Giai đoạn Covid-19, tại các khu công nghiệp, công nhân được yêu cầu
làm việc tập trung khép kín tại nhà máy, phân xưởng để hạn chế sự lây lan của dịch
bệnh. Họ vẫn có việc để làm, có thu nhập và vì thế dù sinh hoạt, công việc gói
gọn trong nhà máy nhưng việc trả tiền thuê trọ bên ngoài vẫn được duy trì để
khi dịch kết thúc, công nhân trở về chỗ ở cũ ổn định cuộc sống.
Thế nhưng từ giữa năm nay, do tác động mạnh của suy thoái kinh tế,
rất nhiều các công ty đã phải sa thải, cắt giảm nhân sự, cắt giảm lương do sự sụt
giảm của các đơn hàng, đặc biệt là ở các ngành thâm dụng lao động như dệt may,
da giày, chế biến gỗ, thủy hải sản, gia công linh kiện điện tử, cơ khí. Số liệu
của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết 1.235 doanh nghiệp gặp khó khăn
trong sản xuất đã làm ảnh hưởng tới 472.000 công nhân, trong đó 41.500 người bị
chấm dứt hợp đồng lao động
Thực trạng này kéo theo sự suy giảm của thị trường thuê trọ khi
làn sóng công nhân trả phòng, về quê ngày một tăng cao, đặc biệt thời điểm cuối
năm. Tại Yên Phong (Bắc Ninh) – một trong những tâm điểm của thủ phủ công nghiệp
miền Bắc, thị trường thuê trọ nhiều xóm trọ đang rơi tình cảnh phòng trống gần
một nửa. Khu trọ nào khá khẩm hơn thì tỉ lấp đầy đạt 80%. Một số nhà máy tại
đây cắt giảm nhân sự đã buộc một lượng không nhỏ công nhân phải về quê nghỉ Tết
sớm. Những công nhân may mắn có việc làm thì lương lại bị cắt giảm, không có
tăng ca, không làm thêm cuối tuần nên tổng thu nhập giảm đáng kể.
Thực trạng trên khiến nhiều chủ nhà trọ giảm giá thuê nhà. Bà
Hương, chủ dãy nhà trọ gần các nhà máy ở Yên Phong cho biết, dãy phòng trọ của
bà có giá thuê là 1,6-1,8 triệu đồng/phòng đã được bà giảm 300.000 ngàn đồng mỗi
phòng từ 3 tháng nay. Nhiều khu nhà trọ tại Yên Phong cũng đang giảm giá thuê từ
20-30% khi lượng người thuê ít, thu nhập của người thuê lại bị giảm.
Thị trường thuê trọ Bắc Giang cũng chung một câu chuyện. Do tình
trạng thiếu đơn hàng thời điểm cuối năm, nhiều công ty ở đây đã phải cắt giảm
công nhân, cắt giảm lương, giờ làm. Số liệu từ Ban Quản lý các Khu công nghiệp
tỉnh Bắc Giang cho biết tổng số lao động trong các khu công nghiệp của tỉnh đến
tháng 11/2022 giảm 2 nghìn người so với tháng trước và giảm khoảng 2,5 nghìn so
với cùng kỳ năm trước. Một khảo sát của Batdongsan.com.vn với thị trường nhà trọ
Bắc Giang ở Hiệp Hòa, Quang Châu, Việt Yên… cũng cho thấy tỉ lệ phòng trống
tăng cao trong 4 tháng cuối năm. Giá thuê từ mức phổ biến 1,2-1,6 triệu đồng/phòng
thì hiện giờ chỉ còn 1-1,4 triệu đồng/tháng. Một số khu phòng trọ giảm giá 1/3,
thậm chí gần một nửa nhưng vẫn không lấp đầy được người thuê.
Tỉ lệ lấp đầy và giá thuê phòng trọ
giảm mạnh
Ông Nguyễn Thìn, chủ một nhà trọ gần khu công nghiệp Vân Trung (Bắc
Giang) cho biết, dãy nhà trọ của ông may mắn khi tỉ lệ trống phòng chưa đến 10%
do công nhân thuê đều làm cùng một nhà máy và đơn vị này vẫn đang đảm bảo được
công việc. “Tuy nhiên, đơn hàng ít, nhân viên không làm tăng ca, không thêm giờ
nên thu nhập giảm đáng kể so với trước. Tôi cũng muốn hỗ trợ công nhân giai đoạn
này nên giảm 1/3 giá thuê nhà”, ông Thìn chia sẻ.
Thị trường thuê nhà trọ gần các khu công nghiệp ở Hải Phòng, Quảng
Ninh, Hải Dương, khu công nghiệp Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội) và các tỉnh
thành phía Nam phát triển mạnh về khu công nghiệp như Bình Dương, Đồng Nai,
Long Anh… cũng ghi nhận tình trạng phòng trống tăng và giá thuê giảm. Một khảo
sát của Batdongsan.com.vn với các chủ nhà trọ cho thấy phần lớn các chủ nhà đều
cho rằng sức khỏe của phân khúc này có được cải thiện hay không hoàn toàn phụ
thuộc vào tình hình kinh tế thời gian tới. “Nếu suy thoái kinh tế chưa có hồi kết
thì các công ty, nhà máy vẫn gặp khó về đơn hàng, công nhân vẫn bị cắt giảm số
lượng, những người có việc thì thu nhập giảm. Nhà trọ của chúng tôi sẽ vẫn trống
nhiều, giá thuê không tăng, và thậm chí không quay được về mốc giá thuê cũ”, bà
Nguyễn Thị Loan, chủ một khu nhà trọ gần khu công nghiệp VSIP Bắc Ninh cho biết.
batdongsan.com.vn