Với các khoản đầu tư vào cơ sở hạ tầng mới và giá hàng hóa tăng cao thúc đẩy nhu cầu về máy móc hạng nặng, sự tập trung đặc biệt của Komatsu vào thị trường Đông Nam Á đang giúp Hãng tăng doanh thu so với mức trước đại dịch.

Giám đốc tài chính Takeshi Horikoshi chia sẻ : "Các thị trường chiến lược, như Đông Nam Á đang thúc đẩy lợi nhuận tăng". Theo công bố kết quả kinh doanh mới đây từ Công ty Nhật Bản Komatsu, Tổng doanh thu của Hãng tăng 33% lên 2,01 nghìn tỷ yên. Lợi nhuận ròng cũng tăng hơn gấp đôi trong năm lên 155,5 tỷ yên (1,35 tỷ đô la), trong giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 12, Đây là mức lợi nhuận cao nhất kể từ năm tài chính 2019, trước khi sự lan rộng toàn cầu của COVID-19.

Thị trường châu Á không bao gồm Nhật Bản và Trung Quốc là thị trường đóng góp lớn vào lợi nhuận của Komatsu, với doanh thu bán thiết bị xây dựng, khai thác mỏ và tiện ích tại đây tăng 2,3 lần lên 195,5 tỷ yên.

Komatsu những năm gần đây đã phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng gay gắt từ các đối thủ đến từ Trung Quốc tại Indonesia, thị trường lớn nhất Đông Nam Á như Sany Heavy Industry. Các sản phẩm giá rẻ chính là át chủ bài để dành thị phần tại các thị trường này. Đáp lại, Komatsu vào mùa hè năm ngoái đã cho ra mắt loại máy móc mới được thiết kế để xây dựng nhà cửa và đường xá, với động cơ chất lượng cạnh tranh, tiết kiệm nhiên liệu, độ bền cao và giá thành rẻ hơn khoảng 10%. Dòng sản phẩm mới đã giúp Hãng thành công chinh phục thị trường đang có nhiều tiềm năng phát triển.

Komatsu không phải là nhà sản xuất máy móc hạng nặng duy nhất có doanh thu tăng vọt. Hitachi Construction Machinery mới đây cũng cho biết Hãng này dự kiến ​​lợi nhuận ròng sẽ tăng gấp 5 lần trong năm tài chính 2021 kết thúc vào tháng 3 năm nay, lên 52 tỷ yên, nâng mức dự báo trước đó lên 6 tỷ yên. Caterpillar tuần trước thông báo cáo lợi nhuận ròng của hãng đạt 2,12 tỷ đô, tăng 2,7 lần so với một năm trước đó.

Nhưng trong khi Caterpillar đối mặt với khó khăn khi thị trường Trung Quốc tăng trưởng chậm lại, Komatsu và Hitachi đang chứng kiến ​​tỷ suất lợi nhuận hoạt động của mình phục hồi đáng kể trong quý 4.2021, lần lượt là 12,1% và 9,4%, nhờ sự hiện diện của họ tại các thị trường Đông Nam Á đang phát triển.

Tuy nhiên, những mối quan tâm vẫn đang ở phía trước. Mặc dù thu nhập hàng quý tăng vọt, Komatsu vẫn duy trì dự báo trước đó cho toàn bộ năm tài chính đến hết tháng 3, với lý do gián đoạn trong chuỗi cung ứng khi các chuyến hàng được vẩn chuyển bằng đường biển và sự lây lan của các biến thể coronavirus mới.

Căng thẳng giữa Nga và Tây Âu về Ukraine là một mối quan tâm khác. Vào tháng 4 đến tháng 12, Komatsu ghi nhận doanh thu tăng vọt 78% so với cùng kỳ năm ngoái lên 139,8 tỷ yên trong khối bao gồm Nga và các quốc gia thuộc Liên Xô cũ khác. Khu vực giàu tài nguyên là thị trường trọng điểm cho các thiết bị khai thác có lợi nhuận và chiếm 8% tổng doanh thu của Komatsu trong giai đoạn 9 tháng đầu của năm tài khóa 2021.

Komatsu và Hitachi sản xuất một số thiết bị ở Nga, nhưng cũng xuất khẩu thành phẩm sang nước này từ Nhật Bản. Các biện pháp trừng phạt kinh tế của Mỹ và châu Âu đều có thể làm giảm nhu cầu đối với máy móc hạng nặng ở Nga và làm gián đoạn việc thanh toán cho các hợp đồng hiện có. Ông Takeshi Horikoshi chia sẻ thêm: “Nếu Đồng rúp yếu hơn có thể đẩy giá máy móc nhập khẩu tăng cao từ đó dẫn đến giảm nhu cầu”.

Theo Nikkei