Ám ảnh bởi tín dụng đen
Anh N.H.H - công nhân làm việc tại KCX Tân Thuận (Quận 7, TPHCM). Ba anh N.H.H bị bệnh, cần có tiền thăm khám, trong lúc ấy, đàn lợn nuôi là kế sinh nhai duy nhất của gia đình chết đồng loạt vì dịch bệnh. Không còn cách xoay xở, anh N.H.H vay tín dụng đen 20 triệu đồng, lãi suất 20%/tháng, tương đương 4 triệu đồng tiền lãi/tháng. Bất ngờ dịch COVID-19 ập đến, anh H bị ngừng việc, không có khả năng thanh toán, lãi cộng dồn gốc lên đến cả trăm triệu đồng... Anh N.H.H kể, khi vay tiền, bên cho vay sẽ giữ thẻ ATM để rút lương. Nếu lương không đủ, chủ nợ sẽ gọi điện, thậm chí cho người vào tận công ty để hành hung.
Chị
H.T.N.O (công nhân tại KCN Hiệp Phước, Nhà Bè) cũng từng là “con nợ” của tín dụng
đen. Do nhiều biến cố xảy ra với gia đình, chị H.T.N.O đã tìm đến tín dụng đen.
Lãi mẹ đẻ lãi con, chị O không còn khả năng chi trả, phải bán nhà để trả nhưng
vẫn không trả hết.
“Người ta
chửi bới, áp bức tinh thần khiến gia đình tôi luôn sống trong sợ hãi. Lúc nào
tôi cũng lo lắng không biết họ có làm gì cha mẹ, con cái mình không... Rất khủng
khiếp” - chị H.T.N.O nhớ lại.
Anh Trường
(công nhân Khu công nghiệp Thăng Long, huyện Đông Anh, Thành phố Hà Nội) cho biết,
anh thường nhận được các cuộc gọi, tin nhắn mời gọi vay tiền. Khu trọ nơi anh ở
(thôn Mai Châu, xã Đại Mạch, huyện Đông Anh, Hà Nội) cũng thường xuyên có những
tờ rơi quảng cáo cho vay tiền được dán lên các cột điện hay cổng các khu trọ.
“Công nhân
thuê trọ bị “bủa vây” bởi những lời mời vay mượn tín dụng rất hấp dẫn. Trường hợp
khó khăn rất dễ bị dụ” - anh Trường cho biết.
Theo nam
công nhân này, thời gian này công ty nơi anh chị làm việc ít đơn hàng, không tổ
chức làm thêm, thu nhập giảm. Hiện vợ chồng công nhân này chỉ được nhận lương
cơ bản và một số khoản phụ cấp, tổng thu nhập của cả 2 vợ chồng rơi vào 14-15
triệu đồng/tháng.
Còn anh T
- (huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc) cho hay, cách đây hơn 1 năm khi gặp khó
khăn về tài chính do công ty thiếu việc, anh vay 3 nơi với tổng số tiền 100 triệu
đồng. Số tiền này anh T vay để kinh doanh, sinh hoạt... Mỗi tháng, anh phải trả
3 khoản vay 4,6 triệu đồng. Anh duy trì được việc trả nợ 4-5 tháng, sau đó, việc
kinh doanh thất bát nên không có tiền trả nợ.
Đến giờ đã
là tháng thứ 5 anh T không còn khả năng tài chính để thanh toán các khoản vay.
Các bên đòi nợ đã đến gửi giấy đòi nợ tận nhà, gặp người thân để đòi tiền.
Ánh sáng nơi cuối đường…
Trong thời
gian qua, tổ chức Tài chính Vi mô CEP đã phát huy tốt vai trò đồng hành, hỗ trợ
đoàn viên, người lao động (NLĐ) giải quyết khó khăn trong cuộc sống thông qua
cho vay lãi suất thấp, mở rộng đối tượng được vay vốn, góp phần tích cực phòng,
chống tín dụng đen.
Anh N.H.H
và chị H.T.N.O cũng là hai trường hợp được CEP hỗ trợ, cho vay vốn với lãi suất
thấp. Sau thời gian được CEP hỗ trợ anh N.H.H đã phần nào an tâm vì có thể trả
tiền tín dụng đen; chị H.T.N.O cũng đã trở lại cuộc sống bình thường.
Chị
H.T.N.O chia sẻ, trong lúc chị bế tắc nhất, CEP đã đến như ánh sáng cuối con đường.
“Những năm
đầu số tiền vay tại CEP tôi dùng để trả khoản vay tín dụng đen, bây giờ đã tôi
đã có thể lo cho cha mẹ, con cái đi học” - chị H.T.N.O tâm sự.
Trong giai
đoạn 2018 - 2023, CEP đã đạt dư nợ phát vay hơn 5.000 tỉ đồng với hơn 300.000
khách hàng là công nhân, người lao động, hộ nghèo; tỉ lệ nợ xấu ở mức rất thấp
theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước. Hoạt động của CEP nhận được sự ủng hộ, mời
gọi của các tỉnh bạn trong vùng Đông và Tây Nam bộ, mang lại kết quả rất đáng
khích lệ, được đánh giá cao trong góp phần cải thiện đời sống công nhân, người
lao động nghèo. Đặc biệt, trong đại dịch COVID-19, CEP đã triển khai chương
trình “CEP - chia sẻ yêu thương” giảm lãi suất cho 630.287 khách hàng là đoàn
viên, NLĐ với tổng số tiền giảm gần 86 tỉ đồng.
Mới đây,
CEP đã ký kết phối hợp với Công đoàn các KCX-CN TPHCM nhằm đẩy mạnh triển khai
sản phẩm, dịch vụ CEP một cách kịp thời, nhanh chóng, hiệu quả đến công nhân tại
các KCX-CN trên địa bàn TPHCM, góp phần giảm thiểu vấn nạn tín dụng đen.
Đồng thời,
CEP cũng triển khai gói tín dụng khẩn cấp 300 tỉ đồng với lãi suất ưu đãi
0,4%/tháng (tính theo dư nợ ban đầu), thực hiện từ ngày 18.9 đến hết tháng
2.2024 với hạn mức vay tối đa 50 triệu đồng. Gói tín dụng khẩn cấp góp phần giảm
vấn nạn “tín dụng đen”, giúp công nhân lao động trực tiếp sản xuất tại các
KCX-CN TP vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.
Hà Tĩnh, Nghệ An ngăn chặn tín dụng đen từ sớm, từ xa
Nhằm góp
phần ngăn chặn tín dụng đen, để người lao động tiếp cận được nguồn vốn của các
tổ chức tín dụng hợp pháp, cuối tháng 9.2023, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Quyết
định phê duyệt Đề án “Đầu tư tín dụng chính sách đối với người nghèo và các đối
tượng chính sách khác” trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2023 - 2025. Đề án
đưa ra mục tiêu huy động 11.344 tỉ đồng và hơn 7.000 tỉ đồng vốn thu nợ nhằm đảm
bảo cho người nghèo và đối tượng chính sách vay vốn.
Hà Tĩnh
cũng đã thực hiện cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm liên quan đến hoạt động
“tín dụng đen”. Theo đó công an tỉnh chỉ đạo các phòng, công an các huyện,
thành phố, thị xã, chủ động tham mưu, đề xuất UBND, Ban Chỉ đạo 138 huyện ban
hành văn bản chỉ đạo các cấp, các ngành chỉ đạo triển khai thực hiện Công điện
766 của Thủ tướng Chính phủ.
Trong đó
tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về vay tài sản, thu hồi nợ,
phương thức vay vốn tiêu dùng từ tổ chức tín dụng (cho vay trực tuyến, cho vay
tín chấp trên cơ sở ứng dụng dữ liệu dân cư…); các phương thức, thủ đoạn, hậu
quả của “tín dụng đen” để nâng cao tinh thần, ý thức cảnh giác, phòng ngừa cho
người dân để không rơi vào “bẫy” của tội phạm...
Ngoài ra,
công an tập trung lực lượng, phương tiện, sử dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp
vụ, chủ động nắm chắc tình hình địa bàn, lĩnh vực, nhất là khu vực ở nông thôn,
miền núi, khu công nghiệp, trên không gian mạng; phát hiện những biến tướng của
hoạt động “tín dụng đen” trên từng lĩnh vực để có biện pháp đấu tranh, ngăn chặn
kịp thời…
Tập trung
triệt xóa các băng, ổ nhóm hoạt động có tổ chức, đối tượng lừa đảo chiếm đoạt
tài sản thông qua các hình thức huy động vốn, tham gia hụi, họ, phường, tội phạm
sử dụng công nghệ cao... Đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm liên quan đến
hoạt động “tín dụng đen” được triển khai từ nay đến 14.3.2024.
BLĐ