Nhà máy ôtô Thành Công Việt Hưng có quy mô công suất 120.000 xe ôtô/năm được xây dựng trên diện tích 36,5ha, nằm trong Tổ hợp Công nghiệp ôtô và phụ trợ Thành Công Việt Hưng quy mô tổng diện tích 340ha, với tổng số vốn đầu tư 8.679 tỷ đồng tại Khu công nghiệp Việt Hưng, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Đây là Nhà máy đầu tiên tại Việt Nam và Đông Nam Á chuyên lắp ráp, sản xuất ôtô, mang thương hiệu Škoda Auto - thương hiệu ôtô lớn nhất của Cộng hòa Séc.
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Vũ Đại Thắng kiểm tra tiến
độ dự án Nhà máy ôtô Thành Công Việt Hưng, ngày 19/11/2024. (Ảnh: QMG)
Theo
thông tin Nhà máy ôtô Thành Công Việt Hưng công bố, toàn bộ dây chuyền sản xuất,
lắp ráp tại nhà máy áp dụng các công nghệ tiên tiến, hiện đại hàng đầu của Škoda
Auto, đáp ứng các tiêu chuẩn của châu Âu với mức độ tự động hóa cao. Theo đó,
dây chuyền thiết bị của nhà máy được cung cấp bởi những đối tác hàng đầu, có
nhiều kinh nghiệm triển khai cho các nhà máy ôtô lớn trên thế giới, như:
Chropynska, Wipro Pari và Durr. Điều này giúp đảm bảo dây chuyền sản xuất, lắp
ráp của nhà máy đáp ứng hoàn toàn các tiêu chuẩn chất lượng quốc tế, tiêu chuẩn
bảo vệ môi trường và sẵn sàng năng lực để sản xuất các mẫu xe mới trong tương
lai.
Nhà máy ôtô Thành Công Việt Hưng có công suất
120.000 xe/năm, chính thức đi vào chạy thử từ cuối năm 2024 và vận hành thương
mại từ đầu năm 2025; giai đoạn đầu vận hành, sẽ lắp ráp những chiếc ôtô Skoda
các phân khúc SUV và Sedan hạng B. (Ảnh: Đỗ Phương)
Sau
2 năm thi công, các khu vực phụ trợ như đường thử, nhà văn phòng, trạm cấp LPG,
trạm cấp nhiên liệu… đều đã hoàn thành, sẵn sàng để nhà máy chính thức đi vào
chạy thử từ cuối năm 2024 và vận hành thương mại từ đầu năm 2025. Trong giai đoạn
đầu vận hành, nhà máy sẽ lắp ráp các phân khúc SUV và Sedan hạng B phù hợp với
thị hiếu và xu hướng tiêu dùng hiện nay của người Việt Nam. Theo kế hoạch, nhà
máy sẽ cho ra mắt thị trường hai mẫu ôtô CKD (xe lắp ráp trong nước với 100%
linh kiện được nhập khẩu) đầu tiên là Kushaq và Slavia vào năm 2025. Giai đoạn
tiếp theo, nhà máy sẽ mở rộng sang các dòng xe điện thân thiện với môi trường,
tiếp cận với công nghệ sản xuất ôtô mới theo hướng xanh, phù hợp với xu thế
phát triển của thế giới.
Xác
định Tổ hợp công nghiệp ôtô và phụ trợ Thành Công Việt Hưng là dự án trọng điểm,
mang tính động lực cho sự phát triển của tỉnh trong nhiều năm tới, góp phần
tăng thu cho ngân sách địa phương, giải quyết việc làm… tỉnh Quảng Ninh và các
sở, ngành, thành phố Hạ Long đã dành sự quan tâm hỗ trợ đặc biệt trong quá
trình triển khai dự án. Việc lựa chọn, bố trí vị trí xây dựng Nhà máy ôtô Thành
Công Việt Hưng tại Khu công nghiệp Việt Hưng thể hiện rõ sự quan tâm của tỉnh
Quảng Ninh trong định hướng hình thành một trung tâm sản xuất ôtô mới của cả nước.
Bởi đây là khu vực có vị trí chiến lược, nằm ngay bên bờ vịnh Cửa Lục, thuận tiện
cho cả giao thương nội địa và quốc tế, dễ dàng kết nối tới tất cả các hạ tầng
giao thông như: Hàng không, cảng biển, đường sắt và đặc biệt là hệ thống cao tốc
liên kết vùng xuyên suốt như: tuyến đường nối Khu công nghiệp Cái Lân qua Khu
công nghiệp Việt Hưng đến cao tốc Hạ Long - Vân Đồn; tuyến đường cao tốc Vân Đồn
- Móng Cái, các cầu Tình Yêu, Bình Minh…
Nhằm
tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động đầu tư, kinh doanh của Nhà máy ôtô
Thành Công Việt Hưng nói riêng và Khu công nghiệp Việt Hưng nói chung, tỉnh Quảng
Ninh đã chỉ đạo các Sở, ngành, địa phương liên quan tiếp tục hỗ trợ, tháo gỡ
khó khăn về nguồn đất đắp để chủ đầu tư là Tập đoàn Thành Công tiếp tục đẩy mạnh
thực hiện Tổ hợp Công nghiệp ôtô và phụ trợ Thành Công Việt Hưng; triển khai dự
án cải tạo, mở rộng đường 279 để nhà máy đi vào hoạt động thuận lợi, an toàn.
Lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Ninh cũng đã chỉ đạo các ngành, địa phương tiếp tục đồng
hành, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện dự án. Trong đó, yêu
cầu thành phố Hạ Long khẩn trương hoàn thành việc lập quy hoạch phân khu số 6
và 13 để trên cơ sở đó, chủ đầu tư sẽ triển khai các bước tiếp theo như đầu tư
nhà ở công nhân, đường dây 110kV từ TBA 220kV Hoành Bồ về Khu công nghiệp Việt
Hưng và nâng công suất trạm biến áp 110kV KCN Việt Hưng lên 3x63MVA...; Bên cạnh
đó, tỉnh Quảng Ninh sẽ tiếp tục đồng hành cùng chủ đầu tư dự án, kịp thời báo
cáo Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để Tổ hợp công nghiệp ôtô và phụ trợ Thành
Công Việt Hưng được hưởng các chính sách ưu đãi như các khu công nghệ cao hoặc
khu kinh tế nhằm tạo sự hấp dẫn, nâng cao sức cạnh tranh khi nhà máy đi vào hoạt
động.
Nhà
máy ôtô Thành Công Việt Hưng và Tổ hợp công nghiệp ôtô và phụ trợ Thành Công Việt
Hưng khi hoàn thiện đi vào hoạt động sẽ là chuỗi cung ứng kết nối hàng chục nhà
máy sản xuất, trong đó có lắp ráp ôtô, sản xuất pin và động cơ, phụ trợ, cảng
và dịch vụ… trong tương lai sẽ đưa Quảng Ninh trở thành một trong những trung
tâm sản xuất ôtô lớn của đất nước; góp phần thúc đẩy ngành Công nghiệp phụ trợ
ôtô Việt Nam tiếp cận tới các thị trường khu vực và thế giới.
Đồng
thời, Nhà máy sẽ đóng góp vào sự phát triển của ngành Công nghiệp ôtô Việt Nam;
phù hợp với định hướng của Chính phủ trong giai đoạn mới là phát triển công
nghiệp ôtô phù hợp với chuỗi giá trị toàn cầu, phân công và hợp tác để cùng sản
xuất, đưa ngành công nghiệp ôtô trở thành ngành quan trọng, phục vụ sự nghiệp
công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.
BXD