Thỏa thuận này được công bố chỉ vài tuần
sau thông tin nhà máy điện hạt nhân Three Mile Island, nơi từng xảy ra thảm họa
hạt nhân nghiêm trọng nhất nước Mỹ, sẽ hoạt động trở lại để cung cấp năng lượng
cho Microsoft.
"Chúng tôi tin rằng năng lượng hạt
nhân đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ tăng trưởng bền vững và thúc đẩy
sự phát triển của AI" - Giám đốc năng lượng và khí hậu của Google chia sẻ
trong một cuộc họp báo - "Lưới điện cần những nguồn năng lượng sạch, đáng
tin cậy như vậy để có thể hỗ trợ cho việc xây dựng và vận hành các công nghệ
này".
Chi tiết tài chính của thỏa thuận không được
tiết lộ.
Các "ông lớn" công nghệ như
Microsoft, Amazon và Google đang nhanh chóng mở rộng quy mô trung tâm dữ liệu để
đáp ứng nhu cầu tính toán khổng lồ của cuộc cách mạng AI, đồng thời tìm kiếm
các nguồn năng lượng mới trên toàn cầu.
Theo thỏa thuận, lò phản ứng module nhỏ
(SMR) đầu tiên do Kairos phát triển dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào cuối thập kỷ
này. Các lò phản ứng tiếp theo sẽ được đưa vào vận hành cho đến năm 2035, tạo
ra tổng cộng 500 megawatt điện.
SMR có kích thước nhỏ gọn hơn và dễ triển
khai hơn so với các lò phản ứng truyền thống. Nhà sáng lập Microsoft Bill Gates
cũng đã đầu tư mạnh vào lĩnh vực này. Tuy nhiên, công nghệ SMR vẫn đang trong
giai đoạn sơ khai và chưa được cấp phép hoạt động, khiến các công ty phải tìm đến
các lựa chọn năng lượng hạt nhân hiện có.
"Chúng tôi coi đây là một mối quan hệ
hợp tác thực sự quan trọng", đồng sáng lập kiêm giám đốc điều hành của
Kairos, Mike Laufer, cho biết. Thỏa thuận này cho phép công nghệ SMR "trưởng
thành và hoàn thiện hơn trong quá trình phát triển", Laufer nói thêm.
Lưới điện cần những nguồn năng lượng sạch
mới để hỗ trợ cho AI khi khả năng và ứng dụng của trí tuệ nhân tạo ngày càng
tăng, Giám đốc năng lượng và khí hậu của Google nhấn mạnh, đồng thời cho biết
năng lượng hạt nhân là một phần trong chiến lược của Google nhằm đảm bảo nguồn
năng lượng sạch, dồi dào, hoạt động liên tục.
"Đây là một canh bạc đầy hứa hẹn",
ông nói về thỏa thuận với Kairos. "Nếu chúng tôi có thể mở rộng quy mô các
dự án này trên toàn cầu, nó sẽ mang lại lợi ích to lớn cho cộng đồng và lưới điện
trên khắp thế giới".
Được xem là nguồn năng lượng ổn định hơn
so với năng lượng mặt trời và gió, năng lượng hạt nhân với sự phát triển nhanh
chóng đang được nhiều công ty công nghệ đặt cược để giúp đáp ứng nhu cầu điện
năng khổng lồ của AI.
Việc Microsoft sử dụng năng lượng hạt nhân
từ Three Mile Island sẽ củng cố lưới điện bao phủ 13 tiểu bang. Khu vực này
đang đối mặt với áp lực lớn từ mức tiêu thụ năng lượng khổng lồ của các trung
tâm dữ liệu, làm dấy lên lo ngại về sự ổn định của lưới điện khi nhu cầu AI
tăng lên.
Vào tháng 3, Amazon Web Services (AWS) đã
đồng ý đầu tư 650 triệu USD vào một trung tâm dữ liệu sử dụng năng lượng từ một
nhà máy điện hạt nhân khác ở Pennsylvania.
Tuy nhiên, năng lượng hạt nhân cũng vẫn đối
mặt với nhiều ý kiến phản đối do lo ngại về việc xử lý chất thải phóng xạ, nguy
cơ tai nạn thảm khốc và chi phí cao liên quan đến việc xây dựng và ngừng hoạt động
nhà máy.
Vụ tai nạn lò phản ứng số 2 tại Three Mile
Island năm 1979 đã gây ra sự hoảng loạn ở Mỹ và khiến việc mở rộng năng lượng hạt
nhân bị đình trệ. Ủy ban Điều tiết Hạt nhân coi đây là "vụ tai nạn nghiêm
trọng nhất trong lịch sử vận hành nhà máy điện hạt nhân thương mại của Mỹ",
mặc dù họ lưu ý rằng không phát hiện bất kỳ ảnh hưởng nào đến sức khỏe của người
lao động hoặc người dân từ lượng phóng xạ nhỏ được giải phóng.