Cụ thể, theo báo cáo kinh doanh tháng 7 vừa công bố, tính riêng tháng 7, FPT ghi nhận 3.390 tỷ đồng doanh thu, 605 tỷ đồng lãi trước thuế và lãi sau thuế của cổ đông công ty mẹ 416 tỷ đồng.

Năm 2022, tập đoàn lên kế hoạch kế hoạch 42.420 tỷ đồng doanh thu và 7.618 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Như vậy, sau 7 tháng, FPT đã thực hiện được gần 55% mục tiêu doanh thu và gần 56% chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế cả năm.

7 tháng đầu năm, mảng công nghệ tiếp tục đóng góp lớn nhất vào cơ cấu doanh thu và lợi nhuận trước thuế với tỷ lệ lần lượt là 57% và 45%. Doanh thu mảng công nghệ đạt 13.259 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế là 1.923 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 22,1% và 25,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tăng trưởng doanh thu dịch vụ chuyển đổi số đạt 50%. Trong đó doanh thu đến từ dịch vụ đám mây (Cloud) tăng gấp gần 2 lần so với cùng kỳ (87%), chiếm 55% doanh thu dịch vụ chuyển đổi số.

Mảng xuất khẩu phần mềm tiếp tục đà tăng trưởng mạnh mẽ đạt mức doanh thu 10.156 tỷ đồng, tương đương với mức tăng 29,1%, đóng góp bởi sức tăng đến từ thị trường Mỹ (tăng 43%) và APAC (tăng 62%). Thị trường Nhật Bản có sự phục hồi đáng kể với mức tăng trưởng doanh thu theo đồng Yên đạt 20,2%.

Khối lượng đơn hàng ký mới tại thị trường nước ngoài của FPT tăng mạnh lên mức 13.762 tỷ đồng tương đương mức tăng trưởng 43,2%.

Có thể thấy, trong bối cảnh lạm phát, kiểm soát chi phí là yếu tố được ưu tiên. Năm 2020, khi bùng nổ đại dịch Covid, nhờ lợi thế chi phí thấp và sự cộng hưởng từ thương vụ M&A Intellinet, FPT đã thành công giành được hợp đồng CNTT khổng lồ có trị giá 100 triệu USD từ một doanh nghiệp ô tô ở Mỹ. Nhờ lợi thế này, Ban lãnh đạo tự tin giữ nguyên mục tiêu doanh thu 1 tỷ USD (ước tính tăng 25% so với cùng kỳ) cho mảng CNTT nước ngoài vào năm 2023.

Mảng dịch vụ CNTT trong nước giảm tốc do tăng trưởng tín dụng ngân hàng bị hạn chế và thị trường bất động sản bị thắt chặt hơn. Tăng trưởng doanh thu 6 tháng đầu năm 2022 và lợi nhuận trước thuế của mảng CNTT trong nước đều duy trì ở mức một con số là 7% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, ban lãnh đạo FPT dự kiến tăng trưởng sẽ tăng lên mức 20% so với cùng kỳ trong nửa cuối năm 2022 nhờ backlog (đơn đặt hàng đã có) đạt 5.000 tỷ đồng.

Tỷ suất lợi nhuận trước thuế của mảng dịch vụ viễn thông trong 6 tháng đầu năm được cải thiện, tăng lên khoảng 19,1% do sự tăng trưởng tích cực của dịch vụ truyền hình trả tiền. Số lượng thuê bao mới của dịch vụ truyền hình trả tiền tăng trưởng 25% so với cùng kỳ trong 6 tháng đầu năm 2022 & tỷ suất lợi nhuận trước thuế của mảng này đạt 13%.

Tỷ suất lợi nhuận trước thuế của Pay-TV có thể đạt 15% -17% nhờ việc bổ sung thêm nhiều nội dung phát sóng. Trong trường hợp nền kinh tế có những biến động không lường trước, dòng tiền ổn định từ dịch vụ viễn thông có thể là một điểm cộng cho FPT.

Ngoài ra, mảng giáo dục có thể trở thành một động lực tăng trưởng khác của FPT khi ban lãnh đạo nhận định mảng hoạt động này có thể đạt mức tăng trưởng hơn 30% so với cùng kỳ trong 3 năm tới.

MKA