1. Kiện toàn các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước
Nhằm đảm bảo công tác lãnh đạo, chỉ đạo,
điều hành đất nước được liên tục, đảm bảo đúng nguyên tắc Đảng lãnh đạo toàn diện,
hiệu lực, hiệu quả, ngày 3/8, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã nêu cao tinh thần
trách nhiệm, tập trung trí tuệ, thảo luận dân chủ, thống nhất với số phiếu tuyệt
đối 100% bầu đồng chí Tô Lâm giữ chức Tổng Bí thư.
Tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội bầu đồng chí Trần
Thanh Mẫn làm Chủ tịch Quốc hội. Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội bầu đồng chí Lương
Cường làm Chủ tịch nước. Chính phủ cũng được kiện toàn với việc Quốc hội phê
chuẩn bổ nhiệm 4 Phó Thủ tướng và nhiều Bộ trưởng, thành viên Chính phủ.
Với việc kiện toàn các chức danh lãnh đạo
chủ chốt của Đảng, Nhà nước, cùng với thông điệp của Tổng Bí thư Tô Lâm về kỷ
nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình của dân tộc và cuộc cách mạng về sắp xếp, tinh
gọn tổ chức bộ máy, nhiều chủ trương mới mang tầm chiến lược, mang tính đột phá
được triển khai, đất nước tiếp tục vững bước trên con đường phát triển, sẵn
sàng bước vào kỷ nguyên mới phát triển giàu mạnh, văn minh, thịnh vượng, hiện
thực hóa các mục tiêu phát triển tới năm 2030 kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng và
năm 2045 kỷ niệm 100 năm thành lập nước.
2. Tăng trưởng kinh tế vượt dự báo, hướng
tới mục tiêu 2 con số
Giữa bối cảnh khó khăn chung của toàn cầu,
nền kinh tế thế giới có nhiều bất ổn, trong nước chịu ảnh hưởng nặng nề của
thiên tai, đặc biệt là sự tàn phá khốc liệt của siêu bão Yagi, nhưng chúng ta
đã đạt và vượt toàn bộ 15/15 chỉ tiêu kinh tế- xã hội, nhiều kỷ lục mới được
xác lập.
Nền kinh tế nước ta phục hồi mạnh mẽ, đạt nhiều kết quả tích cực, rõ nét, tháng sau tích cực hơn tháng trước, quý sau tốt hơn quý trước
Nền kinh tế nước ta phục hồi mạnh mẽ, đạt
nhiều kết quả tích cực, rõ nét, tháng sau tích cực hơn tháng trước, quý sau tốt
hơn quý trước. Tốc độ tăng trưởng kinh tế ước cả năm ước đạt khoảng trên 7%,
vượt mục tiêu Quốc hội đề ra (6-6,5%), thuộc nhóm ít các nước tăng trưởng cao
trong khu vực, thế giới. Chỉ tiêu tăng năng suất lao động lần đầu tiên vượt kế
hoạch đề ra, sau 3 năm không đạt toàn diện.
Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát dưới 4%, các cân đối lớn được bảo đảm và có thặng dư lớn. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt mức kỷ lục khoảng hơn 810 tỷ USD. Lần đầu tiên thu ngân sách đạt trên 2 triệu tỷ, vượt thu 324 nghìn tỷ. Thu hút FDI ước đạt gần 40 tỷ USD, nằm trong nhóm 15 nước đang phát triển thu hút FDI lớn nhất thế giới. Giá trị thương hiệu quốc gia đạt 507 tỷ USD, xếp thứ 32/193 quốc gia.
Các dự án tồn đọng, kéo dài được giải quyết
cơ bản, trong đó nhiều dự án có tổng mức đầu tư nhiều tỷ USD. Đã báo cáo và đề
xuất Bộ Chính trị đồng ý phương án xử lý hết 12 dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả,
kéo dài và một số dự án đã có lãi. Tích cực xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém;
chuyển giao bắt buộc xong 2 ngân hàng thương mại trong diện kiểm soát đặc biệt.
Thành quả kinh tế 2024 đã tạo đà, tạo lực
để hướng tới mục tiêu tăng trưởng ít nhất 8% và phấn đấu tăng trưởng 2 con số
trong năm 2025 và những thập kỷ tới.
3. Xây dựng, hoàn thiện thế chế xứng tầm “đột
phá của đột phá”
Với quan điểm xác định thể chế là "đột
phá của đột phá", công tác hoàn thiện thể chế, pháp luật được tập trung
triển khai với tinh thần cải cách, quyết tâm mạnh mẽ, rộng khắp từ Trung ương đến
các địa phương và đổi mới trong cách nghĩ, cách làm, cách triển khai, đạt những
kết quả ấn tượng, tích cực và hiệu quả. Chính phủ xác định công tác xây dựng,
hoàn thiện gắn với tổ chức thi hành pháp luật là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt,
được tập trung chỉ đạo quyết liệt.
Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khoá XV thông qua
số lượng luật lớn nhất, với 18 luật, 21 nghị quyết, chiếm gần 1/3 (18/61 luật)
tổng số luật được Quốc hội ban hành từ đầu nhiệm kỳ tới nay
Năm 2024, Quốc hội đã thông qua 31 luật mà
đa số do Chính phủ trình, nhiều hơn tổng số luật (30 luật) được ban hành trong
3 năm đầu của nhiệm kỳ. Với 18 luật, 21 nghị quyết được thông qua, Kỳ họp thứ 8
là kỳ họp Quốc hội có số lượng luật được thông qua lớn nhất, chiếm gần 1/3
(18/61 luật) tổng số luật được Quốc hội ban hành từ đầu nhiệm kỳ tới nay. Đặc
biệt, Luật Đất đai (sửa đổi) được thông qua sau 4 kỳ họp.
Chính phủ đã tổ chức 11 phiên họp chuyên đề
xây dựng pháp luật, cho ý kiến đối với 54 đề nghị xây dựng luật, dự án luật,
pháp lệnh. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 159 Nghị định, 290 Nghị quyết,
1.607 Quyết định, 42 Chỉ thị (tính đến ngày 20/12/2024). Với việc Thủ tướng
Chính phủ ban hành 06 quy hoạch vùng, các quy hoạch tỉnh, thành phố trong năm
2024, hầu hết các quy hoạch quốc gia, vùng, ngành, lĩnh vực, tỉnh, thành phố đã
hoàn thành.
Các luật, nghị quyết, nghị định, quy hoạch
được thông qua đã với tinh thần đổi mới tư duy; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng
mắc, điểm nghẽn về thể chế, trong đó có những điểm nghẽn, vướng mắc lớn đã kéo
dài nhiều năm, nhiều nhiệm kỳ, nhằm khơi thông mọi nguồn lực, thúc đẩy phát triển
kinh tế - xã hội.
4. Đột phá trong xây dựng hạ tầng chiến lược
Năm 2024, việc triển khai các dự án hạ tầng
chiến lược mang tính chất "xoay chuyển tình thế, chuyển đổi trạng
thái" đã có nhiều bước đột phá mới với những kết quả cụ thể, nhiều công
trình hoàn thành trong thời gian ngắn kỷ lục.
Nổi bật là đã hoàn thành, đưa vào khai
thác thêm 109km đường cao tốc, nâng tổng chiều dài đường bộ cao tốc cả nước lên
hơn 2.021 km, là cơ sở để hoàn thành mục tiêu trong năm 2025 có ít nhất 3.000km
cao tốc, thông toàn tuyến cao tốc từ Cao Bằng tới Cà Mau. Các dự án xây dựng
sân bay lớn được thúc đẩy, đặc biệt là sân bay Long Thành đã hiện rõ hình hài
và sẽ cơ bản hoàn thành trong năm 2025.
Về hạ tầng năng lượng, dự án đường dây 500
kV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối hoàn thành sau hơn 6 tháng thi công thần tốc với
chất lượng được bảo đảm trong khi các dự án tương tự, trước đây cần tới 3-4
năm. Tại địa phương, tuyến metro đầu tiên của TPHCM chính thức vận hành sau nhiều
năm lỡ hẹn. Về hạ tầng số, mạng 5G chính thức triển khai thương mại tại Việt
Nam.
Bên cạnh đó, Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam và khởi động lại dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Ba dự án đường sắt kết nối với Trung Quốc cũng được quyết liệt và tích cực thúc đẩy, trong đó tuyến Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng dự kiến khởi công trước ngày 10/12/2025.
5. Cuộc cách mạng về tinh gọn bộ máy của hệ
thống chính trị
Việc sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống
chính trị với quan điểm "Tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả"
theo chủ trương của Đảng, đứng đầu là Tổng Bí thư Tô Lâm, nhận được sự quan
tâm, đồng tình ủng hộ, ý chí, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và Nhân
dân. Đây là cuộc cách mạng toàn diện, sâu sắc trên tất cả các phương diện vì sự
phát triển nhanh, bền vững của Việt Nam trong kỷ nguyên mới.
Từ đầu tháng 12, các cơ quan Đảng, Quốc hội,
Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị xã hội khẩn
trương xây dựng phương án tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy theo tinh thần
chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban
Chấp hành Trung ương khóa XII để trình Trung ương trong quý I/2025.
Ngày 30/12, Tổng Bí thư Tô Lâm đã trao Quyết
định của Bộ Chính trị về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, mối
quan hệ công tác của 13 cơ quan ban Đảng, đơn vị sự nghiệp của Đảng, Ủy ban
Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội ở Trung
ương. Trung ương gương mẫu làm trước.
Cùng với đó, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền
đi đôi với phân bổ nguồn lực phù hợp, nâng cao năng lực thực thi và tăng cường
kiểm tra, giám sát; tập trung sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.
6. Thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số
và phát triển ngành bán dẫn
Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số
57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển
đổi số quốc gia; thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương do Tổng Bí thư Tô Lâm làm Trưởng
Ban.
Ứng dụng VNEID do Bộ Công an phát triển
trên nền tảng ứng dụng dữ liệu dân cư và Căn cước công dân, VneID - Ứng dụng định
danh điện tử có giá trị sử dụng thay thế các giấy tờ truyền thống, định danh
công dân trên môi trường kỹ thuật số, cung cấp các tiện ích phát triển công dân
số, chính phủ số, xã hội số
Là yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược,
ưu tiên hàng đầu, chuyển đổi số đã "đến từng ngõ, gõ từng nhà, vào từng
người" và có tiến bộ vượt bậc. Đề án 06 đạt kết quả nổi bật, là điểm sáng
trong chuyển đổi số. Chuyển đổi số phục vụ người dân, an sinh xã hội có bước
phát triển mạnh mẽ. Thương mại điện tử phát triển mạnh, thuộc nhóm 10 nước có tốc
độ tăng trưởng hàng đầu thế giới. Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử năm 2024
tăng 15 bậc, xếp hạng 71/193 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo có bước
phát triển mạnh mẽ, định hình hệ sinh thái đổi mới sáng tạo tại Việt Nam. Chỉ số
đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2024 của Việt Nam xếp hạng 44/133 (tăng 4 bậc so
với năm 2022).
Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn
được triển khai hiệu quả. Việt Nam hiện đã thu hút khoảng 174 dự án FDI với tổng
vốn đăng ký khoảng 11,6 tỷ USD. Đặc biệt, Tập đoàn NVIDIA đã ký kết Thỏa thuận
với Chính phủ Việt Nam về hợp tác thành lập Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển
về trí tuệ nhân tạo (AI) của NVIDIA và Trung tâm Dữ liệu AI tại Việt Nam. Việt
Nam đã sẵn sàng cho hành trình trở thành trung tâm nghiên cứu, phát triển và ứng
dụng AI, lĩnh vực bán dẫn ở tầm mức khu vực và toàn cầu.
Giải thưởng Vinfuture 2024 cũng là sự kiện
nổi bật trong nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo của Việt Nam được thế giới
đánh giá cao. Vinfuture đã vươn tầm thế giới, là giải thưởng thường niên được
đông đảo các nhà khoa học quốc tế quan tâm.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu và trao giải thưởng VinFuture lần thứ tư
Trong lĩnh vực nông nghiệp, cơ cấu lại
ngành theo hướng hiệu quả, bền vững, tích hợp đa giá trị, đặc biệt là triển
khai hiệu quả Đề án phát triển 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp.
7. Đối ngoại khẳng định vị thế, uy tín đất nước, mở đường cho kinh tế phát
triển
Công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế tiếp
tục là điểm sáng, giữ nước từ sớm, từ xa và góp phần tạo môi trường hòa bình, hợp
tác, phát triển. Cục diện đối ngoại không ngừng được mở rộng; nâng cao vị thế,
uy tín của đất nước. Ngoại giao kinh tế, ngoại giao văn hóa được triển khai hiệu
quả. Việt Nam đóng góp tích cực vào giải quyết các vấn đề khu vực và toàn cầu,
được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.
Các đồng chí lãnh đạo chủ chốt đã tiến hành gần 60 hoạt động đối ngoại trong năm 2024, trong đó có 21 chuyến thăm tới các nước và tham dự các hội nghị đa phương, đón 25 đoàn Lãnh đạo các nước thăm Việt Nam, tiến hành 11 cuộc điện đàm/hội đàm trực tuyến…
Việt Nam đã nâng cấp quan hệ đối tác chiến
lược toàn diện với Pháp, Australia, Malaysia; nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược
với Brazil; nâng cấp đối tác toàn diện với UAE và Mông Cổ; thiết lập quan hệ đối
tác chiến lược với Ireland về giáo dục đào tạo. Đến nay, Việt Nam đã thiết lập
quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với 9 quốc gia, 19 đối tác chiến lược, 13
đối tác toàn diện.
Đặc biệt, công tác ngoại giao kinh tế là nội
dung trọng tâm, được triển khai với tinh thần quyết liệt, chủ động, mở ra nhiều
thị trường và hướng đi mới, mang tính đột phá, đạt nhiều kết quả quan trọng, cụ
thể, thực chất, nhiều cam kết hợp tác với đối tác, nhất là thúc đẩy đầu tư và
thu hút nguồn lực ở các ngành có thể tạo đột phá.
8. Tiềm lực quốc phòng, an ninh được củng
cố tăng cường mạnh mẽ
Tiềm lực quốc phòng, an ninh được củng cố,
tăng cường mạnh mẽ trên nhiều phương diện, nhất là xây dựng khu vực phòng thủ
chiến lược, lâu dài và công nghiệp quốc phòng đạt nhiều kết quả.
Triển lãm Quốc phòng Quốc tế Việt Nam 2024
với thông điệp "Hòa bình - Hợp tác – Cùng phát triển" - điểm nhấn
trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 80 năm Ngày Thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam,
35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân
Đẩy mạnh xây dựng thế trận quốc phòng toàn
dân, thế trận an ninh nhân dân, thế trận lòng dân vững chắc. Xử lý linh hoạt,
hiệu quả, khôn khéo các tình huống, bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh
thổ, quản lý chặt chẽ biên giới. Xử lý kịp thời, hiệu quả các vấn đề cấp bách,
quan trọng về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Chủ quyền quốc gia
trên đất liền, trên biển được giữ vững và tăng cường.
Trong năm 2024, các lực lượng chức năng đã
xử lý kịp thời, hiệu quả các vấn đề cấp bách, quan trọng về an ninh chính trị,
trật tự an toàn xã hội. Ảnh: (trái) Triệt xóa nhiều đường dây tội phạm sử dụng
công nghệ cao lừa đảo xuyên quốc gia; (phải) Triệt phá đường dây cá độ bóng đá
hơn 300 tỷ đồng
Triển lãm Quốc phòng Quốc tế Việt Nam 2024
với thông điệp "Hòa bình - Hợp tác – Cùng phát triển" - điểm nhấn
trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 80 năm Ngày Thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam,
35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân, đã khẳng định sự lớn mạnh không ngừng của
Quân đội nhân dân Việt Nam nói chung và công nghiệp quốc phòng Việt Nam nói
riêng. Cùng với đó là chuỗi sự kiện kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên phủ
cũng được dư luận trong nước và quốc tế quan tâm và đánh giá cao, khẳng định ý
nghĩa lịch sử của sự kiện này trong quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc
ta.
9. Công nghiệp văn hoá có bước phát triển đột
phá
Chính phủ đã trình Quốc hội lần đầu tiên
ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa, dành tối thiểu
122.250 tỷ đầu tư cho phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035.
Chương trình nghệ thuật đặc biệt với chủ đề
“Điện Biên Phủ - Mốc vàng lịch sử” chào mừng Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện
Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024) để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong lòng công
chúng
Với các cơ chế, chính sách thúc đẩy đổi mới
sáng tạo tiếp tục được hoàn thiện, không gian đổi mới sáng tạo rộng mở, công
nghiệp văn hóa đang trở thành xu hướng và có bước phát triển rõ nét. Công nghiệp
văn hóa và Nghệ thuật biểu diễn phát triển đột phá với các chương trình có tầm
vóc, sức thu hút mạnh mẽ và hiệu ứng xã hội lớn, lần đầu tiên được tổ chức.
Lĩnh vực điện ảnh ghi những dấu ấn mới với các bộ phim có doanh thu kỷ lục, nhiều
bộ phim được thực hiện từ ngân sách nhà nước cũng tạo "cơn sốt", nhất
là với lớp trẻ.
10. Đảm bảo an sinh xã hội, ứng phó và khắc
phục hậu quả bão số 3 kịp thời, hiệu quả
Năm 2024, đời sống vật chất và tinh thần của
Nhân dân được nâng cao, ngày càng ấm no và hạnh phúc hơn. Dành khoảng 680 nghìn
tỷ đồng để thực hiện tăng lương cơ sở và điều chỉnh lương hưu, bảo hiểm xã hội,
trợ cấp ưu đãi người có công, trợ cấp xã hội từ ngày 01/7/2024, đồng thời triển
khai hiệu quả các giải pháp để bảo đảm tăng lương nhưng không tăng giá.
Tỉ lệ hộ nghèo giảm 1%, còn 1,93%; chỉ số
hạnh phúc tăng 11 bậc, xếp thứ 54/143 quốc gia. Chương trình xây dựng 1 triệu
căn hộ nhà ở xã hội đạt kết quả tích cực; trong thời gian ngắn, đã huy động
trên 6 nghìn tỷ đồng cho phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát và quyết tâm xóa
nhà tạm, nhà dột nát trên cả nước trong năm 2025, về đích sớm trước 5 năm so với
mục tiêu đề ra.
Năm 2024 cũng là năm đất nước đối mặt với siêu bão Yagi, siêu bão lớn nhất trong lịch sử 70 năm qua, để lại những thiệt hại vô cùng nặng nề cho các tỉnh phía Bắc. Bộ Chính trị, Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo theo sát tình hình với nhiều cách làm mới, sáng tạo, kịp thời, phòng ngừa ở mức cao nhất, sẵn sàng phương án cho mọi tình huống; xử lý bản lĩnh, khoa học các tình huống khẩn cấp về đê điều, hồ đập. Thủ tướng và tất cả các Phó Thủ tướng đều đi đến những nơi hiểm nguy nhất, gian khó nhất để chỉ đạo ứng phó và khắc phục hậu quả của cơn bão. Việc chủ động ứng phó với cơn bão từ sớm, từ xa và khắc phục hiệu quả cơn bão, mưa lũ đã góp phần giảm thiểu thiệt hại về người và của ở mức thấp nhất.
Đồng thời, trong những lúc khó khăn, gian
nan, thử thách nhất, tinh thần đại đoàn kết, "tương thân, tương ái",
"tình dân tộc, nghĩa đồng bào" càng tỏa sáng mạnh mẽ. Chúng ta đã
nhanh chóng khôi phục các hoạt động kinh tế, xã hội, nhất là sản xuất, nông
nghiệp; không để ai bị đói, bị rét, không có chỗ ở, học sinh sớm được trở lại
trường, người bệnh được cứu chữa. Đã hoàn thành trước thời hạn nhiều khu tái định
cư, như các dự án tái thiết 3 thôn Làng Nủ, Nậm Tông và Kho Vàng tại Lào Cai bị
tàn phá bởi mưa lũ , khẳng định "sự sống nảy sinh từ cái chết" và hướng
tới sớm trở thành "thôn kiểu mẫu" - "làng hạnh phúc". Điều
này cũng thể hiện trách nhiệm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ với Nhân dân và
cũng thể hiện sự ưu việt của chế độ.
Theo BCP