UBND Thành phố Hà Nội mới đây vừa
ban hành kế hoạch về quản lý, đầu tư phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn
Thành phố năm 2022.
Theo đó, Thành phố sẽ tập trung
xây dựng, hoàn thiện, nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật các cụm công
nghiệp đang hoạt động (giao thông nội bộ, vỉa hè, cây xanh, cấp nước, thoát nước,
xử lý nước thải, chất thải rắn, cấp điện, chiếu sáng công cộng, thông tin liên
lạc nội bộ, nhà điều hành, tường rào bảo vệ và các công trình khác phục vụ hoạt
động của cụm công nghiệp) trong hàng rào các cụm công nghiệp đáp ứng yêu cầu
Nghị định số 68/2017/NĐ-CP ngày 25/5/2017 của Chính phủ về quản lý, phát triển
cụm công nghiệp.
Đặc biệt, Thành phố sẽ tiếp tục tổ
chức khởi công xây dựng hạ tầng kỹ thuật 41 cụm công nghiệp đã có quyết định
thành lập giai đoạn 2019 - 2020; thành lập, mở rộng 15 - 20 cụm công nghiệp mới;
bổ sung 4 cụm công nghiệp mới vào Quy hoạch phát triển cụm công nghiệp đến năm
2020, có xét đến năm 2030.
Thành phố đặt kế hoạch phấn đấu
100% cụm công nghiệp đang hoạt động được quản lý hoạt động theo đúng quy định của
pháp luật về quản lý, phát triển cụm công nghiệp; 100% cụm công nghiệp xây mới
có trạm xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn hoặc quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng;
100% các cụm công nghiệp, cụm công nghiệp làng nghề đã đi vào hoạt động có trạm
xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn hoặc quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng.
Để hoàn thành các mục tiêu trên,
Thành phố yêu cầu các sở, ngành, cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện các giải
pháp nhằm tháo gỡ khó khăn vướng mắc, rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục
hành chính, đẩy nhanh tiến độ khởi công và triển khai xây dựng hạ tầng kỹ thuật
các cụm công nghiệp theo chức năng nhiệm vụ. Phối hợp chuyển đổi mô hình quản
lý nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý hoạt động đối với các cụm công nghiệp
do UBND cấp huyện làm chủ đầu tư…
Bên cạnh đó, Thành phố chỉ đạo
UBND các quận, huyện, thị xã có cụm công nghiệp chủ trì, phối hợp chặt chẽ với
các sở, ngành và đơn vị liên quan để tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với
cụm công nghiệp trên địa bàn và thu hút đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật; phối
hợp với các sở, ngành để giải quyết các nội dung vướng mắc theo thẩm quyền; đề
xuất báo cáo UBND TP các nội dung vượt thẩm quyền. Quản lý, theo dõi, xử lý việc
sử dụng đất, xây dựng trái phép theo đúng quy định và quy hoạch đã được phê duyệt;
đề xuất xử lý vi phạm (nếu có)...
Mặt khác, đẩy nhanh tiến độ phê
duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 và công tác giải phóng mặt bằng đáp ứng tiến độ
khởi công các cụm công nghiệp trên địa bàn đã được phê duyệt. Rà soát các cụm
công nghiệp chậm triển khai để báo cáo UBND Thành phố xem xét, xử lý theo quy định
hiện hành…
Đối với chủ đầu tư các cụm công nghiệp, Thành phố yêu cầu thực hiện nghiêm túc và đầy đủ trách nhiệm của chủ đầu tư trong việc tổ chức triển khai thực hiện dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp theo quyết định thành lập, quy hoạch chi tiết đã được phê duyệt, đảm bảo tiến độ khởi công và hoàn thành xây dựng hạ tầng kỹ thuật theo tiến độ quy định.
Chủ động kêu gọi, thu hút, tiếp
nhận dự án đầu tư vào cụm công nghiệp trên cơ sở quy hoạch chi tiết và ngành
nghề đã được phê duyệt bảo đảm đúng quy định; ưu tiên các nhà đầu tư, dự án sử
dụng công nghệ mới, kỹ thuật cao, các hộ sản xuất tại các làng nghề, hạn chế tối
đa việc gây ô nhiễm môi trường…