Năm 2024, livestream bán hàng không còn là xu hướng mà đã trở thành một kênh mua sắm của giới trẻ trên các sàn thương mại điện tử. Những buổi phát trực tiếp với hàng ngàn lượt xem, các sản phẩm cháy hàng chỉ trong vài phút đang diễn ra ngày càng nhiều và dần trở thành một kênh phân phối của ngành bán lẻ. Bước sang năm 2025, phương thức livestream bán hàng này sẽ còn tiếp tục phát triển hơn nữa khi tăng trưởng thương mại điện tử của Việt Nam hiện đang đứng top đầu của khu vực Đông Nam Á với dự báo quy mô thương mại điện tử có thể đạt 45 tỷ USD trong năm nay.
Dành hàng
giờ để xem livestream bán hàng, đặt mua các sản phẩm được giới thiệu từ các buổi
bán hàng trực tiếp trên các nền tảng mạng xã hội, đây là thói quen được nhiều bạn
trẻ hiện nay đang lựa chọn.
Anh Hoàng
Tuấn Linh - Quận Đống Đa, Hà Nội cho biết: “Tôi dành rất nhiều thời gian để xem
tiktok, xem các phiên livestream bán hàng. Tôi thấy mua bán trên này rất tiện lợi,
thanh toán dễ dàng và có rất nhiều chương trình khuyến mại, các mặt hàng phong
phú”.
Từ đầu năm
ngoái, những đơn vị kinh doanh nhỏ đã áp dụng chiến lược chuyển đổi số toàn diện,
từ vận hành, sản xuất đến tiếp thị và phân phối bằng cách tổ chức các phiên
livestream bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội. Nhờ vậy, đã góp phần cá nhân
hóa trải nghiệm mua sắm và giữ chân khách hàng lâu hơn.
Chị Nguyễn
Quỳnh Liên - Chủ kênh bán hàng Liên Moon chia sẻ: “Mình thay đổi cách vận hành,
thay đổi cả tư duy làm sản phẩm để làm sao phù hợp với xu hướng của thị trường
và khách hàng mong muốn. Thực sự những ngày đầu rất thách thức và khó khăn, vì
mình chưa biết cách tiếp cận làm sao cho chuẩn. Và đặc biệt, khi bán hàng trên
các sàn thương mại điện tử, để bán hay là một chuyện nhưng mình phải tuân thủ
luật quảng cáo để quảng cáo làm sao vừa đủ và chính xác với quy định của pháp
luật để người nghe không hiểu lầm”.
Các doanh
nghiệp hiện tại cũng rất chú trọng đến việc tuân thủ đúng các quy định của pháp
luật như: nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm, nghĩa vụ thuế hay quy định về quảng
cáo sản phẩm. Và để hình thức kinh doanh mới này phát triển lành mạnh và hiệu
quả, việc xây dựng hành lang pháp lý đầy đủ cho loại hình này cũng cần được
tính đến.
Ths. Nguyễn
Bình Minh - Uỷ viên Ban chấp hành Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam nhận định:
“Đối với những nội dung do người livestream thực hiện, trong quá trình nói chuyện,
người ta có thể thay đổi toàn bộ giọng điệu, ngôn ngữ. Vì vậy, việc kiểm duyệt
tương đối khó. Chính vì vậy, cần phải có quy định về chứng chỉ hành nghề đối với
những người tham gia hoạt động livestream để đảm bảo họ tuân thủ đạo đức nghề
nghiệp, không nói sai, không quảng cáo vượt quá sự thật”.
Năm nay, dự
báo quy mô thương mại điện tử Việt Nam sẽ đạt 45 tỷ USD. Và hình thức bán hàng
qua các buổi livestream sẽ tiếp tục phát triển, trở thành kênh tiếp cận khách
hàng hiệu quả cho các đơn vị phân phối. Vì vậy, với việc đẩy mạnh chuyển đổi số
trong phát triển kênh bán lẻ sẽ giúp người bán nắm bắt được các cơ hội và mở rộng
thêm tệp khách hàng.
Theo TB VTV