Vừa qua, Đoàn giám sát của Quốc hội đã có cuộc làm việc với thành phố Hải Phòng về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn thành phố từ năm 2015 đến hết năm 2023.
Theo báo cáo của UBND thành phố Hải Phòng, trong giai đoạn 2015 - 2023, thị trường bất động sản của thành phố Hải Phòng đang dần đi vào khuôn khổ, hệ thống thông tin công chứng lưu trữ của thành phố liên quan đến hơn 500.000 bất động sản, trung bình trong 01 tháng, cập nhật khoảng 7.000 thông tin công chứng về hợp đồng, giao dịch bất động sản; hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản với sự kết nối liên thông với Bộ Xây dựng ngày càng hoàn thiện, hạn chế tối đa được sự tăng trưởng nóng của thị trường bất động sản trên địa bàn thành phố; các chính sách pháp luật của Nhà nước về thị trường bất động sản và nhà ở xã hội đã được phổ biến rộng rãi đến từng Chủ đầu tư và người dân, đáp ứng một phần nhà ở xã hội của người thu nhập thấp, công nhân lao động tại các khu, cụm công nghiệp; thực hiện hỗ trợ cho hơn 10.000 hộ gia đình người có công với cách mạng có khó khăn về nhà ở xây mới, sửa chữa nhà ở đảm bảo theo nguyên tắc 3 cứng (Móng cứng, tường cứng, mái cứng)…
Đến
thời điểm hiện tại, thành phố Hải Phòng đã chấp thuận chủ trương, lựa chọn nhà
đầu tư đối với 31 Dự án nhà ở xã hội với tổng quy mô 36.600 căn, trong đó, có
09 dự án đã khởi công với tổng quy mô khoảng 15.000 căn. Giai đoạn 2021-2025, dự
kiến có khoảng 16.200 căn hoàn thành và sẽ vượt chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội
Chính phủ đặt ra (chỉ tiêu: 15.400 căn); giai đoạn 2025-2030, dự kiến sẽ có khoảng
20.400 căn hoàn thành và sẽ vượt chỉ tiêu Chính phủ giao trong giai đoạn
2025-2030 (chỉ tiêu: 18.100 căn). Ngoài ra, thành phố quy hoạch hơn 40 vị trí để
phát triển nhà ở xã hội cho tương lai, bố trí, quy hoạch phát triển nhà ở cho
công nhân trong các khu công nghiệp. Thành phố có thể hoàn thành vượt chỉ tiêu
về số căn nhà ở xã hội Chính phủ giao trong giai đoạn 2021 - 2030.
Tuy
nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn còn nhiều khó khăn, các quy định thường
xuyên thay đổi và tác động đến nhiều đối tượng, ảnh hưởng đến đời sống kinh tế,
xã hội của thành phố nói chung và của người dân nói riêng nên việc triển khai
các quy định của pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và nhà ở xã hội
còn gặp nhiều khó khăn; vướng mắc trong công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng
đất đối với các dự án chuyển hình thức từ thuê đất trả tiền một lần sang giao đất
có thu tiền sử dụng đất; xác định giá đất khi thực hiện điều chỉnh quy hoạch đối
với các dự án phát triển nhà ở thương mại; các điều kiện về đối tượng mua nhà ở
xã hội khá hẹp và một số quy định của Luật chưa khuyến khích được doanh nghiệp
đầu tư; người dân khó tiếp cận gói tín dụng ưu đãi mua nhà ở xã hội…
Đề
xuất tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Nguyễn
Văn Tùng đề xuất Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan khẩn trương hoàn thiện
các Nghị định, Thông tư hướng dẫn các Luật: Luật Nhà ở 2023, Luật Kinh doanh bất
động sản 2023, Luật Đất đai 2024 để làm hành lang pháp lý cho công tác quản lý
thị trường bất động sản và triển khai các dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội
trong giai đoạn tiếp theo. Chính phủ xem xét, sớm ban hành các Nghị định hướng
dẫn việc xác định giá đất theo Luật Đất đai 2023 đã được Quốc hội thông qua để
làm cơ sở triển khai các dự án đầu tư, đặc biệt là trong lĩnh vực đền bù, giải
phóng mặt bằng; ban hành, điều chỉnh các quy định về hồ sơ đấu giá quyền sử dụng
đất; có giải pháp cụ thể để người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn vay nhà ở xã hội…
Phát
biểu tại Hội nghị, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, Phó Trưởng đoàn Thường trực Đoàn
giám sát Vũ Hồng Thanh đánh giá cao những kết quả thành phố Hải Phòng đã đạt được
trong thời gian qua. Đồng thời, yêu cầu thành phố tổng hợp, báo cáo bổ sung
thêm kinh nghiệm trong phát triển nhà ở xã hội của địa phương. Từ những khó
khăn, vướng mắc, thành phố cần tiếp tục rà soát về mặt thể chế, nhất là với các
dự thảo luật sắp ban hành. Các kiến nghị của thành phố sẽ được Đoàn giám sát tiếp
thu, xem xét, tổng hợp và báo cáo cụ thể với Quốc hội, từ đó có điều chỉnh nhằm
hoàn thiện chính sách và pháp luật, quản lý thị trường bất động sản và phát triển
nhà ở xã hội hiệu quả hơn.
Cùng
ngày, Đoàn công tác khảo sát thực tế tại Dự án Khu đô thị Hưng Ngân Riverside
(quận Dương Kinh) do Công ty CP Đầu tư Nhà và Thương mại Hưng Ngân làm Chủ đầu
tư; Dự án Khu nhà ở xã hội tại Tổng kho 3 Lạc Viên (quận Ngô Quyền) do Công ty
CP Thái - Holding làm chủ đầu tư; làm việc với Hiệp hội Bất động sản, các doanh
nghiệp bất động sản lớn trên địa bàn thành phố về những vấn đề từ thực tiễn,
khó khăn, vướng mắc mà địa phương, doanh nghiệp đang gặp phải trong triển khai
thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản, nhà ở xã hội.
BXD