Những bước tiến mạnh mẽ trong ngành sản xuất
Theo SCMP, trong những năm gần đây, ngành sản xuất của Việt Nam đã
có những bước tiến vượt bậc, khẳng định vị thế mới trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Nếu trước đây, Việt Nam chủ yếu được biết đến như một quốc gia xuất khẩu các sản
phẩm nông sản, nội thất và may mặc, thì hiện nay, ngành sản xuất trong nước đang vươn lên với sự xuất hiện mạnh mẽ của
các ngành công nghệ cao như điện tử, xe điện... Sự phát triển này đã thu hút
chú ý của nhiều tập đoàn đa quốc gia, tạo nên một làn sóng đầu tư mới vào Việt
Nam.
Một trong những minh chứng rõ ràng nhất cho sự tiến bộ này là
ngành điện tử. Tập đoàn Samsung, một trong những nhà sản xuất điện thoại hàng đầu
thế giới đã đặt các nhà máy lớn tại Việt Nam, sản xuất hàng triệu chiếc điện
thoại thông minh mỗi năm. Theo các nhà phân tích, chất lượng sản phẩm của
Samsung tại Việt Nam không hề thua kém so với các sản phẩm được sản xuất tại
các quốc gia khác, đặc biệt là về tiêu chuẩn chất lượng.
Ông Lam Nguyen - Giám đốc nghiên cứu tại IDC Indochina - cho rằng,
chất lượng của một chiếc điện thoại Samsung sản xuất tại Việt Nam chắc chắn
ngang bằng với sản phẩm này được sản xuất tại các quốc gia khác. Điều này chứng
tỏ, Việt Nam đã có thể đáp ứng những tiêu chuẩn sản xuất khắt khe của các tập
đoàn lớn, từ đó khẳng định được năng lực sản xuất của mình.
Nhà máy Samsung Electronics Việt
Nam tại Thái Nguyên. Ảnh: SEVT
Ngoài công nghiệp điện tử, Việt Nam cũng ghi nhận sự phát triển vượt
bậc của các ngành công nghiệp khác. Ngành nội thất Việt Nam nổi bật với hệ sinh
thái sản xuất hoàn chỉnh, giá thành nguyên liệu thấp, đặc biệt là gỗ nội địa.
Điều này đã giúp Việt Nam trở thành một điểm đến thu hút các công ty quốc tế
như Ikea.
Ngành nông sản của Việt Nam, với các mặt hàng nổi bật như cà phê,
hạt điều, cũng đã có những bước tiến lớn, không chỉ chiếm lĩnh thị trường trong
nước mà còn vươn ra thế giới.
Cà phê Việt Nam, với chất lượng ngày càng được nâng cao, đã tạo dựng
được chỗ đứng vững chắc trong lòng người tiêu dùng toàn cầu.
Thêm vào đó, các ngành sản xuất giày dép và may mặc tại Việt Nam
cũng đã tạo dựng được danh tiếng về giá cả cạnh tranh và quy trình sản xuất hiệu
quả. Các thương hiệu lớn như Nike và Patagonia hiện đang đặt hàng tại các nhà
máy Việt Nam, chứng tỏ năng lực sản xuất của đất nước này không chỉ dừng lại ở
những sản phẩm giá rẻ mà còn có thể đáp ứng những yêu cầu cao về chất lượng.
Thách thức và cơ hội tương lai ngành sản xuất của Việt Nam
Dù đã có những thành tựu đáng kể, ngành sản xuất của Việt Nam vẫn
còn phải đối mặt với một số thách thức lớn để vươn lên trở thành trung tâm sản
xuất hàng cao cấp. Mặc dù các sản phẩm điện tử tại Việt Nam đã đạt được chất lượng
tốt, nhưng các nhà phân tích vẫn chỉ ra rằng vẫn còn khoảng cách so với các quốc
gia có thế mạnh trong sản xuất hàng điện tử, đặc biệt là về khả năng kiểm soát
chất lượng và sự đồng nhất.
Theo ông Alberto Vettoretti, quản lý tại Công ty Tư vấn doanh nghiệp
Dezan Shira & Associates, Việt Nam đang đứng trước thách thức lớn trong việc
nâng cao khả năng kiểm soát chất lượng đối với những sản phẩm cao cấp. "Chất
lượng thiếu nhất quán có thể ảnh hưởng tới độ tin cậy và độ bền của một số sản
phẩm, khiến Việt Nam kém cạnh tranh hơn so với các quốc gia đi đầu trong ngành
sản xuất hàng điện tử", ông Vettoretti nhận định.
Ngành sản xuất của Việt Nam đang
phát triển mạnh mẽ
Để giải quyết vấn đề này, các doanh nghiệp Việt Nam cần tiếp tục đầu
tư vào công nghệ sản xuất, đồng thời cải thiện quy trình kiểm soát chất lượng,
đảm bảo sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Ngoài ra, Việt Nam cũng phải đối mặt với các thách thức trong việc
duy trì ổn định chuỗi cung ứng và nâng cao hạ tầng logistics. Trong các giai đoạn
cao điểm, việc vận chuyển hàng hóa có thể gặp khó khăn và thiếu ổn định, ảnh hưởng
đến tiến độ sản xuất và khả năng cung ứng. Để giải quyết vấn đề này, Việt Nam cần
đẩy mạnh đầu tư vào cơ sở hạ tầng và cải thiện hệ thống logistics, tạo điều kiện
thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa cả trong và ngoài nước.
Một yếu tố quan trọng nữa là việc đào tạo lao động tay nghề cao.
Dù Việt Nam đang chuyển dịch dần sang các ngành sản xuất có giá trị gia tăng
cao, nhưng nguồn lao động tay nghề cao vẫn là một yếu tố hạn chế. Các công ty cần
nhiều kỹ sư, kỹ thuật viên và công nhân có tay nghề để đáp ứng yêu cầu của các
ngành công nghiệp công nghệ cao.
"Việt Nam cần phải đào tạo thêm nhiều lao động tay nghề cao nếu muốn nhanh chóng trở thành một trung tâm sản xuất hàng cao cấp", ông Zach Herbers - Giám đốc điều hành Công ty Herbers Agency tại TP. Hồ Chí Minh - cho biết.
Tuy nhiên, Việt Nam đang ở vị thế thuận lợi để nắm bắt cơ hội phát
triển trong ngành sản xuất. Các bước tiến trong chất lượng sản phẩm, khả năng cạnh
tranh giá cả và sự nâng cao tiêu chuẩn sản xuất sẽ tiếp tục giúp Việt Nam thu
hút thêm nhiều nhà đầu tư nước ngoài và mở rộng thị trường xuất khẩu. Nếu giải
quyết được những thách thức trên, Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành một trong
những trung tâm sản xuất hàng hóa chất lượng cao của khu vực và thế giới trong
tương lai gần.
Trong năm 2024, quy mô sản xuất công nghiệp trên cả nước phục hồi
nhanh và liên tục được mở rộng trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới vẫn
còn nhiều khó khăn. Công nghiệp giữ vai trò động lực, dẫn dắt tăng trưởng chung
của nền kinh tế. Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp (PPI) 11 tháng tăng 8,4% so
với cùng kỳ năm 2023 (tăng 0,9%), là mức tăng cao nhất trong giai đoạn từ năm
2020 đến nay). Ước tính cả năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng trên 8%,
vượt kế hoạch đề ra (kế hoạch tăng 7-8%).
Theo BCT