Người đi thuê chật vật khi giá nhà
tăng
Anh
Phan Thanh Tùng (quê Thái Bình) làm tài xế hãng xe công nghệ. Tùng thuê căn nhà
rộng 18m2 ở làng Nhân Mỹ (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) từ giữa năm ngoái. Anh trả
khoảng 2,5 triệu đồng thuê nhà mỗi tháng, trong đó có 2 triệu tiền phòng, còn lại
là tiền điện nước, phí dịch vụ. Căn phòng này vốn không có nội thất. Anh Tùng
trải 1 tấm nệm làm chỗ ngủ.
Tháng
trước, chủ nhà trang bị thêm một số thiết bị phòng cháy chữa cháy, đồng thời mỗi
phòng lắp thêm 1 giường, tủ quần áo và điều hòa. Sau khi sửa sang lại, chủ nhà
báo tăng giá phòng trọ lên 2,8 triệu đồng, tiền điện từ 3.500 đồng/kWh lên
4.000 đồng/kWh. Chủ nhà cho biết "mặt bằng khu này đều tăng, thêm nội thất
tiện nghi hơn thì giá không thể như trước".
Anh
Tùng nhẩm tính, với mức tăng này, tiền thuê nhà sẽ tăng hơn 20%, nên muốn chuyển
tới trọ khu rẻ hơn. Sau 3 tuần tìm kiếm ở các quận Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Thanh
Xuân... anh không tìm được phòng cho 1 người tầm giá 2 - 2,5 triệu đồng (đã bao
gồm điện, nước, dịch vụ). Phòng giá dưới 2 triệu đồng, rẻ hơn mặt bằng chung,
phần lớn là hộp ngủ, chỉ đủ cho một chỗ ngủ.
Nhìn
căn phòng chia nhiều chỗ ngủ như ký túc xá, anh Tùng thấy ngột ngạt và lo an
toàn cháy nổ. Thu nhập giảm, lại gánh khoản tiền nhà tăng cao càng áp lực hơn,
anh Tùng đành chuyển qua tìm người ở ghép cùng nhà trọ cũ để chia tiền phòng.
Vợ
chồng chị Nguyễn Khánh Ngân (quận Cầu Giấy) cũng bất ngờ khi chủ nhà thông báo
sau khi hợp đồng thuê hết hạn vào tháng này, giá phòng tăng thêm 20%, lên 9 triệu
đồng/tháng. Năm ngoái, vợ chồng chị thuê căn phòng rộng 25m2 trong tòa chung cư
mini nằm trên phố Trần Thái Tông (Cầu Giấy) với giá 7,5 triệu đồng mỗi tháng.
Theo chị Ngân, chủ nhà nói mới thay nội thất chất lượng hơn nên tăng giá,
"nếu không đồng ý thì chuyển sớm, không cần gia hạn hợp đồng".
Thời
điểm này gần kết thúc kỳ nghỉ hè, nhiều sinh viên bắt đầu trở lại Hà Nội học tập.
Việc nhà trọ tăng khá khiến nhiều sinh viên vô cùng chật vật. Trần Thanh Tường
(quê Nam Định) thuê trọ tại đường Xuân Đỉnh (Bắc Từ Liêm, Hà Nội). Sắp vào năm
học, Tường xuống sớm để nhận lại phòng thì được quản lý khu trọ cho biết, mức
giá tăng 15% so với hợp đồng đã ký. Thấy vô lý, Tường tính chuyển thuê chỗ
khác, nhưng trong khu vực này thì nhà nào cũng tăng giá như vậy.
Tương
tự, Nguyễn Minh Khải (sinh viên Trường Đại học Giao thông Vận tải) trước thuê
trọ tại khu vực Hoàng Quốc Việt (quận Cầu Giấy) khoảng 2,5 - 3 triệu đồng/1
phòng khoảng 25m2. Nhưng hiện tại, giá phòng thấp nhất cũng phải 3 triệu đồng.
Sinh viên trở lại trường học, chật vật khi giá nhà
trọ tăng (Ảnh: TL)
3 lý do khiến giá trọ leo thang
Từ
đầu năm đến nay, nhiều chủ nhà trọ đã tăng giá phòng thuê khoảng 10 - 15%, tập
trung ở quận trung tâm như Đống Đa, Cầu Giấy, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân... Phần
lớn lý do được chủ trọ đưa ra là giá vốn tăng do bất động sản nội đô leo thang,
chi phí đầu tư cao do bố trí thêm nội thất, phòng chứa thêm được nhiều người
(nhờ chia nhỏ không gian). Nhiều tòa chung cư mini mới có giá thuê 10 - 12 triệu
đồng/phòng/tháng.
Theo
nhiều chuyên gia, đà tăng giá thuê chung cư mini, phòng trọ gần gấp đôi tăng
trưởng thu nhập của người dân thành thị theo năm. Kết quả khảo sát của Tổng cục
Thống kê về mức sống dân cư năm 2023 cho thấy, thu nhập bình quân ở khu vực
thành thị chỉ tăng 5,3% so với 2022.
Giải
thích cho sự tăng giá này, ông Đinh Minh Tuấn - Giám đốc kênh Batdongsan cho
hay, nhu cầu thuê nhà của người lao động ở đô thị lớn luôn duy trì ở mức
cao. Sau nhiều sự cố cháy nổ ở chung cư
mini, khu nhà trọ gây hậu quả nghiêm trọng, việc siết an toàn phòng cháy chữa
cháy là cần thiết. Vì thế, các chủ nhà đầu tư thêm thiết bị phòng cháy chữa
cháy, bảo đảm tiêu chuẩn kinh doanh. Đương nhiên, chủ nhà sẽ tính chi phí này
vào giá cho thuê để bù đắp. Điều này khiến giá phòng trọ tăng nhanh.
Đồng quan điểm này, bà Hoa Dung - Giám đốc Ban kinh doanh và Truyền thông Hoian Dor chia sẻ, giá cho thuê phân khúc phòng trọ, chung cư mini tăng có 3 lý do chính.
Đầu
tiên, sau kỳ nghỉ hè thường có một chu kỳ bắt đầu nhu cầu tìm thuê nhiều lên
khiến cầu tăng. Thứ hai, giai đoạn vừa rồi có nhiều vấn đề liên quan đến an
toàn cháy nổ nên các yêu cầu về an toàn phòng cháy chữa cháy chặt chẽ hơn khiến
các chủ cho thuê phải đáp ứng, từ đó chi phí lắp đặt sắm sửa thiết bị cũng sẽ
tính vào giá thuê nhà, một phần cũng khiến nguồn cung ít đi. Thứ 3, người thuê
trọ có xu hướng tìm những nơi có mức độ an toàn cao hơn.
Ngoài
ra, bà Hoa Dung còn cho biết thêm, nguồn cung ngày càng ít đi cùng nhu cầu thuê
phòng trọ có sự phân hoá nhất định sẽ khiến xu hướng giá thuê trọ từ nay tới cuối
năm tăng.
RT