Long Biên (Hà Nội) là một điểm nóng của thị trường bất động sản Hà Nội thời gian qua với những biến đổi mạnh mẽ về hạ tầng giao thông và sự đổ bộ của các ông lớn bất động sản. Đất nền Long Biên, đặc biệt là những vị trí mặt tiền đường với tiềm năng kinh doanh lớn cũng theo đà đó liên tục nhảy múa theo những biến động trên. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, những vị trí đắc địa này dù giảm giá vẫn vắng người mua dịp cuối năm.

Giá đất nền các tuyến phố lớn giảm giá

Trong mạch chững lại của thị trường nhà đất năm 2022, Long Biên (Hà Nội) cũng không là ngoại lệ khi làn sóng giảm giá tăng mạnh thời điểm cuối năm. Mức sụt giảm mạnh nhất thuộc về bất động sản các tuyến phố lớn.

Đơn cử, đất mặt phố Việt Hưng từng được chào giá lên tới 230 triệu đồng/m2 vào năm 2021 thì hiện tại giá rao bán trên thị trường chỉ còn dao động từ 180-190 triệu đồng/m2. Cùng thời điểm, đất mặt đường Ngô Gia Tự từng có giá 250 triệu đồng/m2 thì nay giá trên thị trường chỉ còn khoảng 190-210 triệu đồng/m2; một số vị trí chủ đất chào mức giá 170-180 triệu đồng/m2. Đất mặt phố Hồng Tiến thuộc phường Bồ Đề từng có giá bán ngoài 350 triệu đồng/m2 thì hiên tại giá rao bán phổ biến chỉ khoảng 250-300 triệu đồng/m2. Đất mặt phố Nguyễn Sơn cũng từ mức giá 230-260 triệu đồng/m2 rơi xuống mức 200 triệu đồng/m2, một số mảnh chủ đất rao bán chỉ khoảng 190 triệu đồng/m2.

Bất động sản tại các tuyến phố kém sầm uất hơn cũng ghi nhận chiều hướng đi xuống của giá. Đơn cử, đất tại Ngọc Thụy , giá đất từ mức 70-85 triệu đồng/m2 của năm 2021 giảm về mức 60-67 triệu đồng/m2 thời điểm hiện tại. Hai năm trước, bất động sản tuyến phố Thanh Am từng được rao bán lên tới 110 triệu đồng/m2 thì từ tháng 11/2022 đến nay, giá chỉ còn dao động 88-95 triệu đồng/m2. Đất mặt phố Xuân Đỗ, từng giao dịch ở mức giá 105-115 triệu đồng/m2 thì giá hiện nay là 95-100 triệu đồng/m2. Đất phố Lâm Hạ từ mức 140 triệu đồng/m2 thì nay giá rao bán chủ yếu rơi vào khoảng 110-120 triệu đồng/m2. Đất Tư Đình cũng từ mức ngoài 120 triệu đồng/m2 thì nay chỉ còn khoảng 100 triệu đồng/m2.


Khó khăn của người Mua …?

Dù giá đất tại các tuyến phố kinh doanh sầm uất của Long Biên giảm đáng kể nhưng thị trường lại vắng bóng người mua. Nhà đầu tư Phạm Văn Hiệp (trú tại Gia Lâm) cho biết, đây là thời điểm thích hợp mua vào khi nhiều mảnh vị trí đẹp, tiềm năng tăng giá cao đã giảm 20-30%. “Nếu so sánh giá đất các tuyến phố kinh doanh của Long Biên với các tuyến phố tương đương vị trí, tiềm năng ở Cầu Giấy, Đống Đa, Thanh Xuân đang có mức giá 300-500 triệu đồng/m2 thì giá đất tại đây còn khá mềm, dư địa tăng giá vẫn còn. Tuy nhiên, việc mua vào của nhiều nhà đầu tư đang gặp khó khi họ không có đủ vốn, việc vay ngân hàng không còn dễ dàng như trước”, ông Hiệp cho biết.

Đồng quan điểm, anh Vũ Thăng (môi giới đất nền khu phía Đông Hà Nội) cho biết, khá nhiều khách hàng là nhà đầu tư của anh khi biết có hàng ngộp rất muốn mua nhưng lại không có tiền. “Nhiều nhà đầu tư đang kẹt tiền trong các kênh đầu tư khác như bất động sản, trái phiếu hoặc chứng khoán nên dù rất muốn mua nhưng không rút được tiền từ các kênh đầu tư kia để mua. Có nhà đầu tư đã có khoảng 40-50% vốn nhưng lại không tiếp cận được vốn vay ngân hàng với phần còn lại nên cũng không thể mua được những mảnh đất giá tốt”, anh Thăng cho biết. Chính bởi vậy, dù giá đất giảm nhưng thanh khoản của thị trường nhìn chung là kém. Thị trường vắng lặng, gần như không phát sinh giao dịch. Cũng theo anh Hoàng, cả môi giới và nhà đầu tư đều đã xác định nghỉ Tết sớm.

Trên thực tế, dòng tiền đổ vào bất động sản vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn khiến sức mua của thị trường giảm mạnh. Chính bởi vậy rất nhiều lô đất mặt tiền kinh doanh ở Long Biên dù đang có giá tốt nhưng vẫn khó thanh khoản. “Chúng tôi đang mong mỏi room tín dụng mới của năm 2023. Hy vọng sau Tết, room tín dụng được nới room rộng hơn, việc đầu tư kinh doanh của chúng tôi cũng sẽ có những chuyển biến tích cực”, nhà đầu tư Phạm Văn Hiệp cho biết.

Nguyễn Nam - BĐS