Mới đây, Nghị viện châu Âu (EP) và các quốc gia thành viên EU đã đạt được thỏa thuận về kế hoạch tăng cường cung cấp chất bán dẫn ở châu Âu.

Theo đó, Liên minh châu Âu đã đồng ý một kế hoạch trị giá 43 tỷ euro (47 tỷ USD) nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn của mình để bắt kịp Mỹ và châu Á, người đứng đầu phụ trách lĩnh vực công nghiệp của EU - Thierry Breton chia sẻ thông tin hôm thứ 3 - 18/4.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen nhấn mạnh: “Thỏa thuận này sẽ tạo ra ngành công nghiệp chip cạnh tranh và xây dựng nền tảng cho thị phần toàn cầu. Thỏa thuận cũng sẽ tiếp sức cho ngành công nghệ sạch được sản xuất tại châu Âu, đồng thời tăng cường khả năng phục hồi và chủ quyền kỹ thuật số của chúng ta”.

Những chi tiết cuối cùng của cuộc đàm phán giữa EP và các quốc gia thành viên EU về Đạo luật Chips được diễn ra tại Strasbourg, miền đông nước Pháp. Ông Breton nói trong một cuộc họp báo: “Chúng tôi đã đạt được thỏa thuận về Đạo luật chip của EU”.

Trước đó theo tin tức Reuters đăng tải vào ngày 5/ 4, sẽ sớm có thỏa thuận được thông qua.

Đạo luật Chip của EU nhằm tăng gấp đôi tỷ lệ sản lượng chip toàn cầu của khối lên 20% vào năm 2030 và được đưa ra sau khi Mỹ công bố Đạo luật Chips for America để cạnh tranh với Trung Quốc.

Mặc dù Ủy ban ban Châu Âu ban đầu chỉ đề xuất tài trợ cho các nhà máy sản xuất chip tiên tiến, nhưng các chính phủ và nhà lập pháp EU đã mở rộng phạm vi để bao trùm toàn bộ chuỗi giá trị, bao gồm cả việc nâng cấp các cơ sở sản xuất chip cũ và xây dựng các cơ sở nghiên cứu và thiết kế mới.

Nhà sản xuất chip của Intel của Mỹ - công ty sẽ nhận được trợ cấp của Đức cho một nhà máy tại quốc gia này đã hoan nghênh thỏa thuận này: “Đạo luật chip của EU sẽ tập trung đầu tư vào nơi cần thiết nhất – vào năng lực sản xuất, kỹ năng và R&D”. Hendrik Bourgeois, Phó chủ tịch phụ trách các vấn đề chính phủ châu Âu tại Intel, cho biết: “Sự hỗ trợ chính trị mạnh mẽ và rộng rãi cho các mục tiêu này cho thấy EU rất nghiêm túc trong việc đảm bảo sự thịnh vượng trong tương lai của mình”.

TK: CNBC