới quay trở lại vùng suy giảm (dưới 50 điểm), đánh
dấu tháng thứ tư suy giảm trong 5 tháng qua. Các nhà sản xuất Trung Quốc vẫn lạc
quan về triển vọng sản lượng trong năm 2025 nhưng mức độ lạc quan đã rơi xuống
mức thấp nhất kể từ tháng Chín.
Các điều
kiện kinh tế bên ngoài suy yếu và mối đe dọa thuế quan của Mỹ là những rủi ro
chính đối với nhà xuất khẩu hàng hóa lớn nhất thế giới. Kể từ khi Bắc Kinh công
bố một loạt chính sách hỗ trợ hồi cuối năm ngoái, hoạt động kinh tế của một số
ngành có dấu hiệu ổn định. Các nhà quan sát thị trường đang theo dõi các bước
đi chính sách tiếp theo khi giới lãnh đạo Trung Quốc xác định, ưu tiên trong
năm nay là vực dậy nhu cầu tiêu dùng trong nước.
“Môi trường
bên ngoài dự kiến sẽ phức tạp hơn trong năm nay, đòi hỏi Bắc Kinh phải có sự
chuẩn bị sớm về chính sách và phản ứng kịp thời”, Wang Zhe, nhà kinh tế của
Caixin Insight Group nói và kêu gọi giới chức trách nỗ lực tăng thu nhập hộ gia
đình và cải thiện mức sống của người dân.
Chỉ số PMI
ngành sản xuất của Nhật Bản, do ngân hàng au Jibun Bank khảo sát, vẫn nằm trong
vùng suy giảm, dù cải thiện lên mức 49,6 điểm trong 12 so với 49 điểm trong
tháng 11. Chỉ số này của Nhật Bản duy trì dưới mức 50 điểm trong liên tục 6
tháng qua.
Lượng đơn
hàng mới của các nhà máy ở Nhật Bản suy giảm tháng thứ 19 liên tiếp do nhu cầu
suy yếu ở thị trường nội địa lẫn nước ngoài. Lượng đơn hàng xuất khẩu vẫn suy yếu
do nhu cầu ảm đạm ở các thị trường Mỹ như Mỹ và Trung Quốc.
Ở 2 nền
kinh tế xuất khẩu hàng đầu khác của khu vực là Hàn Quốc và Việt Nam, chỉ số PMI
ngành sản xuất rơi xuống vùng suy giảm (dưới ngưỡng 50 điểm) trong tháng trước.
Tại Hàn Quốc,
nơi hoạt động của các nhà máy được xem là thước đo nhu cầu toàn cầu nhờ xuất khẩu
đa dạng các mặt hàng, chỉ số PMI rơi xuống mức 49 điểm trong tháng 12 do chi
phí tăng, sản lượng và đơn hàng mới giảm. Niềm tin của các nhà sản xuất ở nền
kinh tế lớn thứ 4 châu Á về triển vọng kinh doanh năm 2025 rơi xuống dưới ngưỡng
50 điểm lần đầu tiên kể từ tháng 7-2020.
Dữ liệu
PMI mới nhất ở các nền kinh tế châu Á được công bố trước thềm lễ nhậm chức vào
cuối tháng này của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump, người đã cam kết đánh thuế
mạnh vào hàng hóa từ Trung Quốc cũng như áp một mức thuế chung đối với hàng hóa
từ các đối tác thương mại trên toàn cầu.
Dữ liệu sản
xuất của các nền kinh tế châu Á cho thấy rõ mối lo ngại đang tăng lên về chủ
nghĩa bảo hộ rộng khắp từ các thị trường nước ngoài cũng như như cầu nội địa
trong tương lai.
Theo SGT