Giải ngân vốn FDI năm 2024 đạt kỷ lục
Theo Bộ Kế
hoạch và Đầu tư, năm 2024 là năm có mức giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước
ngoài, FDI cao nhất từ trước tới nay ở nước ta, đạt hơn 25,3 tỷ USD.
Theo đó,
khu vực đầu tư nước ngoài tiếp tục ghi nhận những đóng góp quan trọng trong hoạt
động xuất nhập khẩu. Trong đó, giá trị xuất khẩu tăng hơn 12% so với 2023, chiếm
gần 72% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Nhập khẩu của khu vực này cũng
tăng 15,5% so với năm 2023. Về đối tác đầu tư, năm 2024 có 114 quốc gia và vùng
lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Trong đó dẫn đầu là Singapore với khoảng 10,2 tỷ
USD.
Doanh nghiệp
nước ngoài liên tiếp mở rộng sản xuất
Đúng như
nhận định của Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Việt Nam
vẫn là thỏi nam châm thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Trong khi dòng vốn
này trên toàn cầu giảm so với trung bình nhiều năm.
Gần 2 tỷ
USD là tổng vốn đăng ký đầu tư vào tỉnh Bắc Ninh ngay từ đầu năm nay. Con số
này gần bằng tổng vốn FDI thu hút vào tỉnh trong năm 2022. Đáng chú ý, có dự án
của nhà đầu tư nước ngoài tăng thêm 1,2 tỷ USD vốn đầu tư.
Ông Kang
Eui Sik - Phó Tổng Giám đốc Công ty Samsung Display Việt Nam cho biết: “Chúng
tôi có kế hoạch mở rộng đầu tư, nhất là cho nghiên cứu và phát triển, sản xuất
màn hình OLED cho điện thoại thông minh. Từ năm ngoái, chúng tôi đã mở rộng hơn
sản xuất màn hình OLED IT và Auto cho các thiết bị máy tính bảng, máy tính xách
tay và màn hình trên xe ô tô”.
Năm 2024,
tỉnh Bắc Ninh đứng đầu cả nước về thu hút vốn FDI, với trên 5 tỷ USD, tăng gấp
3,1 lần so với cùng kỳ năm 2023. Đáng chú ý, vốn điều chỉnh trong lĩnh vực điện,
điện tử, bán dẫn tăng mạnh cả ở khu vực FDI và doanh nghiệp phụ trợ nội địa,
qua đó giúp hình thành chuỗi cung ứng công nghệ cao, tạo cú hích cho tăng trưởng.
Ông Vương
Quốc Tuấn - Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh chia sẻ: “Chúng tôi căn cứ vào dư địa,
đặc biệt về chủ trương phát triển công nghệ cao, gắn với việc thúc đẩy, phát
triển doanh nghiệp địa phương, các doanh nghiệp trong nước để tạo ra hệ sinh
thái để hỗ trợ, tiên quyết vẫn là cải cách thủ tục hành chính, tiết kiệm về mặt
thời gian, chi phí và công khai minh bạch nhất trong tất cả các thủ tục”.
Trong năm
qua, tập đoàn bán dẫn Amkor Technology đã giải ngân thêm 500 triệu USD, các đối
tác của Apple như Foxconn, Luxshare đồng loạt tăng vốn, mở rộng nhà máy sau khi
Apple hoàn tất chuyển 11 nhà máy sản xuất vào Việt Nam.
Nhờ vậy, tổng
vốn FDI năm 2024 ước tính giải ngân trên 25 tỷ USD, cao nhất trong 6 năm qua và
là năm thứ ba liên tiếp Việt Nam đạt mức giải ngân FDI trên 20 tỷ USD. Các con
số này cho thấy dòng vốn ngoại ngày càng triển khai nhanh, đi vào thực chất của
nền kinh tế.
Ông Andrea
Coppola - Chuyên gia Kinh tế trưởng, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nhận định:
“Khả năng thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam nhờ ba yếu tố chính: sự ổn định
của môi trường kinh doanh cho các nhà đầu tư, thứ hai là những nỗ lực cải cách
thủ tục hành chính, pháp lý; cuối cùng là vị trí chiến lược trong thương mại
toàn cầu”.
Theo các tổ
chức quốc tế, thu hút FDI toàn cầu năm nay còn nhiều thách thức, đặc biệt các
chính sách giữ chân các nhà đầu tư của các quốc gia lớn nên đòi hỏi Việt Nam phải
tăng cường cải thiện môi trường đầu tư, tháo gỡ các cản trở về thủ tục hành
chính và phát triển hạ tầng.
Theo TB VTV